Quản lý rủi ro tín dụng thông qua các hợp đồng phái sinh tín dụng cho Việt Nam

ThS. Huỳnh Thị Hương Thảo

(Tài chính) Quản lý rủi ro (QLRR) tín dụng đã trở thành một phần không thể thiếu trong hoạt động tín dụng. Với sự phát triển của các công cụ tài chính như hiện nay, đặc biệt là các công cụ phái sinh tín dụng thì hoạt động QLRR tín dụng đã được hỗ trợ rất nhiều thông qua bản chất tự phòng vệ.

Quản lý rủi ro tín dụng thông qua các hợp đồng phái sinh tín dụng cho Việt Nam
QLRR tín dụng đã trở thành một phần không thể thiếu trong hoạt động tín dụng. Nguồn: internet

Phái sinh tín dụng ngày nay đã trở thành một sản phẩm mới trong công nghệ QLRR tín dụng của các ngân hàng thương mại (NHTM) và ngược lại, các NHTM đã ngày càng quan tâm hơn đến loại hình công cụ phái sinh này để QLRR. Ở các nước phát triển, các hợp đồng phái sinh tín dụng thường được sử dụng như: hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (Credit Default Swap - CDS), hợp đồng quyền chọn tín dụng (Credit Default Option), hợp đồng trao đổi tổng số thu nhập (Total Return Swap), trái phiếu liên kết rủi ro tín dụng (Credit Linked Note).…

Thị trường phái sinh tín dụng trên thế giới

Phái sinh tín dụng là một dòng sản phẩm phái sinh mới nhất và là một trong số các sáng tạo lớn của thế giới tài chính trong một thập kỷ qua. Từ giá trị giao dịch rất khiêm tốn tại thời điểm năm 2001 là 918,87 tỷ USD, con số này đã tăng lên khoảng 34.422,8 tỷ USD vào năm 2006 và đạt đỉnh điểm trên 62.173,2 tỷ USD vào năm 2007. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của khủng hoảng tín dụng tại Mỹ, phái sinh tín dụng có xu hướng giảm mạnh trong năm 2008 với tổng giá trị danh nghĩa khoảng 38.563,82 tỷ USD. Trong những năm gần đây, giá trị hợp đồng phái sinh tín dụng đều giảm qua các năm với giá trị khoảng 28.626 tỷ USD năm 2011, 25.068 tỷ USD năm 2012 và năm 2013 là 21.020 tỷ USD.

Trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 vừa qua, các chủ thể bán hợp đồng phái sinh tín dụng (bán công cụ bảo vệ rủi ro) thông qua các sản phẩm phái sinh rủi ro tín dụng như các quỹ đầu cơ, các công ty bảo hiểm và ngân hàng đầu tư đã chịu thua lỗ nặng nề. Tập đoàn bảo hiểm lớn nhất của Mỹ là AIG đã rơi vào bờ vực phá sản và phải cần đến sự cứu trợ của Chính phủ Mỹ thông qua khoản vay lên tới 85 tỷ USD vào tháng 9/2008. Bảo hiểm rủi ro tín dụng trong giai đoạn đó đã trở thành phương tiện gây “bùng nổ” chứng khoán hóa và phát hành trái phiếu lợi suất cao. Các hợp đồng bảo hiểm rủi ro tín dụng cũng dần trở thành phương tiện đầu cơ rủi ro tín dụng hiệu quả. Các nhà đầu tư mua khống bảo hiểm rủi ro tín dụng thay cho việc bán khống trái phiếu rủi ro, khiến cho tổng doanh số rủi ro tín dụng được mua bán vượt qua tổng giá trị trái phiếu lưu hành trên thị trường. Chính vì vậy, theo tỷ phú người Mỹ Warren Buffet, “phái sinh rủi ro tín dụng như một thứ vũ khí hủy diệt hàng loạt của hệ thống tài chính toàn cầu”.

Trong số các công cụ tài chính phái sinh được giao dịch trên thị trường phi tập trung (Over the counter - OTC), thực tế về các giao dịch trong thời gian qua cho thấy, các giao dịch phái sinh về lãi suất chiếm tỷ trọng nhiều nhất qua các năm. Các giao dịch về ngoại hối chiếm tỷ trọng cao sau giao dịch lãi suất và hầu như luôn tăng trưởng qua các năm. Các giao dịch phái sinh tín dụng có diễn biến không ổn định và có xu hướng giảm do những biến động bất thường của tình hình kinh tế chính trị thế giới.

