Quản lý dự trữ ngoại hối của Hàn Quốc và hàm ý cho Việt Nam

TS. TRẦN THỊ LƯƠNG BÌNH - Đại học Ngoại thương

(Tài chính) Thời gian gần đây, Hàn Quốc không ngừng nâng cao chất lượng quản lý dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Trung ương (NHTW) . Nhờ đó, quy mô dự trữ ngoại hối (DTNH) của nước này liên tục tăng đều qua các năm. Qua nghiên cứu kinh nghiệm quản lý dự trữ ngoại hối của Hàn Quốc, bài viết đề xuất một số gợi ý chính sách cho Việt Nam trong việc nâng cao chất lượng quản lý dự trữ ngoại hối.

Thực trạng quản lý ngoại hối của Hàn Quốc

Để thực hiện mục tiêu của chiến lược quản lý DTNH, Hàn Quốc đã xây dựng được một mô hình tổ chức quản lý DTNH hiệu quả, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế. NHTW cùng với Bộ Tài chính và Kinh tế nắm giữ DTNH, NHTW quản lý tất cả quỹ dự trữ của nước này. DTNH Hàn Quốc thuộc quỹ của Chính phủ và NHTW, được quy định trong Luật Ngân hàng và Luật về giao dịch ngoại hối, Luật Ngân sách và kế toán.

Thực tế cho thấy, yếu tố quyết định trực tiếp đến chất lượng công tác quản lý DTNH của Hàn Quốc chính là mô hình tổ chức và năng lực quản lý DTNH của NHTW Hàn Quốc. Theo đó, cơ quan này đã thiết lập một cơ cấu tổ chức quản lý DTNH với 3 cấp độ rõ rệt có sự phối hợp chặt chẽ với Chính phủ trong việc đưa ra các chính sách hay các quyết định. Trên cơ sở những quy định do Ủy ban chính sách tiền tệ đề ra, cơ quan quyết định cao nhất là Vụ Quản lý dự trữ và Vụ Quốc tế trực thuộc NHTW Hàn Quốc có trách nhiệm quản lý DTNH và các vấn đề liên quan.

Cụ thể, Vụ Quản lý dự trữ được chú trọng về tổ chức hoạt động với sự phân tách cụ thể 3 chức năng: giao dịch (Front Office), phân tích (Middle Office) và hạch toán (Bank Office) để nâng cao hiệu quả quản lý DTNH; Thuê chuyên gia có kinh nghiệm từ khu vực tư nhân để quản lý DTNH và đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên sâu.

Tại Hàn Quốc, các nhà quản lý DTNH trực tiếp có thể được phép đầu tư trên nguyên tắc tuân thủ các tiêu chuẩn đầu tư đã được quyết định, nhưng các tiêu chuẩn đầu tư này thường được quy định theo biên độ trần để linh hoạt. Các tiêu chuẩn đầu tư được phân bổ chi tiết theo khu vực như Chính phủ, đại lý, công ty và theo kỳ hạn dựa vào phân tích về đường cong lợi tức và xu hướng lãi suất, loại chứng khoán và việc mua bán ngắn hạn trên thị trường ngoại hối.

Quản lý dự trữ ngoại hối của Hàn Quốc  và hàm ý cho Việt Nam - Ảnh 1

Nhìn vào Hình 1 có thể nhận thấy, từ năm 2000 đến tháng 5/2014, quy mô DTNH của Hàn Quốc đã liên tục tăng đều qua các năm. Từ mức 96,25 tỷ USD vào năm 2000 đã tăng lên tới 360,91 tỷ USD, tính đến tháng 5/2014. Đây là mức tăng DTNH kỷ lục của Hàn Quốc từ trước đến nay. Qua đó, đã đưa Hàn Quốc trở thành nước DTNH đứng thứ 7 trên thế giới.

