3 cơ chế quản lý tài chính đối với khoa học và công nghệ

Chính sách, cơ chế quản lý tài chính đối với hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) được thể hiện ở 3 cơ chế, bao gồm: cơ chế quản lý đầu tư, cơ chế phân bổ kinh phí và cơ chế giám sát sử dụng kinh phí.

Chính sách và cơ chế quản lý đầu tư

Hiện nay, Nhà nước dành 2% chi ngân sách hàng năm cho hoạt động KH&CN. Đây là thể hiện sự quan tâm rất lớn của Đảng và Nhà nước đối với hoạt động KH&CN của đất nước. Tuy nhiên, xét về giá trị tuyệt đối thì tổng kinh phí đầu tư cho KH&CN vẫn còn rất khiêm tốn. Trong bối cảnh nguồn kinh phí hạn hẹp thì chính sách đầu tư cho KH&CN đóng vai trò vô cùng quan trọng. Đầu tư vào đâu, đầu tư như thế nào để có hiệu quả là “bài toán” phải được tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng. Hình như chúng ta thiếu một cơ quan nghiên cứu, hoạch định chính sách đầu tư cho KH&CN, cho nên, cách làm phổ biến hiện nay là: đầu tư dàn trải, manh mún, thiếu trọng tâm, trọng điểm. Nguồn kinh phí hạn hẹp được đầu tư đều cho các địa phương và các bộ, ngành để cùng triển khai những nhiệm vụ KH&CN mà ở trong chừng mực nào đó, có cùng mục tiêu và nội dung. Kết quả là, sản phẩm nghiên cứu không có giá trị cả về lý thuyết và thực tế.

Nguồn kinh phí đầu tư cho hoạt động KH&CN hiện nay chủ yếu từ nguồn ngân sách nhà nước (NSNN). Chúng ta chưa có cơ chế huy động nguồn kinh phí từ xã hội, doanh nghiệp (DN), cá nhân đầu tư cho hoạt động KH&CN, chưa có cơ chế ràng buộc và khuyến khích các DN đổi mới công nghệ, đa dạng hóa các nguồn kinh phí cho hoạt động KH&CN.

Trong khi đó, kinh phí của Nhà nước đầu tư cho KH&CN gồm hai nguồn: Đầu tư phát triển KH&CN và đầu tư sự nghiệp KH&CN. Đầu tư phát triển KH&CN được giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức xây dựng kế hoạch, phân bổ kinh phí, đầu tư sự nghiệp KH&CN được giao cho Bộ KH&CN tổ chức xây dựng kế hoạch và phân bổ kinh phí. Ở các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức KH&CN, việc quản lý kinh phí đầu tư cho KH&CN cũng tương tự: kinh phí đầu tư phát triển KH&CN được giao cho đơn vị phụ trách về xây dựng cơ bản, quản trị thiết bị; kinh phí sự nghiệp KH&CN được giao cho đơn vị phụ trách. Như vậy, cùng nguồn kinh phí đầu tư, cùng mục tiêu đầu tư nhưng lại giao cho hai cơ quan quản lý, điều hành. Hậu quả là, việc đầu tư dàn trải, chồng chéo, thiếu tính hệ thống, thiếu tập trung, thống nhất.

... Cần khảo sát, đánh giá chính xác tiềm lực KH&CN của các bộ, ngành, địa phương để làm căn cứ đầu tư. Những địa phương nào, ngành nào không có chiến lược phát KH&CN cụ thể, khả thi, không có tiềm lực KH&CN thì kiên quyết không đầu tư hoặc cắt giảm đầu tư.

Cơ chế phân bổ kinh phí

Nhiều năm nay, phân bổ kinh phí cho hoạt động KH&CN là phân bổ đều cho các tỉnh, thành phố và các bộ, ngành dựa trên số kinh phí giao năm trước mà không dựa vào những căn cứ, tiêu chí cụ thể, rõ ràng. Có nhiều địa phương, tiềm lực KH&CN yếu, đội ngũ cán bộ khoa học trình độ cao thiếu và yếu nhưng vẫn được giao kinh phí khá lớn dẫn đến việc sử dụng không hết hoặc đầu tư cho các hạng mục công trình khác của địa phương. Trong khi đó, các bộ, ngành có tiềm lực KH&CN mạnh, đôi ngũ cán bộ khoa học trình độ cao rất đông đảo thì kinh phí giao lại quá ít, Tình trạng này dẫn đến hệ lụy là lãng phí nguồn kinh phí, hiệu quả hoạt đông KH&CN thấp, không tương thích với nguồn kinh phí đầu tư.