Thực trạng thị trường công cụ phái sinh tín dụng tại Việt Nam

Giao dịch hoán đổi rủi ro tín dụng đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam vào năm 2006 khi Công văn số 3324/NHNN-CSTT ngày 27/4/2006 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho phép HSBC (chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh) thực hiện thí điểm, sau đó là Citibank (chi nhánh Hà Nội) và Standard Chartered (chi nhánh Hà Nội) cung cấp dịch vụ này. Theo tinh thần của Công văn số 3324 kể trên, sản phẩm hoán đổi tín dụng của HSBC Việt Nam gắn với rủi ro tín dụng của các loại trái phiếu do Chính phủ hoặc các doanh nghiệp Việt Nam phát hành ra thị trường quốc tế, các khoản vay dài hạn của doanh nghiệp Việt Nam tại các tổ chức tín dụng (TCTD) hoạt động ở Việt Nam. Khách hàng chuyển nhượng rủi ro tín dụng (người mua bảo hiểm) là các TCTD tại Việt Nam hoặc các nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đang sở hữu các khoản nợ hoặc trái phiếu do Chính phủ, doanh nghiệp Việt Nam phát hành. Người bán bảo hiểm là các chi nhánh HSBC ở nước ngoài. Thời hạn của các giao dịch không quá 5 năm. Trong trường hợp trái phiếu mất giá hoặc các khoản vay bị vỡ nợ, HSBC sẽ phải thanh toán cho người mua bảo hiểm. Như vậy, hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng do HSBC cung cấp giúp cho các TCTD đang cho doanh nghiệp Việt Nam vay dài hạn hoặc các nhà ĐTNN đang sở hữu các trái phiếu do Chính phủ/doanh nghiệp Việt Nam phát hành giảm thiểu được rủi ro trên danh mục của họ. Ngoại trừ các hợp đồng nói trên, tại Việt Nam chưa thấy xuất hiện các giao dịch hoán đổi rủi ro tín dụng mà cả người bán, người mua bảo hiểm cũng như tài sản/đối tượng được bảo hiểm đều đang tồn tại ở Việt Nam.

Giai đoạn 2010 - 2011, nền kinh tế Việt Nam gặp nhiều khó khăn khi cán cân thương mại và ngân sách thâm hụt, lạm phát và tỷ giá tăng cao làm gia tăng tính rủi ro của trái phiếu quốc tế Việt Nam. Vì vậy, các nhà đầu tư đã mua CDS để phòng vệ rủi ro, hạn chế tổn thất khi sự kiện tín dụng xảy ra. Trong giai đoạn khảo sát, thị trường CDS Việt Nam đạt giá trị cao nhất là 151.076.904 USD (tính trung bình một tuần) trong giai đoạn từ 03/09/2010 đến 25/02/2011. Đó là thời điểm Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam - Vinashin mất khả năng thanh toán các khoản lãi và gốc đến hạn của lượng trái phiếu đã phát hành trên thị trường quốc tế.

Đến nay, qua thời gian thí điểm, NHNN vẫn chưa có sự chấp thuận rõ ràng cho các ngân hàng như HSBC (chi nhánh TP. Hồ Chí Minh), Citibank (chi nhánh Hà Nội) và Standard Chartered (chi nhánh Hà Nội) tiếp tục cung cấp sản phẩm đầu tư gắn với rủi ro tín dụng, trong khi trên thị trường Việt Nam hiện nay không còn tổ chức nào được phép cung cấp sản phẩm này. Trên thực tế, chỉ những nhà ĐTNN mới có thể mua CDS với tài sản tham chiếu là trái phiếu quốc tế Việt Nam từ các tổ chức quốc tế.

Nguyên nhân chưa áp dụng phổ biến nghiệp vụ phái sinh tín dụng tại Việt Nam

Tại Việt Nam, do những hạn chế về trình độ công nghệ và chuyên môn trong khi thị trường tài chính còn kém phát triển nên các công cụ phái sinh tín dụng hầu như chưa được nhiều chủ thể biết đến và chưa được sử dụng nhiều trong thực tế kinh doanh của các ngân hàng.

Điều kiện về thị trường: Việc hình thành và phát triển các nghiệp vụ phái sinh tín dụng trước hết phải xuất phát từ nhu cầu của nền kinh tế. Các công cụ tài chính phái sinh ra đời nhằm mục đích chủ yếu là phòng ngừa rủi ro trên cơ sở dự tính chiều hướng biến động của thị trường. Do vậy, điều kiện đầu tiên để có những công cụ này chính là sự phát triển của thị trường tài chính.  

