Sẽ có bức tranh xác thực, đầy đủ nhất về quy mô GDP

Thanh Trúc

Đánh giá lại quy mô GDP sẽ tác động đến các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô qua việc tạo ra mức tăng đáng kể trong tổng giá trị GDP và GDP bình quân đầu người, từ đó tác động đến định hướng phát triển kinh tế-xã hội trong các giai đoạn tiếp theo.

Việc đánh giá lại quy mô GDP nhằm phản ánh xác thực quy mô, năng lực của nền kinh tế, nâng cao vị thế kinh tế của đất nước trong khu vực và trên thế giới.
Việc đánh giá lại quy mô GDP nhằm phản ánh xác thực quy mô, năng lực của nền kinh tế, nâng cao vị thế kinh tế của đất nước trong khu vực và trên thế giới.

 Khẳng định điều này ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, việc đánh giá lại quy mô GDP vào thời điểm này sẽ giúp đưa ra những định hướng đúng cho phát triển đất nước trong 10 năm tới và cụ thể hóa cho giai đoạn 5 năm 2021-2025.

Theo ông Nguyễn Bích Lâm, trong quá trình biên soạn chỉ tiêu GDP ở bất cứ quốc gia nào cũng luôn có những vấn đề phát sinh cần rà soát, đánh giá lại cả trong ngắn hạn và dài hạn. Việt Nam không phải là ngoại lệ. Mặt khác, do nguồn thông tin đầu vào phục vụ việc biên soạn, tính toán chỉ tiêu GDP hàng năm chưa đầy đủ, cần được bổ sung cập nhật.

“Mục đích quan trọng nhất là qua đó có thể đưa ra bức tranh xác thực, đầy đủ nhất về quy mô GDP, các vấn đề, sự thay đổi cùng hàng loạt yếu tố liên quan. Đó là đầu vào phục vụ việc nghiên cứu, so sánh, điều hành, ra quyết định của cấp quản lý vĩ mô…”- ông Lâm cho biết.

Bên cạnh đó, để thực hiện việc đánh giá, Tổng cục Thống kê sẽ kết hợp với dữ liệu từ Tổng cục Thuế về thông tin doanh nghiệp nên mọi biến số sẽ đầy đủ, khách quan bằng việc bổ sung thêm thông tin của hơn 70.000 doanh nghiệp. Điều này giúp cho đánh giá đúng nền kinh tế, sức khỏe của doanh nghiệp, từ đó giúp các cơ quan hoạch định chính sách đưa ra các chính sách phù hợp.

Yêu cầu đặt ra trong việc thực hiện đánh giá lại quy mô GDP là bảo đảm sự trung thực, chính xác, khách quan về số liệu; tránh trùng lắp hoặc bỏ sót thông tin. Từ đó, loại bỏ được vấn đề chênh lệch số liệu, cách hiểu thiếu chính xác hoặc không đúng đối với cá nhân, tổ chức sử dụng kết quả thống kê.

Cùng với đó phải tuân thủ đúng nguyên tắc bảo đảm tính toàn diện.Trong đó, đánh giá lại GDP đầy đủ phạm vi tất cả các ngành trong nền kinh tế; Đảo đảm tính thống nhất quy trình và phương pháp tính theo quy trình chặt chẽ, khoa học, thống nhất và khách quan cũng như đúng thông lệ quốc tế; Đảo đảm tính lịch sử và tính so sánh, phản ánh đúng và rõ thực trạng, đặc điểm kinh tế-xã hội, thống nhất về lý luận và thực tiễn, sự nhất quán theo chuỗi thời gian, không gian.

Việc đánh giá lại GDP được cơ quan quản lý tạo ra mức tăng đáng kể trong tổng giá trị GDP và GDP bình quân đầu người, từ đó tác động đến định hướng phát triển trong giai đoạn tiếp theo. Tuy nhiên, theo lãnh đạo ngành thống kê, việc này không tác động đến mục tiêu tăng trưởng GDP trong kế hoạch, do sự thay đổi về tăng trưởng qua các năm rất nhỏ.

Đánh giá lại quy mô GDP làm thay đổi cơ cấu GDP: Tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ; Giảm tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản. Các chỉ tiêu chất lượng tăng trưởng được cải thiện, tuy nhiên mức thay đổi không lớn. Quy mô GDP và GDP bình quân đầu người tăng lên có thể làm tăng đóng góp của Việt Nam cho các tổ chức quốc tế mà hiện nay Việt Nam đang là thành viên.

Sự gia tăng GDP bình quân đầu người có thể dẫn đến sự thay đổi trong mô hình tiêu dùng hộ gia đình do ước tính mức sống cao hơn hoặc đạt nhanh hơn đến mức quốc gia có thu nhập trung bình cao. Việc đánh giá lại quy mô GDP sẽ không tác động đến mục tiêu tăng trưởng GDP trong kế hoạch và chiến lược phát triển kinh tế-xã hội do tốc độ tăng trưởng kinh tế qua các năm có sự thay đổi rất nhỏ.

Có thể khẳng định, việc đánh giá lại quy mô GDP lúc này là đúng thời điểm, là nhiệm vụ cần thiết để đảm bảo theo thông lệ quốc tế; nguồn thông tin đầu vào phục vụ biên soạn chỉ tiêu GDP hàng năm chưa đầy đủ. Bởi GDP là chỉ tiêu kinh tế vĩ mô quan trọng và việc đánh giá lại quy mô GDP nhằm phản ánh xác thực quy mô, năng lực của nền kinh tế, nâng cao vị thế kinh tế của đất nước trong khu vực và trên thế giới.