Tái cơ cấu kinh tế bắt nguồn từ đất đai

Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp

Việt Nam đang trong quá trình tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế. Tuy nhiên, tiền đề để có thể tái cơ cấu tốt hơn phải bắt nguồn từ đất đai.

Tái cơ cấu kinh tế bắt nguồn từ đất đai

Luật Đất đai sửa đổi đang được lấy ký kiến toàn dân. Các vấn đề về giá đất, cơ chế thu hồi đất, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, hạn điền, thời hạn giao đất, giải quyết tranh chấp về đất đai… đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi.

Giải quyết vấn đề đất đai

Trong vòng 25 năm kể từ khi áp dụng chính sách đổi mới theo định hướng thị trường, trong lĩnh vực nông nghiệp, chính sách giao đất cho hộ nông dân cùng với tự do hoá thương mại, cải cách chính sách vĩ mô đã tạo ra động lực lớn cho nông nghiệp tăng trưởng ở mức 3-4%/năm. Từ một nước thiếu ăn, Việt Nam đã đảm bảo được an ninh lương thực, cung ứng nguyên liệu và lao động hỗ trợ công nghiệp hóa và trở thành nước xuất khẩu đứng thứ hạng cao trên thế giới về các mặt hàng như gạo, cà phê, cao su, chè, tiêu, điều, thủy sản và đồ gỗ…. Tăng trưởng kinh tế cũng đã tạo ra tác động tích cực đối với xóa đói giảm nghèo với tỉ lệ nghèo giảm mạnh từ mức 51% năm 1992 xuống còn 14% năm 2010. Nâng cao hiệu quả sử dụng đất, biến đất đai thành tài sản để đầu tư và tư liệu tạo sinh kế cho người nghèo, tạo cơ chế bình đẳng đối với quyền sử dụng đất của nông dân là giải pháp quan trọng để giảm nghèo, đảm bảo công bằng và ổn định xã hội.

Tuy nhiên, sau một thời gian phát triển thuận lợi, đã có nhiều cảnh báo rằng Việt Nam đã đạt đến ngưỡng của tăng trưởng theo chiều rộng dựa trên mức đầu tư cao về lao động và vật tư, tăng khai thác tài nguyên tự nhiên. Nếu không có bước đột phá mới về đầu tư, khoa học công nghệ và tổ chức sản xuất để sử dụng đất nông nghiệp hiệu quả và bền vững, nông nghiệp Việt Nam khó có thể tiếp tục là nền tảng cho tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới. Trên bình diện xã hội, bất bình đẳng đang có xu hướng gia tăng giữa nông thôn và thành thị, giữa miền núi và miền xuôi, giữa nhóm dân tộc thiểu số và nhóm Kinh, giữa các nhóm giàu nhất và nghèo nhất tại khu vực nông thôn. Đặc biệt, trong bối cảnh suy thoái kinh tế gần đây tốc độ giảm nghèo có xu hướng chậm lại.

Để tiếp tục duy trì tăng trưởng trong bối cảnh suy thoái kinh tế thế giới và khó khăn kinh tế vĩ mô trong nước, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đề ra một trong những mục tiêu chủ yếu của nước ta trong giai đoạn 2011-2015 là: “Ổn định kinh tế vĩ mô, đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng từ chủ yếu phát triển theo chiều rộng sang phát triển hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu, nâng cao chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế, bảo đảm phát triển nhanh và bền vững, nâng cao tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; từng bước xây dựng kết cấu hạ tầng hiện đại. Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Theo chủ trương trên, ngành nông nghiệp sẽ tái cơ cấu, đổi mới sang mô hình tăng trưởng theo chiều sâu. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu tái cơ cấu kinh tế, không thể thiếu các giải pháp đột phá về quản lý và sử dụng một trong những tài nguyên quan trọng nhất là đất đai, đặc biệt là tăng hiệu quả, đảm bảo tính bền vững trong sử dụng đất, đảm bảo công bằng về quyền lợi đối với đất đai và vấn đề sở hữu đất.

