Sửa đổi, bổ sung 6 dự án luật quan trọng

LH

(Tài chính) Chính phủ đang thảo luận về một số dự án luật sắp tới sẽ được sửa đổi, bổ sung. Đây là những dự án luật quan trọng, tác động đến nhiều mặt trong đời sống kinh tế chính trị của đất nước.

Phiên họp chuyên đề về công tác xây dựng pháp luật của Chính phủ, sáng 13/8
Phiên họp chuyên đề về công tác xây dựng pháp luật của Chính phủ, sáng 13/8

Luật nhằm điều chỉnh các mặt hoạt động của xã hội, để bộ máy xã hội đi vào nền nếp, kỷ cương phép tắc, tạo thành một guồng máy thông suốt từ trên xuống dưới. Tuy nhiên, có một thực tế là, nhiều luật định được quy định trước đây đã lạc hậu so với xu thế phát triển của đời sống kinh tế xã hội, bộc lộ nhiều khiếm khuyết, chưa phát huy được vai trò là nền tảng pháp lý, là luật chung của những văn bản điều chỉnh các lĩnh vực cụ thể, nhất là khi chúng ta đang xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đưa nước ta hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hơn. Các bất cập này càng chậm được giải quyết, các quy định chậm được sửa đổi, bổ sung ngày nào càng làm cho các mối quan hệ trong xã hội thêm khó khăn, thậm chí bế tắc… kéo cả xã hội ì ạch theo.

Trước đòi hỏi bức thiết phải hoàn thiện các chính sách pháp luật hiện hành, một số dự án luật đang được Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung một số vấn đề, cụ thể:

- Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công chứng: (liên quan đến việc mở rộng phạm vi công chứng; giá trị pháp lý của văn bản công chứng; tổ chức xã hội-nghề nghiệp của các công chứng viên...). Vấn đề công chứng vẫn đang là bức xúc trong xã hội, việc phân quyền công chứng đến đâu, quy định văn bản nào cần công chứng,  cấp nào được công chứng, cá nhân có quyền đến đâu… ngoài ra, phạm vi, địa điểm công chứng, phí công chứng… chưa có sự thống nhất, rõ ràng, vẫn khiến người dân rất lúng túng (lúng túng ngay cả khi phải lựa chọn đến các ủy ban nhân dân hay hay đến các phòng công chứng?)

- Dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi): Dự án Luật sẽ bao gồm 19 chương và 165 điều (thêm 4 chương và 29 điều) so với Luật hiện hành, bổ sung những quy định mới và sửa đổi những quy định không phù hợp, không khả thi của Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 nhằm tăng cường công tác quản lý Nhà nước về môi trường; đảm bảo kiểm soát ô nhiễm môi trường trên phạm vi cả nước. Đặc biệt bổ sung một số nội dung mới liên quan đến tăng trưởng xanh, biến đổi khí hậu, an ninh môi trường; coi trọng công tác phòng ngừa ô nhiễm và suy thoái môi trường... Còn có nhiều ý kiến khác nhau liên quan đến việc lập quy hoạch môi trường; đánh giá tác động môi trường; tổ chức bảo vệ môi trường lưu vực sông liên tỉnh; kế hoạch bảo vệ môi trường; bảo vệ môi trường nước sông và bảo vệ môi trường các nguồn nước khác; tỷ lệ chi cho sự nghiệp môi trường và đầu tư phát triển bảo vệ môi trường công cộng... cần phải được nghiên cứu kỹ để thống nhất ban hành, thực hiện.

- Định hướng sửa đổi Bộ luật Dân sự năm 2005: Nhằm xây dựng Bộ luật Dân sự trở thành luật chung của hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội được hình thành theo nguyên tắc tự do, tự nguyện, bình đẳng và tự chịu trách nhiệm giữa các bên tham gia; góp phần ghi nhận và bảo vệ tốt hơn các quyền của tổ chức, cá nhân trong giao lưu dân sự; góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và xây dựng thành công nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Bộ luật Dân sự phải là một đạo luật có ý nghĩa lớn không chỉ về mặt kinh tế-xã hội mà còn về mặt thứ bậc trong hệ thống pháp luật. Những định hướng cơ bản trong việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật này tập trung vào những nội dung lớn về vị trí, vai trò, cấu trúc của Bộ luật Dân sự; chủ thể quan hệ pháp luật dân sự; hình thức sở hữu; cơ chế bảo vệ các quyền dân sự...