Cơ chế giám sát sử dụng kinh phí

Mục tiêu của nghiên cứu khoa học là tạo ra tri thức, giải pháp, công nghệ mới phục vụ phát triển nhanh và bền vững kinh tế - xã hội. Vì vậy, những người làm nghiên cứu khoa học đòi hỏi nhiều tư chất mà những người làm ở trong các lĩnh vực khác không cần. Trong quá trình hoạt động nghiên cứu khoa học, nhà khoa học có phương thức sử dụng kinh phí riêng, khác với việc sử dụng kinh phí cho hoạt động sản xuất kinh doanh và các hoạt động khác. Cho nên, giám sát sử dụng kinh phí cho nghiên cứu khoa học cũng phải khác so với giám sát sử dụng kinh phí cho hoạt động sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực khác.

Nhiều năm nay, cơ chế giám sát sử dụng kinh phí đối với các nhiệm vụ KH&CN rất lạc hậu, chậm được đổi mới. Các thủ tục thanh, quyết toán đề tài, nhiệm vụ KH&CN rườm rà, mang nặng tính hành chính, buộc nhà khoa học phải đối phó, gian dối, làm nản lòng nhiều nhà khoa học chân chính.

Nhìn từ Bộ Giáo dục & Đào tạo

Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo trực tiếp quản lý hoạt động khoa KH&CN của 41 cơ sở giáo dục đại học (ĐH): 3 ĐH vùng, (gồm 21 trường ĐH thành viên), 32 trường ĐH, học viện; 3 trường cao đẳng; 3 viện nghiên cứu thuộc Bộ; 77 viện, trung tâm nghiên cứu trực thuộc các trường ĐH với tổng số giảng viên, nghiên cứu viên là 24.291 người, gồm 2.789 tiến sỹ và tiến sỹ khoa học (trong đó có 109 giáo sư, 1.262 phó giáo sư), 11.567 thạc sỹ, 8.545 cử nhân và kỹ sư. So với đội ngũ cán bộ khoa học của cả nước thì đội ngũ giảng viên, cán bộ nghiên cứu của các trường ĐH, cao đẳng trực thuộc Bộ khá cao.

Hoạt động KH&CN của Bộ Giáo dục và Đào tạo có những đặc điểm hết sức riêng biệt, khác với hoạt đông KH&CN của các bộ, ngành, địa phương, thể hiện ở các mặt sau:

Một là, phục vụ trực tiếp Chiến lược phát triển ngành Giáo dục. Nghiên cứu khoa học giáo dục, khoa học quản lý giáo dục, nghiên cứu cơ bản là hướng nghiên cứu ưu tiên, quan trọng trong tất cả các trường ĐH và cao đẳng.

Hai là, gắn kết chặt chẽ với hoạt động đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trình độ cao, đặc biệt là đào tạo thạc sỹ và tiến sỹ. Nghiên cứu khoa học phục vụ nâng cao chất lượng đào tạo, nhất là đào tạo sau ĐH là yêu cầu bắt buộc đối với các giảng viên ĐH.

Ba là, mang tính đa ngành, liên ngành, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ trong tất cả các lĩnh vực khoa học ( tự nhiên, xã hội, kỹ thuật - công nghệ, nông lâm ngư, y dược, môi trường...)

Tuy có những đặc điểm hết sức riêng biệt như trên nhưng việc phân bổ kinh phí cho hoạt động KH&CN của Bộ Giáo dục và Đào tạo hiện nay được áp dụng như đối với tất các bộ, ngành, địa phương khác và cũng không theo tiêu chí cụ thể nào. Hàng năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch KH&CN cho năm sau, đề xuất số kinh phí cần sử dụng. Tuy nhiên, mức kinh phí được giao cho năm kế hoạch thường chỉ căn cứ vào số kinh phí giao của năm trước. Lý giải về việc này, các cơ quan có thẩm quyền phân bổ kinh phí thường viện dẫn lý do là do các bộ, ngành, địa phương không phê duyệt được danh mục nhiệm vụ KH&CN của bộ, ngành, địa phương mình đúng tiến độ (thường là vào trước ngày 31/6 hàng năm) nên không có căn cứ để giao kinh phí.

Điều này không thuyết phục vì nếu các bộ, ngành, địa phương phê duyệt danh mục nhiệm vụ KH&CN trước ngày 31/6 nhưng với tổng kinh phí lớn hơn nhiều so với số kinh phí được giao của năm trước thì cơ quan có thẩm quyền cũng không thể phân bổ theo số kinh phí được phê duyệt vì NSNN có hạn. Thực tế này sẽ làm cho việc xây dựng kế hoạch hàng năm trở nên hình thức, không thực chất, các bộ, ngành, địa phương phê duyệt kế hoạch nhưng kinh phí thực hiện thì không có.