Tiền đề cho tái cơ cấu

Từ những vấn đề vướng mắc đang đặt ra cho công tác xây dựng luật lệ, chính sách đất đai, từ kinh nghiệm xử lý thành công của các nước khác và thực tiễn đổi mới thời gian qua ở VN có thể đề ra một số quan điểm chính cần tham khảo trong quá trình giải quyết triệt để vấn đề đất đai làm tiền đề cho quá trình tái cơ cấu nền kinh tế nước ta như sau:

Thứ nhất, về vấn đề sở hữu đất đai: Đất đai là một tài sản đặc biệt, là sản phẩm của biết bao thế hệ người dân, tốn bao xương máu, công sức mà tạo lập ra. Các nước có nền kinh tế phát triển, trong khi chấp nhận phương thức đa sở hữu về đất đai, họ cũng đã trao cho tư nhân sở hữu đất một cách lâu dài và đây chính là điều kiện cho họ phát triển. Trong điều kiện Việt Nam, nên thừa nhận chế độ đa sở hữu đất đai bao gồm sở hữu nhà nước, sở hữu cộng đồng, sở hữu tư nhân. Việc chấp nhận phương thức đa sở hữu như trên sẽ tạo điều kiện phát huy tối đa tiềm năng của đất đai, hài hòa các mục tiêu kinh tế, chính trị, xã hội, hài hòa lợi ích quốc gia, cộng đồng và lợi ích của dân.

Thứ hai, về thời hạn giao đất: Trong khi chấp nhận một bộ phận đất đai thuộc sở hữu tư nhân thì không nên định thời hạn giao đất khi giao cho các hộ gia đình, cá nhân. Nên giao vĩnh viễn và lâu dài đất nông nghiệp cho các hộ. Với đất công (thuộc sở hữu cộng đồng hay nhà nước), trong khi Nhà nước và cộng đồng chưa sử dụng có thể giao lâu dài đến 50 năm hoặc hơn, tùy theo đặc điểm của từng loại đất. Không chia lại ruộng đất đã giao cho người sử dụng từ năm 1993. Cần bỏ thời hạn giao đất và giao lâu dài ruộng đất cho người sử dụng.

Thứ ba, cần vận dụng cơ chế thị trường trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp, giá bồi thường đất nông nghiệp phải sát với thị trường: Đất đai là hàng hóa thì giá đất giao dịch trên thị trường phải theo quy luật thị trường, có sự thỏa thuận giữa người mua đất và bán đất, đảm bảo công khai và minh bạch. Khi Nhà nước và nhà đầu tư cần sử dụng đất của dân thì mua lại theo giá thỏa thuận. Không thể có thị trường đích thực về quyền sử dụng đất mà chỉ có thị trường đích thực về đất gắn với quyền sở hữu.

Thứ tư, thúc đẩy thị trường đất đai trong nông nghiệp và nông thôn phát triển thông qua các giải pháp sau: Thực hiện việc quy hoạch tổng thể trong sử dụng đất đai cho phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, khu công nghiệp và đô thị. Đẩy nhanh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng ruộng đất cho các hộ và trang trại. Tiếp tục hoàn thiện các văn bản dưới luật quy định cụ thể về chuyển nhượng, mua, bán đất đai, góp vốn bằng đất vào kinh doanh... Đã đến lúc thay đổi quan niệm “người cày có ruộng” bằng “người lao động có việc làm”. Việc dồn điền, đổi thửa để giảm sự manh mún về đất đai phải được dựa theo nguyên tắc thị trường, nghĩa là phải từ giá trị thu được trên đơn vị diện tích của từng loại đất để trao đổi, không nên dựa vào sự phân hạng đất theo chỉ số nông hóa thổ nhưỡng để làm hệ số quy đổi.

Thứ năm, cần nới rộng hạn điền một cách phù hợp và phải tính đến yếu tố hiệu quả. Hạn điền quá nhỏ sẽ dẫn đến làm cho sản xuất manh mún, quá lớn sẽ dẫn đến tình trạng đầu cơ về ruộng đất, bất ổn về mặt xã hội. Trong điều kiện hiện nay, đất trồng màu hạn điền nên từ 25-30 ha, đất lúa là 50 ha.

Nếu các điểm nhấn quan trọng trên được quan tâm, xử lý triệt để thì một lần nữa sẽ tạo ra được động lực mới cho nông dân phát triển đột phá ngành nông nghiệp và xã hội nông thôn Việt Nam, tạo cơ cấu mới cho kinh tế tăng trưởng hiệu quả và vững bền.