Cơ cấu DTNH của Hàn Quốc cũng có xu hướng tăng dần tỷ trọng tập trung vào các lĩnh vực như : chứng khoán và vàng trong tổng quy mô dự trữ qua các năm từ 2010 - tháng 4/2014 (Bảng 1). Đây là định hướng rõ rệt, góp phần lớn vào thành công trong công tác quản lý DTNH của NHTW Hàn Quốc.

Nếu như thời gian đầu sau khủng hoảng tài chính châu Á (năm 1997), DTNH của Hàn Quốc tăng đều phần lớn là nhờ nguồn thặng dư của cán cân vãng lai và sự gia tăng của nguồn vốn đầu tư đổ vào quốc gia này, thì thời gian gần đây, DTNH của Hàn Quốc tăng lên mạnh mẽ chủ yếu là do lợi tức thu được từ các khoản đầu tư mang lại. Theo NHTW Hàn Quốc, trong tháng 5/2014, 90% lượng dự trữ ngoại tệ dưới dạng chứng khoán, trái phiếu Chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp đã có lãi. Tổng giá trị các khoản đầu tư này ước đạt 130,11 tỷ USD vào cuối tháng 5/2014, tăng hơn 4 tỷ USD so với tháng 4/2014.

Bài học cho Việt Nam

Từ thành công trên của NHTW Hàn Quốc trong trong hoạt động quản lý DTNH, có thể rút ra được những bài học kinh nghiệm cũng như đề xuất, gợi ý nhằm nâng cao chất lượng quản lý DTNH cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam.

Thứ nhất, hoàn thiện mô hình tổ chức hoạt động của cơ quan trực tiếp quản lý DTNH nhà nước có sự thống nhất, phân cấp rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ và quan hệ chặt chẽ, hiệu quả.

Tại Việt Nam, ngày 20/5/2014, Chính phủ ban hành Nghị định 50/2014/NĐ-CP (có hiệu lực thi hành từ ngày 15/7/2014) về quản lý DTNH, thay thế cho Nghị định 86/1999/NĐ-CP, đã quy định rõ hơn về mô hình tổ chức quản lý DTNH quốc gia tại Việt Nam. Theo đó, NHNN Việt Nam sẽ trực tiếp quản lý DTNH. Mô hình tổ chức này cũng tương đồng với Hàn Quốc và đa số các nước khác trên thế giới, khi NHTW là cơ quan quản lý DTNH quốc gia.

Để việc xây dựng chiến lược quản lý DTNH hiệu quả, NHTW nên quản lý theo mô hình thống nhất, đồng thời có sự phân cấp rõ rệt về chức năng, nhiệm vụ. Trên cơ sở đó, việc quản lý DTNH của Việt Nam nên tham khảo mô hình tổ chức hoạt động và xây dựng quy trình thực hiện quản lý DTNH của NHTW Hàn Quốc.

Theo mô hình tổ chức hoạt động quản lý DTNH của Hàn Quốc, Vụ Quản lý dự trữ chịu trách nhiệm quản lý dự trữ trên các phương diện như: lựa chọn mức chuẩn, đưa ra các định hướng đầu tư, quản lý rủi ro, quản lý danh mục vốn đầu tư, kế toán; được tổ chức thành 3 bộ phận (Front Office, Middle Office và Back Office). Trong đó, bộ phận Middle office có vai trò quan trọng trong việc đề xuất ra các chiến lược đầu tư, nắm bắt được các mô hình kinh tế và thông hiểu thị trường tài chính. Mỗi bộ phận này lại được chia thành các tổ nhỏ hơn như:

- Tổ kế hoạch quản lý DTNH: thiết lập các định hướng đầu tư, xác định cơ cấu dự trữ và lĩnh vực đầu tư.

- Tổ quản lý rủi ro: đưa ra các giới hạn đầu tư cho các tổ chức tài chính, quản lý rủi ro và phân tích hoạt động.

- Tổ quản lý dự trữ 1, 2 và 3 quản lý danh mục đầu tư, định hướng đầu tư.