- Định hướng xây dựng dự án Luật Đầu tư và Quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp: Việc xây dựng Luật nhằm tạo ra một khung pháp lý đầy đủ, cụ thể đối với hoạt động đầu tư vốn và quản lý vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp; phân định rõ chức năng, quyền hạn và nhiệm vụ của chủ sở hữu Nhà nước trong hoạt động đầu tư vốn và quản lý vốn Nhà nước đã đầu tư theo đúng mục tiêu, định hướng của Đảng về sắp xếp và phát triển doanh nghiệp Nhà nước; tuân thủ nguyên tắc phát triển kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, đảm bảo bình đẳng giữa mọi thành phần kinh tế trước pháp luật... Những nội dung được tập trung đóng góp ý kiến thảo luận nhiều nhất đó là: vai trò chủ sở hữu Nhà nước; “vốn Nhà nước” quy định trong luật; quản lý vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp; tiền thu lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ...

- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế: sửa đổi, bổ sung 17 điều trong tổng số 52 điều của Luật hiện hành, đã thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng về phát triển bảo hiểm y tế toàn dân; khắc phục những tồn tại bất hợp lý của luật hiện hành, hoàn thiện khung pháp lý để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về bảo hiểm y tế, bảo đảm quyền, lợi ích của người dân tham gia bảo hiểm y tế trong khám, chữa bệnh. Những vấn đề nổi cộm trong Luật được quan tâm nhất là: hình thức bảo hiểm bắt buộc; quy định trách nhiệm tham gia bảo hiểm y tế của lực lượng vũ trang; quy định mức hưởng bảo hiểm y tế đối với người thuộc hộ gia đình cận nghèo; quy định mức tối đa chi trả chi phí khám, chữa bệnh (Luật BHYT mới quy định giới hạn mức đóng BHYT là 20 lần mức lương tối thiểu nhưng chưa có quy định cụ thể về mức hưởng tối đa chi phí khám, chữa bệnh được quỹ BHYT chi trả trong 1 năm)... Hơn nữa, chính sách về BHYT chưa thật sự thu hút người tham gia tự nguyện, chưa mang tính cộng đồng, chia sẻ. Nhiều quy định này đang còn rất nhiều bất cập, khó thực hiện, chưa có cơ chế rõ ràng, chưa tạo thuận lợi cho người dân cũng như cho cơ sở khám chữa bệnh.

- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hôn nhân và Gia đình: Dự thảo Luật đã sửa đổi 50 điều, bổ sung mới 57 điều so với Luật hiện hành. Những vấn đề lớn, quan trọng mà dự thảo Luật đề cập là: Vấn đề áp dụng tập quán trong hôn nhân và gia đình; vấn đề giải quyết hậu quả của việc nam, nữ sống chung với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn; vấn đề xác định tài sản chung của vợ chồng trong chế độ tài sản theo luật định; vấn đề xác định cha, mẹ, con trong trường hợp sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản và mang thai hộ vì mục đích nhân đạo; vấn đề hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài. Những vấn đề còn nhiều ý kiến trái ngược liên quan đến tuổi kết hôn; kết hôn giữa những người cùng giới tính; ly thân; mang thai hộ... cũng là những vấn đề xã hội đang rất quan tâm hiện nay, cần sớm được xem xét, quyết định, xây dựng thành điều luật để người dân có cơ sở pháp lý thi hành.

Các dự án luật trên liên quan mật thiết đến định hướng điều chỉnh các quan hệ kinh tế - chính trị - đời sống trong xã hội, việc xây dựng phải được tiến hành khẩn trương. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã lưu ý các bộ, ngành khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật cần hết sức lưu ý đến chất lượng văn bản, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và tính khả thi. Đồng thời yêu cầu các Bộ trưởng, trưởng ngành đề cao tinh thần trách nhiệm, tăng cường phối hợp trong quá trình xây dựng văn bản, tiến hành quy trình thẩm định, thẩm tra các văn bản pháp luật một cách chặt chẽ và hiệu quả.

Các cơ quan chủ trì soạn thảo các dự án Luật phải tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, bổ sung các ý kiến đóng góp để xây dựng nhằm sớm hoàn thiện các dự án Luật kể trên cùng với việc triển khai xây dựng Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, sớm đưa Hiến pháp và các đạo Luật vào cuộc sống.