Trình độ của thị trường tài chính nói chung và tín dụng nói riêng của Việt Nam trong thời gian tới vẫn còn ở mức thấp và chưa phát triển đầy đủ, đặc biệt là các hoạt động liên quan đến các lựa chọn trong xử lý nợ (như chứng khoán hóa, mua bán nợ, hợp nhất…). Những vấn đề này sẽ hạn chế đáng kể phạm vi hoạt động của hệ thống QLRR tín dụng. Các điều kiện về nền tảng cơ sở hạ tầng, thể chế, đặc biệt là các quy định về hệ thống kế toán và tính tự chủ của NHTM đóng vai trò rất quan trọng. Do vậy, việc áp dụng các mô hình tiên tiến của các nước đã phát triển cần tính đến các yếu tố đặc thù của quy định trong nước.

Trình độ phát triển của nền kinh tế cũng đóng vai trò nền tảng cho sự phát triển của hoạt động QLRR tín dụng. Cùng với các quy định của pháp luật, trình độ phát triển của nền kinh tế ảnh hưởng đến phạm vi hoạt động của các NHTM. Trên thực tế, trong ngắn hạn, các NHTM Việt Nam ít có khả năng mở rộng hoạt động tín dụng ra phạm vi quốc tế mà sẽ tập trung nhiều vào thị trường nội địa.

Điều kiện về pháp lý: Để tạo một môi trường cạnh tranh tự do và bình đẳng, các cơ chế hoạt động của thị trường phải được quy định một cách rõ ràng, tạo được sự ổn định lâu dài và khuyến khích được sự tham gia thị trường của công chúng.

Hiện nay, chưa có một văn bản pháp lý nào điều chỉnh phạm vi hoạt động của nghiệp vụ tín dụng phái sinh nói riêng và trong lĩnh vực tài chính ngân hàng nói riêng. Việc chưa có chính sách cụ thể về thuế thu nhập đối với các nghiệp vụ phái sinh như hoán đổi, quyền chọn… khiến cho việc triển khai các nghiệp vụ này tại NHTM ở Việt Nam gặp khó khăn.

Về nhân lực và chính sách đào tạo: Để có thể đưa nghiệp vụ QLRR tín dụng vào vận dụng cần phải có một đội ngũ nhân lực chất lượng cao. Hiện nay, các NHTM ở Việt Nam đang có xu hướng bị chảy máu chất xám. Nguồn tài chính để thực hiện các chính sách đào tạo bài bản không đủ, do đó lực lượng cán bộ nòng cốt đủ khả năng tiếp nhận những nghiệp vụ này rất ít.

Về công nghệ: Sự yếu kém của hệ thống tin học, thiếu các định nghĩa chuẩn, khai báo thông tin chưa được hệ thống hóa làm cho bộ phận chịu trách nhiệm QLRR tín dụng không theo dõi kịp và càng không thể dự báo một cách thỏa đáng về mức độ tín dụng tại từng thời điểm. Hơn thế nữa, với một trình độ công nghệ còn nhiều hạn chế, Việt Nam chưa thể triển khai ngay các phương pháp đo lường rủi ro trực tuyến và điều này sẽ làm tăng thời gian giao dịch, khối lượng giao dịch lên đáng kể khi triển khai quy trình QLRR.

Kết luận và gợi ý giải pháp

Phái sinh rủi ro tín dụng là một hình thái chuyển giao rủi ro tín dụng bậc cao nhằm giúp các ngân hàng có một công cụ để chuyển giao mua, bán, gia công, chế biến rủi ro tín dụng mà không cần phải chuyển giao các danh mục tín dụng của mình. Để sản phẩm này có thể phát triển góp phần vào việc QLRR tín dụng của các NHTM Việt Nam đòi hỏi sự góp sức hỗ trợ từ phía NHNN cũng như các bộ ngành có liên quan, hiệp hội ngân hàng và hơn nữa là bản thân nội tại các NHTM Việt Nam.