- Tổ thanh toán và hệ thống dịch vụ thực hiện việc thanh toán, kế toán và kiểm soát hệ thống thông tin.

Trong khi đó, nhiệm vụ của Vụ Quốc tế là quản lý các giao dịch ngoại hối, cung - cầu ngoại hối, can thiệp trên thị trường ngoại hối, kiểm soát lượng DTNH và thông báo ra công chúng.

Thứ hai, hoàn thiện quy trình quản lý DTNH. Việc xây dựng được quy trình quản lý DTNH chặt chẽ, phù hợp, là yếu tố góp phần không nhỏ quyết định chất lượng, hiệu quả của công tác quản lý DTNH.

Để nâng cao hiệu quả quản lý DTNH của Việt Nam trong thời gian tới, chúng ta cần xem xét học tập kinh nghiệm của Hàn Quốc theo 7 bước về quy trình quản lý DTNH, cụ thể là :

Bước 1: Xác định cơ cấu đầu tư DTNH

Bước 2: Xây dựng chiến lược đầu tư

Bước 3: Xác định tài sản có chiến lược

Bước 4: Thực hiện đầu tư

Bước 5: Thanh toán các giao dịch

Bước 6: Hạch toán kế toán các giao dịch

Bước 7: Quản lý rủi ro và đánh giá quá trình thực hiện

Quản lý dự trữ ngoại hối của Hàn Quốc  và hàm ý cho Việt Nam - Ảnh 2

Thứ ba, không ngừng đa dạng hóa cơ cấu DTNH và xây dựng chiến lược đầu tư DTNH phù hợp với mục tiêu của quản lý DTNH quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế từng thời kỳ.

Theo thông lệ quốc tế, mức DTNH vừa đủ là ở mức đủ để trang trải tổng số nợ nước ngoài đến hạn thanh toán trong vòng một năm và về dài hạn thì ở mức 12 tuần nhập khẩu. Việc nắm giữ và quản lý lượng DTNH sẽ tạo ra chi phí cơ hội lớn và việc duy trì chặt chẽ nguyên tắc thanh khoản sẽ hạn chế thu nhập cho quốc gia.

DTNH thường được đầu tư vào các công cụ tài chính an toàn như trái phiếu Chính phủ của các nước G7, tiền gửi tại các ngân hàng thương mại có mức độ xếp hạng tín nhiệm AAA có sinh lời thấp trong khi nền kinh tế trong nước đang thiếu vốn để đầu tư và phải vay vốn nước ngoài với chi phí cao gây lãng phí và làm giảm hiệu quả quản lý DTNH.

Về cơ cấu công cụ đầu tư, Hàn Quốc đầu tư vào các công cụ có lãi suất cố định như trái phiếu Chính phủ hay trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, trái phiếu công ty do các tổ chức tài chính phát hành, trái phiếu công ty do người nước ngoài quản lý. Về tiêu chuẩn đối tác đầu tư, Hàn Quốc chỉ đầu tư vào các đối tác có xếp hạng tín nhiệm từ AA trở lên (theo đánh giá xếp hạng tín nhiệm của Standard & Poor’s).

Hàn Quốc thực hiện 3 chiến lược đầu tư cơ bản phù hợp với mục tiêu quản lý dự trữ như thanh khoản và ổn định thị trường tài chính tiền tệ trong nước và hướng tới tăng mức sinh lời từ đầu tư dự trữ.

Với mục tiêu thanh khoản, một phần dự trữ được đầu tư vào công cụ của thị trường tiền tệ bằng đồng USD như tiền gửi, tín phiếu. Tuy nhiên, mức đầu tư ngắn hạn chỉ ở quy mô nhỏ, đủ đáp ứng nhu cầu để giảm chi phí cơ hội.