Nhiều năm nay, mức đầu tư kinh phí trung bình hàng năm cho một giảng viên làm nghiên cứu khoa học rất thấp (năm 2008 khoảng 8 triệu đồng, năm 2013 khoảng 12 triệu đồng). Rõ ràng, đầu tư thấp như vậy thì khó mang lại hiệu quả cao.

Từ năm 2009 đến nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý và cơ chế tài chính đối với hoạt động KH&CN. Bộ đã ban hành Thông tư số 12/2010/TT-BGDĐT ngày 29/03/2010 quy định về quản lý đề tài KH&CN cấp Bộ, theo đó, tất các các đề tài, nhiệm vụ KH&CN đều được phê duyệt thông qua hình thức tuyển chọn, đầu thầu, xóa bỏ tình trạng bao cấp “xin – cho” như trước đây. Các đề tài khoa học cấp cơ sở được giao cho trường ĐH toàn quyền xét chọn, tuyển chọn, phê duyệt kinh phí.

Việc phân bổ kinh phí cho các trường dựa trên các tiêu chí rõ ràng, công khai, minh bạch như tiềm lực KH&CN (số lượng giáo sư, phó giáo sư, sơ lượng tiến sỹ, thạc sỹ, nghiên cứu sinh, cơ sở vật chất, thiết bị nghiên cứu), hiệu quả hoạt động KH&CN của 3 năm trước năm kế hoạch (số bài báo khoa học được công bố, số đề tài được ứng dụng, số bằng phát minh, sáng chế, số thạc sỹ, tiến sỹ được đào tạo). Kết quả là, hiệu quả hoạt động KH&CN của Bộ đã có những chuyển biến đáng kể, chất lượng các đề tài, nhiệm vụ KH&CN được nâng cao, số lượng đề tài, dự án được ứng dụng vào thực tiễn ngày càng nhiều, số bài báo công bố trên các tạp chí khoa học uy tín trên thế giới không ngừng gia tăng, tất cả các đề tài, nhiệm vụ KH&CN đều tham gia đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ.

Giải pháp đổi mới cơ chế quản lý tài chính

Đổi mới cơ chế tài chính đối với KH&CN phải dựa trên cơ sở đổi mới đồng bộ cơ chế tổ chức, cơ chế quản lý hoạt động KH&CN. Không thể đổi mới cơ chế tài chính nếu không đổi mới cơ chế quản lý hoạt động KH&CN. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi không đề cập đến đổi mới cơ chế quản lý hoạt động KH&CN mà chỉ đề xuất một số giải pháp đổi mới cơ chế quản lý tài chính đối với hoạt động KH&CN nói chung, của Bộ Giáo dục và Đào tạo nói riêng. Cụ thể ở các điểm sau:

Thứ nhất, đổi mới cơ chế đầu tư. Trong khi nguồn kinh phí còn hạn hẹp, để nâng cao hiệu quả đầu tư, Nhà nước cần kiên quyết chấm dứt tình trạng đầu tư dàn trải, manh mún mà cần đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Cần khảo sát, đánh giá chính xác tiềm lực KH&CN của các bộ, ngành, địa phương để làm căn cứ đầu tư. Những địa phương nào, ngành nào không có chiến lược phát KH&CN cụ thể, khả thi, không có tiềm lực KH&CN thì kiên quyết không đầu tư hoặc cắt giảm đầu tư.

Cần thống nhất cơ quan quản lý đầu tư cho KH&CN vào một đầu mối, không nên để tình trạng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển KH&CN, Bộ KH&CN chủ trì xây dựng kế hoạch đầu tư sự nghiệp KH&CN như hiện nay.

