Tái cơ cấu nền kinh tế: Cần một lộ trình thận trọng

Theo Đại đoàn kết

Thủ tướng Chính phủ vừa chỉ đạo trong năm 2013 - 2015 tập trung thực hiện tái cơ cấu (TCC) đầu tư công; hệ thống tín dụng; các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Liệu tái cơ cấu có phải là câu chuyện sáp nhập, cắt, giảm chức năng nhiệm vụ của các tập đoàn, doanh nghiệp hay không? TS. Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế trung ương đã có cuộc trao đổi với phóng viên về vấn đề này.

PV: Thưa ông, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án tổng thể TCC kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013 - 2020, trong đó tập trung TCC đầu tư công, các tổ chức tín dụng, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Có ý kiến cho rằng, nên bắt đầu từ việc chỉ đạo quyết liệt TCC, cấu trúc lại hệ thống ngân hàng-tín dụng để xử lý nợ xấu? Quan điểm của ông về vấn đề này?

Tái cơ cấu nền kinh tế: Cần một lộ trình thận trọng  - Ảnh 1
TS. Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế trung ương
-  Trước tiên, tôi muốn định vị lại nội hàm của TCC kinh tế. Đây là một quá trình phân bố lại có mục tiêu nguồn lực xã hội, hướng đến nâng cao được hiệu quả nguồn lực, năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Để TCC lại cần hệ thống động lực (thể chế) nhằm thay đổi hành vi tham gia thị trường dẫn đến phân bố lại nguồn lực có năng suất lao động, năng lực cạnh tranh. 

Trong đề án tổng thể, 3 nội dung được ưu tiên đó là: TCC đầu tư công; các tổ chức tín dụng; các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Ở đây, TCC là phân bố lại sản xuất (TCC ngành), nâng cao giá trị gia tăng nội địa, nâng cấp các ngành kinh tế; TCC vùng có đan xen. 

TCC hệ thống tín dụng rất nhiều việc phải làm, trong đó có xử lý nợ xấu, TCC lại các ngân hàng yếu kém, xử lý sở hữu chéo giữa các ngân hàng. TCC các ngân hàng yếu kém liên quan đến xử lý nợ xấu, bởi một trong những nội dung TCC ngân hàng yếu kém là xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, TCC nợ xấu ngân hàng phải gắn với doanh nghiệp. Tức là đưa nợ xấu của DN ra khỏi báo cáo tài chính của ngân hàng; giải phóng DN ra khỏi nợ nần, để họ bắt đầu thời kỳ mới.

Như vậy, việc TCC hệ thống tín dụng cuối cùng phải dẫn đến mục đích cuối cùng là gắn với DN và đưa DN vận hành bình thường theo thị trường, không cần có can thiệp hành chính nào.
Trong bài toán TCC, việc TCC DN nhà nước (DNNN) có vị trí đặc biệt quan trọng, bởi hiện khối DN này đang sử dụng nguồn lực lớn nhưng hiệu quả đạt được là chưa tương xứng. Theo ông, liệu việc thực hiện đề án này có dễ dàng?  

 - Khu vực DNNN đang sử dụng tài sản lớn của nền kinh tế, nhất là những ngành nghề quan trọng họ đang độc quyền, chi phối. Trong kinh tế thị trường, quyền kinh doanh là một tài sản rất có giá trị. Cải cách khu vực DNNN tức là phân bố lại cách thức sử dụng, phân bố nguồn lực trên phạm vi quốc gia và nền kinh tế. Chỉ khi nào phân bố lại theo nguyên tắc thị trường và không giới hạn lúc đó mới thành công. 

Để làm được điều này, trước hết phải thiết kế lại động lực để thúc đẩy vấn đề đó, tuy nhiên lại không dễ dàng. Nguyên tắc thị trường, động lực thị trường… phải áp dụng vào từng DNNN và từng khu vực DN. Nếu chưa đạt được phải tìm những chốt, khóa quan trọng để DN tạo sức ép cạnh tranh. 

Hiện nay DNNN đang chi phối nên chúng ta đang bảo hộ nó, dẫn đến nó chiếm vị trí thống lĩnh thị trường. Do vậy, kinh doanh của họ trở nên thu "địa tô”, trở thành người gác cổng, không có áp lực để sử dụng nguồn lực có hiệu quả. Nguồn lực không hiệu quả sẽ có người khác đến chớp lấy cơ hội và nguồn lực chảy vào những người có sáng kiến, đổi mới. 

Đối với từng DN phải thành lập được từng khung quản trị đảm bảo hiệu lực thực thi của khung quản trị. Đó là buộc các DNNN công bố thông tin, minh bạch thông tin, ít nhất là theo những tiêu chuẩn mà các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán. 

Thưa ông, 3 nội dung cần TCC đã nêu trong đề án muốn đạt hiệu quả tốt cần năm 2013 chúng ta cần phải có những cơ chế gì?  

- Nhìn tổng thể, năm 2013 mục tiêu đầu tiên là ổn định kinh tế vĩ mô, củng cố niềm tin thị trường (ổn định giá trị đồng tiền, lạm phát giảm xuống). Tiếp theo là phải sửa đổi một số luật như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Thuế TNCN… Cần phải thay đổi môi trường kinh doanh, tạo lập động lực mới thúc đẩy phân bố nguồn lực. Đồng thời cải cách hành chính, sáp nhập DN, hợp nhất DN, mua bán, chuyển nhượng dự án… để thị trường vận hành. Phải tập trung làm bằng được những luật đó, tạo ra một hệ thống động lực mới. Như vậy, cái khó hiện nay là sửa đổi những luật này.

Trân trọng cảm ơn ông!