Với mục tiêu sinh lời nhưng vẫn phải an toàn và thanh khoản, DTNH được đầu tư một cách đa dạng theo các đồng tiền mạnh khác ngoài đồng USD là đồng Euro (EUR), đồng bảng Anh (GBP) và đồng Yên Nhật (JPY) vào các công cụ có lãi suất cố định như trái phiếu Chính phủ hoặc trái phiếu công ty được Chính phủ bảo lãnh. Một phần DTNH được giao cho các nhà quản lý nước ngoài đầu tư là loại hình đầu tư gián tiếp vào các tài sản có mức sinh lời cao và đi kèm có mức rủi ro cao, đồng thời thông qua chiến lược này đào tạo cán bộ về kỹ năng đầu tư và tham gia các chương trình đào tạo nước ngoài.

Thứ tư, hoàn thiện hoạt động kiểm toán trong quản lý DTNH. Hoạt động này tại NHTW Hàn Quốc được thực hiện theo 2 hình thức, là kiểm toán nội bộ và kiểm toán từ bên ngoài (kiểm toán độc lập).

- Kiểm toán nội bộ được thực hiện bởi Tổ quản lý rủi ro và Phòng kiểm toán. Đội quản lý rủi ro xem xét chi tiết việc quản lý ngoại hối hằng ngày, chỉ ra các sai phạm trong đầu tư hay có sự vượt quá giới hạn rủi ro, đảm bảo kiểm toán đúng nguyên tắc.

- Bộ phận kiểm toán báo cáo tình hình quản lý cụ thể hàng ngày thông qua hệ thống thông tin nội bộ. Bộ phận này hoạt động dưới dự giám sát của một kiểm toán viên do Thủ tướng chỉ định. Báo cáo kiểm toán hàng năm được trình lên Thống đốc NHTW và Hội đồng chính sách tiền tệ quốc gia.

- Kiểm toán từ bên ngoài được thực hiện ít nhất 1 năm 1 lần, kiểm soát cả hoạt động kế toán và quản lý dự trữ. Kỳ họp Quốc hội cũng sẽ kiểm tra lại tình hình quản lý ngoại hối hàng năm thông qua cơ quan kiểm toán nhà nước.

- NHTW Hàn Quốc tính toán khối lượng DTNH cần thiết hàng ngày và báo cáo lại với Hội đồng chính sách tiền tệ, thông báo ra công chúng và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) 2 lần/tháng. Tình hình đầu tư cũng cũng được công khai trong báo cáo thường niên. Một số chi tiết như mức chuẩn, thành phần trong danh mục đầu tư, lợi nhuận đầu tư thì không được công khai vì điều này có thể ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý DTNH của NHTW.

Nhằm nâng cao chất lượng công tác quản lý DTNH Việt Nam cần tăng cường năng lực thống kê, phân tích, dự báo để điều chỉnh cơ cấu đầu tư và tiêu chuẩn đầu tư hợp lý; tiếp tục chú trọng công tác đào tạo năng lực nghiệp vụ, chuyên môn đội ngũ cán bộ quản lý DTNH.

Tóm lại, bài học rút ra từ kinh nghiệm hoạt động quản lý DTNH của Hàn Quốc nếu vận dụng tốt sẽ góp phần nâng cao chất lượng công tác quản lý DTNH của NHNN Việt Nam trong thời gian tới, nhằm thực hiện được các mục tiêu quan trọng của quản lý DTNH: (i) đảm bảo thực hiện song song chính sách tiền tệ và tỷ giá, duy trì tính thanh khoản của thị trường ngoại hối, góp phần thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu, đảm bảo tính cân đối của cán cân thanh toán; (ii) duy trì uy tín về khả năng thanh toán các nghĩa vụ nợ nước ngoài của nền kinh tế, hỗ trợ giá trị đồng nội tệ, đảm bảo an toàn tài chính quốc gia, phòng ngừa và chống đỡ được những tác động tiêu cực khi xảy ra khủng hoảng hay các cú sốc tài chính từ bên ngoài. Từ đó, tạo điều kiện thu hút FDI và vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII), để xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển kinh tế bền vững.

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số  7 - 2014