Trong thời gian tới, cần chú trọng tới việc xây dựng các văn bản hướng dẫn thống nhất về nghiệp vụ tài chính phái sinh và phái sinh tín dụng cho các NHTM. NHNN nên nghiên cứu xây dựng cơ sở pháp lý cho các công cụ phái sinh khác như các giao dịch phái sinh tín dụng, phái sinh lãi suất… đồng thời, cho phép các ngân hàng thực hiện các nghiệp vụ phái sinh này, tạo điều kiện cho các NHTM cung cấp những phương tiện phòng ngừa rủi ro tín dụng cho chính bản thân các ngân hàng. NHNN cũng nên ban hành những văn bản hướng dẫn thực hiện các nghiệp vụ này đối với các NHTM. Mặt khác, lãnh đạo các ngân hàng cần nhận thức được sự cần thiết của việc sử dụng các công cụ phái sinh để phòng ngừa rủi ro tín dụng. Tại Việt Nam hiện nay, các nghiệp vụ phái sinh còn hết sức mới mẻ ngay cả đối với cán bộ lãnh đạo và nhân viên ngân hàng. Nghiệp vụ này tương đối khó về mặt kỹ thuật nhưng thực sự có ý nghĩa rất lớn đối với các NHTM trong quá trình QLRR kinh doanh ngân hàng. Điều này được thể hiện ở sự phát triển mạnh mẽ của thị trường phái sinh toàn cầu cả về số lượng hợp đồng cũng như giá trị của các hợp đồng được giao dịch. Để có thể hình thành và phát triển các nghiệp vụ phái sinh, trước hết đòi hỏi các cấp lãnh đạo tại các NHTM Việt Nam cần có nhận thức và quan điểm đúng đắn về việc triển khai các nghiệp vụ này trong thực tế.

Các NHTM không thể phát triển các nghiệp vụ này nếu không có đội ngũ chuyên gia về nó. Bằng nhiều con đường khác nhau các ngân hàng phải xây dựng yếu tố tiền đề này (như thuê chuyên gia nước ngoài để đào tạo, thiết kế sản phẩm và xây dựng quy trình cho ngân hàng). Các NHTM cần có đủ số lượng nhân viên có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm và kỹ năng phù hợp để triển khai nghiệp vụ phái sinh. Những nhân viên này rõ ràng phải có sự hiểu biết sâu sắc về thị trường cũng như những biến động của thị trường, về các loại công cụ tài chính phái sinh, quy cách giao dịch, kỹ thuật định giá, các loại rủi ro có liên quan và luật lệ của thị trường.

Để triển khai QLRR tín dụng hiệu quả, các ngân hàng phải có hệ thống QLRR có khả năng định lượng được rủi ro vì với việc tham gia vào kinh doanh công cụ phái sinh, việc đo lường rủi ro sẽ trở nên phức tạp hơn nhiều khi danh mục đầu tư trở nên ngày càng đa dạng. Ngân hàng cần xây dựng chất lượng danh mục tín dụng cơ sở làm cơ sở để quyết định giá cho các công cụ phái sinh khác nhau. Việc đồng bộ hóa và công khai chất lượng danh mục tín dụng cơ sở giữa các NHTM với nhau phù hợp với quy định quốc tế về xếp hạng tín dụng sẽ giúp các công cụ phái sinh tín dụng hoàn thiện hơn.

Hiện đại hóa công nghệ ngân hàng là một giải pháp nhằm hỗ trợ QLRR tín dụng phát triển. Để hình thành và phát triển nghiệp vụ này đòi hỏi các NHTM cần có đầu tư nhất định về vốn và nhân lực để hiện đại hóa công nghệ thông tin. Việc áp dụng công nghệ thanh toán điện tử giúp cho quá trình thanh toán chính xác và hiệu quả hay việc cập nhật thông tin diễn biến của thị trường về các loại hàng hóa giao dịch trên thị trường sẽ giúp cho các tổ chức tài chính cũng như những chủ thể khác tham gia giao dịch có quyết định đúng đắn trong việc sử dụng các công cụ tài chính phái sinh một cách có hiệu quả để phòng ngừa rủi ro trong kinh doanh.

Ngoài ra, hợp đồng giao dịch cần phải được chuẩn hóa. Các quy định phải cụ thể chặt chẽ như quy định những loại tài sản được sử dụng làm tài sản cơ sở, số lượng mỗi lô giao dịch… Tương tự như hợp đồng bảo hiểm, sự kiện rủi ro có liên quan đến biến cố chi trả bảo hiểm cần được xác định rõ phạm vi, giới hạn trả tiền và các trường hợp loại trừ (trường hợp xảy ra biến cố nhưng không được trả tiền), tránh trường hợp quy định không rõ ràng dẫn đến tranh chấp giữa người tham gia bảo hiểm và công ty chi trả tiền bảo hiểm. Nghiên cứu các hợp đồng chuẩn hóa của ISDA (International Swaps and Derivatives Assotiation - Hiệp hội phái sinh và hoán đổi quốc tế) để có thể áp dụng ở Việt Nam, đặc biệt về quy trình xử lý khi có sự kiện tín dụng và cơ chế định giá tài sản tham chiếu.