Thứ hai, đổi mới cơ chế phân bổ kinh phí. Phải nói rằng, kinh phí cho hoạt động KH&CN cần được phân bổ cho các bộ, ngành, địa phương theo các tiêu chí cụ thể, công khai, minh bạch. Có thể nêu một số tiêu chí: (i) Số lượng tổ chức KH&CN của bộ, ngành, địa phương; (ii) Số lượng nhà khoa học có trình độ cao của bộ, ngành, địa phương (số lượng giáo sư, phó giáo sư, tiến sỹ, tiến sỹ khoa học, thạc sỹ, nhóm nghiên cứu mạnh); (iii) Số lượng và chất lương phòng thí nghiệm, trang thiết bị nghiên cứu, cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu; (iv) Mục tiêu, đặc điểm hoạt động KH&CN của bộ, ngành, địa phương; (v) Hiệu quả hoạt động KH&CN của bộ, ngành, địa phương (số lượng nhiệm vụ KH&CN được ứng dụng và thực tiễn sản xuất và cuộc sống; (vi) Số lượng bằng phát minh, sáng chế, sở hữu trí tuệ; (vii) Số lượng bài báo công bố trên các tạp chí trong nước, ngoài nước, trên các tạp chí khoa học uy tín trên thế giới; (viii) Số lượng thạc sỹ, tiến sỹ được đào tạo thông qua các đề tài nghiên cứu); (ix) Số lượng nghiệm vụ đặt hàng của Nhà nước cho bộ, ngành, địa phương...

Trong khi chưa xây dựng được bộ tiêu chí để làm căn cứ phân bổ kinh phí, Nhà nước nên giao kinh phí ổn định cho các bộ, ngành, địa phương với thời gian từ 3 - 5 năm để các bộ, ngành, địa phương có căn cứ xây dựng kế hoạch KH&CN của bộ, ngành, địa phương mình. Bên cạnh đó, Nhà nước cần tăng cường phân cấp cho các bộ, ngành, địa phương, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong hoạt động KH&CN. Đối với các nhiệm vụ do Nhà nước đặt hàng các bộ, ngành, địa phương nên phân bổ kinh phí trực tiếp cho bộ, ngành, địa phương để thực hiện. Đối với các nhiệm vụ KH&CN trọng điểm quốc gia, mang tính liên ngành nên cấp kinh phí cho Bộ KH&CN quản lý hoặc thông qua các quỹ phát triển KH&CN. Tuy nhiên, việc phân bổ kinh phí KH&CN cũng phải có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, cần tập trung đầu tư vào lĩnh vực nào, nơi nào có khả năng đem lại lợi nhuận hoặc giá trị gia tăng cho xã hội.

Thứ ba, đổi mới thủ tục thanh, quyết toán các đề tài, nhiệm vụ KH&CN. Theo đó, các đề tài, nhiệm vụ KH&CN đã được phê duyệt kinh phí thực hiện (đương nhiên cần có cơ chế tuyển chọn nghiêm túc, chất lượng các đề tài, nhiệm vụ KH&CN), nên để cho chủ nhiệm đề tài được toàn quyền sử dụng kinh phí. Sau khi hoàn thành nghiên cứu, chủ nhiệm đề tài giao nộp đầy đủ sản phẩm theo thuyết minh đề tài cho hội đồng nghiệm thu thì kinh phí thực hiện đề tài coi như được quyết toán. Nói cách khác, nên thực hiện áp dụng cơ chế khoán kinh phí đến sản phẩm KH&CN cuối cùng, giao quyền chủ động tối đa cho tổ chức, cá nhân chủ trì nhiệm vụ KH&CN trong sử dụng kinh phí. Nhà nước chủ động mua kết quả nghiên cứu KH&CN.

Có thể nói, đổi mới toàn diện, đồng bộ, căn bản cơ chế quản lý, cơ chế tài chính cho hoạt động KH&CN là nhiệm vụ hết sức quan trọng, có tính đột phá để đạt được mục tiêu phát triển KH&CN đến năm 2020. Muốn KH&CN thực sự là quốc sách hàng đầu, thực sự trở thành “chìa khóa” cho sự phát triển của đất nước thì những đổi mới về chính sách đầu tư, cơ chế tài chính, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động KH&CN cần phải nhanh chóng được thực hiện. Đồng thời, chúng ta cần tập trung đầu tư cho nghiên cứu khoa học của các trường ĐH, nhất là các trường ĐH trọng điểm, trường ĐH định hướng nghiên cứu.

Quản lý tài chính đối với hoạt động khoa học và công nghệ

PGS.,TS. TẠ ĐỨC THỊNH - Bộ Giáo dục và Đào tạo

(Tài chính) Trong những năm qua, hoạt động khoa học và công nghệ nói chung, trong các trường đại học nói riêng đã đạt được những thành tích đáng khích lệ nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém mà một trong những nguyên nhân chính là do cơ chế quản lý tài chính còn nhiều bất cập. Đổi mới cơ bản cơ chế quản lý tài chính đối với hoạt động khoa học và công nghệ sẽ là “chìa khóa” mở nút thắt, tháo gỡ những vướng mắc trong hoạt động khoa học và công nghệ của đất nước.

Xem thêm

Video nổi bật