Siết đầu tư công: Có khả thi?

Theo thoibaonganhang.vn

Để siết lại đầu tư công, Bộ Kế hoạch - Đầu tư vừa có hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) xây dựng kế hoạch đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2014-2015. Phóng viên đã trao đổi với TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương về vấn đề này.

PV: Ông đánh giá thế nào về tác dụng của chủ trương siết đầu tư công?

Siết đầu tư công: Có khả thi? - Ảnh 1
TS. Võ Trí Thành,
Viện Nghiên cứu và
Quản lý kinh tế Trung ương
TS. Võ Trí Thành: Văn bản thông báo của Bộ Kế hoạch - Đầu tư chính là nhắc nhở lại Chỉ thị 1792 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ nhằm triển khai dự án đỡ chậm trễ, dàn trải, tăng hiệu quả đầu tư, giảm tham nhũng, thất thoát.

Tuy nhiên, tính cụ thể của thông báo này không cao, khi triển khai rất khó vì giữa áp lực hiện tại, cả ổn định vĩ mô và tái cấu trúc, nhìn đầu tư công trong bối cảnh trung và dài hạn còn rất nhiều mâu thuẫn. Vì vậy, trên tinh thần là như thế nhưng phải có quyết sách tổng thể và mạnh mẽ hơn.

Cũng phải lưu ý rằng nếu thắt chặt đến mức tất cả đều không dám làm thì sẽ không có hiệu quả, nhất là trong giai đoạn khó khăn, tìm được người quyết đoán, dám làm dám chịu là rất khó. Đó là chưa kể việc xác định trách nhiệm người ra quyết định đầu tư trong bối cảnh các dự án đầu tư công thường gắn với khoản tiền khổng lồ, chỉ riêng điều chỉnh tỉ giá đã mất tiền tỉ.

Vì vậy, chúng ta cần có cái nhìn tổng thể hơn, đặc biệt là đưa ra được chương trình về tái đầu tư công, tạm gọi đó như một cẩm nang để có định hướng mà thực hiện. Trong cảnh dầu sôi lửa bỏng như hiện nay, việc thực hiện tái cấu trúc đầu tư công cần phải có các nhân tố quyết đoán. Nếu như vậy thì rõ ràng thông báo này chưa thể tới tầm.

Thực tế, tái cơ cấu đầu tư công được khởi động từ năm 2011 nhưng đến nay vẫn còn ì ạch. Theo ông, đâu là nguyên nhân?

Chương trình tái cơ cấu nền kinh tế gồm 3 trọng tâm là hệ thống tài chính, DNNN và đầu tư công. Đến nay đã có văn bản tổng thể về tái cơ cấu lĩnh vực tài chính và DNNN; riêng đầu tư công vẫn chưa có đề án vì đây là vấn đề phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực như môi trường, nợ công, ngân sách nhà nước. Về nguồn vốn đầu tư công cũng rất phức tạp vì được bố trí từ ngân sách, trái phiếu, tín dụng, vốn ODA cho vay lại và cả vay tín dụng của DNNN.

Bên cạnh đó, đầu tư công còn liên quan đến phân quyền từ Trung ương đến địa phương, liên quan đến vấn đề pháp lý mà Việt Nam cần hoàn thiện hoặc làm mới nhiều luật liên quan đến ngân sách, mua sắm Chính phủ hay Luật Đầu tư công mà vừa rồi đưa ra trình Quốc hội cũng tranh cãi rất nhiều.

Đó là chưa nói đến những vấn đề mới phát sinh đòi hỏi phải xử lý như giữ ổn định kinh tế vĩ mô, nợ xấu, tái cấu trúc mà quá trình này phải có chi phí, lợi ích, nhân lực vật lực… Sự phức tạp như đã nói ở trên phần nào giải thích tại sao tái cấu trúc đầu tư công đến nay vẫn chưa có dữ liệu.

Đầu tư công của Việt Nam gắn với khu vực DNNN trong khi đây là khu vực kinh doanh kém hiệu quả. Đây có phải là nguyên nhân khiến quá trình tái cơ cấu đầu tư công gặp nhiều khó khăn?

Đã nói đến DNNN hay đầu tư công bao giờ cũng có 2 vấn đề không bao giờ giải quyết được triệt để. Đó là xung đột lợi ích và rủi ro đạo đức. Lý do rất đơn giản, tiền là tiền của chung nhưng lợi ích lại là của tôi. Nói nôm na là tôi làm nhưng rủi ro người khác chịu, tôi cứ cho vay nhưng không phải chịu trách nhiệm mà việc đi tìm thủ phạm rất khó.  Chính vì vậy người ta cần thị trường, cần giảm khu vực DNNN và tăng cường giám sát, giải trình, minh bạch để hạn chế những xung đột nói trên.