Quốc hội xem xét các chuyên đề giám sát năm 2013

Linh Đan - Nhật Bắc (Chinhphu.vn)

Sáng 8/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Chương trình hoạt động giám sát năm 2013. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định 2 trong 3 nội dung để tiến hành giám sát tại 2 kỳ họp.

Quốc hội xem xét các chuyên đề giám sát năm 2013
Theo Tờ trình về dự kiến Chương trình do Trưởng Đoàn Thư ký kỳ họp, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày, nội dung được lựa chọn đưa vào chương trình phải là những vấn đề bức xúc nổi lên được đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân quan tâm, không trùng các chuyên  đề Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát trong thời gian gần, đồng thời phù hợp với khả năng thực hiện của các cơ  quan được Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến giao chủ trì giám sát.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định 2 trong 3 nội dung để tiến hành giám sát tại 2 kỳ họp trong năm 2013.

Trong đó, chuyên đề 1 về việc thi hành Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản, giai đoạn 2006-2012 (giao Ủy ban Tài chính - Ngân sách chủ trì giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát).

Chuyên  đề 2 về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, giai đoạn 2009-2012 (giao Ủy ban Các vấn đề xã hội chủ trì giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát).

Chuyên đề 3 về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, giai đoạn 2006 - 2012 (giao Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường chủ trì giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát).

Đa số các đại biểu đều thống nhất các chuyên đề cũng như tiêu chí để lựa chọn các chuyên đề. Theo đại biểu Hoàng Thị Tố Nga (đoàn Nam Định), 3 chuyên đề Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội xem xét đều là  những vấn đề bức xúc, được nhiều người dân quan tâm.

Đại biểu Hoàng Thị Tố Nga đề nghị không đưa chuyên đề về việc thực hiện chính sách  pháp luật bảo vệ rừng vào hoạt động giám sát năm 2013. Trong quá trình triển khai dự án trồng mới  5 triệu ha rừng (từ năm 1998), hằng năm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ  và Môi trường đều tổ chức giám sát và báo cáo Quốc hội.

Không đồng tình với quan điểm này, đại biểu Trương Văn Vở (đoàn Đồng Nai) cho rằng Nghị quyết Trung ương 6 khóa XI cũng thể hiện tinh thần phải giữ đất phòng hộ, do vậy cần đưa ngay chuyên đề này vào giám sát  tại kỳ họp thứ 5.

Đồng tình với đại biểu Trương Văn Vở, đại biểu Võ Thị Hồng Thoại (đoàn Bạc Liêu) đặt vấn đề quỹ đất phòng hộ sẽ được bảo vệ thế nào trước nạn phá rừng. Do vậy, cần giám sát để biết được chính sách cho lực lượng bảo vệ rừng ra sao, chế  độ chính  sách cho người sống bằng nghề rừng có được bảo  đảm, từ đó có chính sách phù hợp cho phát triển rừng.

Theo đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (đoàn Thái Nguyên), nội dung giám sát năm 2013 cũng cần chọn một vấn đề xã hội bên cạnh chuyên đề giám sát về kinh tế. Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng cho rằng, cần bổ sung thêm nội dung giám sát việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bởi thời gian qua việc thực hiện bảo hiểm xã hội bên cạnh mặt được vẫn còn nhiều yếu kém, hiện nhiều doanh nghiệp chây ỳ, nợ bảo hiểm, xâm phạm đến quyền lợi của hàng vạn người lao động.

Đại biểu Nguyễn Thị Thanh Hoà (đoàn Bắc Ninh) dẫn chứng, hiện tỷ lệ tham gia bảo hiểm bắt buộc vẫn còn thấp, khoảng 70%, tỷ lệ nợ đọng bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp chiếm gần 5% , trong đó số nợ trên 6 tháng chiếm 20%. Trong khi đó, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế có vai trò quan trọng trong bảo đảm an sinh xã hội bền vững. Thậm chí, chỉ cần sau một trận ốm, người cận nghèo nếu không có bảo hiểm y tế có thể sẽ lại rơi xuống đối tượng hộ nghèo.

Ngoài ra nhiều đại biểu cũng đề xuất các biện pháp đổi mới trong công tác giám sát để hoạt động giám sát của Quốc hội đạt hiệu quả cao nhất. Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng cho rằng nội dung giám sát cần tránh trùng lặp, nhằm giảm bớt sự phiền hà cho địa phương bị giám sát.

Theo đại biểu Đỗ Mạnh Hùng, cần quan tâm việc  giám sát ở cơ sở và phải thu thập được ý kiến  nhân dân, vì thời gian qua, hoạt động giám sát chủ yếu qua báo cáo nên hiệu quả đạt chưa như mong muốn.

Các ý kiến khác cũng cho rằng, ngoài giám sát chuyên đề, cần coi trọng hoạt động giám sát thường xuyên cũng như giám sát việc thực hiện lời hứa và trả lời cử tri.