Tầm quan trọng của quản lý rủi ro

Theo đánh giá của Tổ chức Hải quan thế giới, QLRR “là một quy trình có tổ chức, có cơ cấu, bao gồm những bước được xác định tốt, theo đó việc xác định, phân tích, thiết lập ưu tiên và xử lý rủi ro sẽ diễn ra một cách hệ thống để nâng cao chất lượng quá trình đưa ra quyết định”.

Trong một nền kinh tế - xã hội phát triển sẽ phát sinh nhiều nguồn tiền khác nhau. Theo logic phát sinh, yêu cầu thiết lập các sắc thuế đánh vào một số đối tượng nhằm thu NSNN. Các quốc gia hình thành hệ thống các luật thuế khác nhau, có các mục tiêu khác nhau. Nhiều nước đã phải xây dựng cho mình một cơ chế pháp luật vững chắc để quản lý các nguồn thu. Do đó, Luật Quản lý thuế đã ra đời và Việt Nam cũng là một trong số các nước có Luật Quản lý thuế.

Qua đánh giá khảo sát ở nhiều quốc gia, kể cả các quốc gia có trình độ phát triển cao, khả năng quản lý tốt nhưng vẫn không tránh khỏi những sơ hở bị một số đối tượng nộp thuế lợi dụng, trốn lậu thuế. Để ngăn chặn các hành vi đó, cơ quan quản lý thuế phải xây dựng những chiến lược QLRR về thu nộp thuế trên cơ sở các biện pháp nâng cao quản lý tuân thủ của người nộp thuế để bảo đảm giảm thiểu những trường hợp vi phạm pháp luật thuế.

QLRR trong quản lý thuế sẽ làm tăng khảnăng đảm bảo nguồn thu không bị thất thoát mà được quản lý tốt và giảm khảnăng thất thu. Tuy nhiên, QLRR là một cách làm việc và suy nghĩ logic, khoa học trên cơ sở áp dụng những biện pháp đánh giá phân tích, lập các chương trình theo thuật toán giúp mang đến những câu trả lời tốt hơn để ngăn ngừa ở mức tối ưu những sơ hở về chính sách, cụ thể là chính sách thuế.

Quản lý rủi ro được Luật định

Ở Việt Nam, Luật Quản lý thuế được Quốc hội khoá XI, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 29/11/2006 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2007. Sau đó, ngày 20/11/2012, Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 4 thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế số 21/2012/QH13. Việc sửa đổi bổ sung này đã giải quyết cơ bản hạn chế, bất cập về công nghệ quản lý thuế. Luật này đã bổ sung các khoản 10 vào Điều 5, đã khẳng định vị trí, vai trò của phương pháp QLRR.

Theo khoản 10, Điều 5: “QLRR trong quản lý thuế là việc áp dụng có hệ thống các quy định pháp luật, các quy trình nghiệp vụ để xác định, đánh giá và phân loại các rủi ro có thể tác động tiêu cực đến hiệu quả, hiệu lực quản lý thuế, làm cơ sở để cơ quan quản lý thuế phân bổ nguồn lực hợp lý, áp dụng các biện pháp quản lý hiệu quả”.

Như vậy, việc quản lý thuế đã được quy định dựa trên cơ sở thu thập thông tin, phân tích đánh giá rủi ro theo các tiêu thức quản lý để phân loại, lựa chọn phương thức theo mức độ rủi ro phù hợp với đặc điểm, trình độ của từng loại đối tượng nộp thuế. Thông tin và dữ liệu trong chương trình quản lý thuế phải bảo đảm phản ánh đúng, đủ và kịp thời nghĩa vụ nộp thuế của doanh nghiệp (DN).

QLRR đã được thực hiện bằng các quy trình nghiệp vụ cụ thể theo các nguyên tắc nhất định trên cơ sở thông tin có chất lượng thu được từ hệ thống quản lý DN, quản lý tuân thủ… Đảm bảo thông tin quản lý thuế nhằm phát huy hiệu lực và hiệu quả và đảm bảo nguồn thu bền vững cho NSNN.

Quản lý rủi ro giai đoạn 2013-2015

Theo nội dung sửa đổi, bổ sung của Luật Quản lý thuế, mục tiêu trọng tâm của Chiến lược cải cách thuế giai đoạn 2013-2015, định hướng 2020, sẽ đảm bảo nguồn thu bền vững cho NSNN qua việc áp dụng phương pháp QLRR trong tất cả các khâu nghiệp vụ của công tác thu thuế của cơ quan thuế và cơ quan hải quan.

QLRR được tạo dựng dựa trên cơ sở dữ liệu người nộp thuế đầy đủ, chính xác, tập trung; phát triển ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ các hoạt động quản lý thuế đảm bảo tính liên kết, tự động hoá cao, gắn chặt với quá trình cải cách thủ tục hành chính thuế.

Nghị định 83/2013/NĐ-CP, ngày 22/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Quản lý thuế đã nêu rất cụ thể các nội dung đối với cơ quan thuế và cơ quan hải quan phải thực hiện. Cụ thể:

Việc thu thập thông tin dữ liệu về người nộp thuế phục vụ cho việc QLRR bao gồm: Thông tin dữ liệu về hồ sơ pháp lý của người nộp thuế: hồ sơ đăng ký lần đầu và hồ sơ đăng ký sửa đổi, bổ sung (nếu có); Thông tin dữ liệu về các hồ sơ khai thuế theo quy định của pháp luật; Thông tin dữ liệu về tình hình chấp hành pháp luật về thuế trong việc kê khai thuế, nộp tiền thuế, miễn giảm thuế, thanh tra, kiểm tra thuế; Thông tin dữ liệu từ các đơn vị thuộc, trực thuộc các bộ, ban, ngành phải được liên kết với nhau; Thông tin dữ liệu từ bên thứ ba có liên quan như: Hiệp hội ngành nghề kinh doanh, các đối tác kinh doanh của người nộp thuế; Thông tin dữ liệu từ đơn thư tố cáo trốn thuế, gian lận thuế; Thông tin dữ liệu khác (bao gồm cả thông tin được phép mua theo quy định của pháp luật).

Về xây dựng bộ tiêu chí phục vụ QLRR: Cơ quan thuế, cơ quan hải quan sẽ căn cứ trên cơ sở thông tin dữ liệu đã thu thập được để xây dựng các bộ tiêu chí cho các nghiệp vụ quản lý thuế phù hợp với yêu cầu quản lý thuế trong từng thời kỳ. Bộ tiêu chí QLRR phải phù hợp với các quy định của pháp luật thuế, các chính sách quản lý nhà nước và phải được thủ trưởng cơ quan phê duyệt.

Cơ quan thuế, cơ quan hải quan đã và đang tiến hành xây dựng và phát triển hệ thống ứng dụng nghiệp vụ để tự động đánh giá tuân thủ pháp luật của người nộp thuế; đánh giá rủi ro cho các nghiệp vụ quản lý của ngành thuế. Đồng thời, cơ quan thuế căn cứ mức độ rủi ro của người nộp thuế trong việc đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế, miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế để thực hiện hỗ trợ các hoạt động nghiệp vụ trong quản lý thuế và lựa chọn đối tượng đưa vào kế hoạch kiểm tra, thanh tra thuế.

Công tác thu thuế, quản lý thuế đối với một số sắc thuế có liên quan chặt chẽ gắn kết giữa Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan, đặc biệt là trong việc thu thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, các khoản thu nhập của các đối tượng đầu tư nước ngoài qua chuyển giá…

Nhiều nội dung quản lý mà trong đó thông tin dữ liệu của cơ quan thuế là đầu vào của cơ quan hải quan như thông tin khai đăng ký mã số thuế, thông tin chấp hành tốt pháp luật thuế… hoặc ngược lại, thông tin số liệu xuất khẩu hàng hóa từ cơ quan hải quan là cơ sở để cơ quan thuế hoàn thuế VAT cho hàng xuất khẩu… Do đó, 2 cơ quan quản lý thuế cần phối kết hợp chặt chẽ hơn nữa, cùng xây dựng cơ chế, chương trình cơ sở dữ liệu phần mềm chia sẻ thông tin quản lý DN và số thu nộp với các thông tin cần thiết khác để góp phần quản lý hiệu quả và hiệu lực hơn NSNN.

Một số yêu cầu đặt ra

Trong nhiều năm qua việc quản lý thuế đối với các đối tượng nộp thuế không có nhiều thay đổi, trong khi đó các đối tượng nộp thuế đăng ký kinh doanh và đăng ký mã số thuế ngày càng nhiều, cùng với đòi hỏi cải cách thủ tục hành chính nhanh chóng, tiện lợi trong thời gian ngắn là thách thức đối với các cơ quan quản lý thuế trong tình hình mới hiện nay.

Cơ quan quản lý thuế đang áp dụng ngày càng nhiều các kỹ thuật QLRR để xác định khu vực có nguy cơ phát sinh rủi ro lớn nhất và tìm cách phân bổ nguồn lực có hạn để quản lý những rủi ro này. Phương pháp quản lý tuân thủ dựa trên QLRR bắt đầu với cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin đủ mạnh và hệ thống pháp luật chặt chẽ, kết hợp với các lĩnh vực như xác định rõ ràng minh bạch trách nhiệm từ cấp Chính phủ và các ngành đến các cấp cơ sở, bao gồm các quy định về giao tiếp điện tử, quy định các chế tài xử phạt đối với hành vi không tuân thủ pháp luật và cho phép các giải pháp xử lý nghiệp vụ linh hoạt và phù hợp.

Tất cả các điều đó sẽ là nền tảng tạo cho DN Việt Nam hoạt động kinh doanh lành mạnh, bền vững từ đó mới có nguồn thu cho NSNN. NSNN có vai trò rất quan trọng trong toàn bộ hoạt động kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng và đối ngoại của đất nước.

Nhiệm vụ của các cơ quan thu NSNN hiện nay là phải hướng đến sự cân bằng hợp lý giữa việc đảm bảo tuân thủ với việc giảm chi phí cho xã hội. Điều này có thể đạt được khi các cơ quan quản lý thuế triển khai áp dụng phương pháp quản lý tuân thủ dựa trên QLRR.

Phương pháp quản lý rủi ro, đảm bảo nguồn thu ngân sách bền vững

BÙI THÁI QUANG - Tổng cục Hải quan

(Tài chính) Quản lý rủi ro (QLRR) đã và đang trở thành thuật ngữ quen thuộc, một phương pháp được áp dụng ngày càng sâu rộng trong việc quản trị tài chính, ngân sách nhà nước (NSNN) tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Việc Quản lý nguồn thu từ thuế nội địa và thuế xuất nhập khẩu trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế nhanh như nước ta hiện nay, cho thấy vai trò quan trọng của QLRR.

Xem thêm

Video nổi bật