Tăng cường liên kết doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Xây dựng mối liên kết giữa các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với doanh nghiệp trong nước là việc không mới, đã được bàn từ lâu. Tuy nhiên, cho đến nay mối liên kết này vẫn rất yếu. Trong bối cảnh các động lực tăng trưởng của kinh tế Việt Nam đều gặp khó khăn, chỉ có khu vực FDI vẫn tăng trưởng tốt, thì việc tăng cường liên kết doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước được coi là động lực mới.

Các doanh nghiệp FDI mong muốn tăng cường liên kết với doanh nghiệp nội địa. Nguồn: vafie.org.vn
Các doanh nghiệp FDI mong muốn tăng cường liên kết với doanh nghiệp nội địa. Nguồn: vafie.org.vn

Theo các chuyên gia kinh tế, tăng trưởng mà Việt Nam có được sau đổi mới chủ yếu do đóng góp của các nhân tố theo chiều rộng, gồm lao động rẻ, vốn và tài nguyên. Sau suy giảm kinh tế năm 2009, dường như dư địa cho tăng trưởng theo chiều rộng đã không còn. Nền kinh tế vẫn chưa thoát khỏi chu kỳ tăng trưởng chậm. Do vậy, Việt Nam cần khởi tạo động lực tăng trưởng mới, đó chính là giá trị bên trong để tiếp tục tăng trưởng nhanh và tránh rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Điều này chỉ có thể đạt được thông qua việc xây dựng mô hình tăng trưởng mới dựa vào hiệu quả huy động các nguồn lực nhằm tăng khả năng cạnh tranh công nghiệp, nâng cao trình độ công nghệ và tăng năng suất lao động.

Tăng cường liên kết các doanh nghiệp nội địa với các tập đoàn đa quốc gia là một trong những hướng đi đúng đắn để đạt mục tiêu này. Vấn đề là cần thực hiện như thế nào? Theo góc nhìn các doanh nghiệp FDI thì các Tập đoàn lớn như Samsung, Canon, Honda… đều cần rất nhiều linh kiện sản xuất ở trong nước, nhưng khó khăn nhất là sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam chưa đạt chất lượng. Cho nên, Nhà nước cần phải có các trung tâm đo đạc, đo lường, kiểm tra chất lượng để doanh nghiệp sử dụng chung, từ đó cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Nhiều nghiên cứu cho thấy, sự có mặt của các doanh nghiệp công nghệ cao như Intel, Samsung, Canon không có nghĩa là công nghệ cao sẽ tự động chuyển giao cho Việt Nam. Những tập đoàn đa quốc gia thường đến các nước đang phát triển để thực hiện công đoạn lắp ráp thâm dụng lao động, là phân khúc tạo ra giá trị thấp nhất của chuỗi cung ứng toàn cầu, vì các công đoạn này quá tốn kém khi thực hiện ở các nước đang phát triển.

Chuyển giao công nghệ sẽ không xảy ra, trừ khi nước chủ nhà được đánh giá là có khả năng hấp thụ và là vị trí tốt nhất cho mục đích này, sẽ mang lại lợi ích cho các tập đoàn đa quốc gia. Bởi vậy, để các doanh nghiệp trong nước có thể liên kết với các doanh nghiệp FDI, tham gia một cách gián tiếp vào chuỗi cung ứng toàn cầu của họ và hướng tới nhận chuyển giao công nghệ phải là quá trình đôi bên cùng có lợi.

Theo TS. Phạm Hồng Chương - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, bản thân các doanh nghiệp Việt Nam phải nâng cao năng lực thì mới liên kết được với các doanh nghiệp FDI. Thứ hai, các doanh nghiệp FDI nói chung, doanh nghiệp Nhật Bản nói riêng bao giờ cũng mong muốn tăng cường liên kết với doanh nghiệp nội địa. Điều này xuất phát từ lợi ích của doanh nghiệp khi mua được nhiều hàng hóa hoặc sản xuất được nhiều hơn ở nội địa thì chi phí sản xuất giảm. Do đó, đây là mối quan hệ đôi bên cùng có lợi, đôi bên cùng tăng cường liên kết.

Đồng quan điểm, Giám đốc Trung tâm phát triển công nghiệp hỗ trợ - Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách công nghiệp - Bộ Công thương Trương Thị Chí Bình cho rằng, phải có vườn ươm doanh nghiệp, tạo ra các doanh nghiệp sản xuất linh kiện, thiết bị phụ trợ để liên kết với doanh nghiệp FDI. Doanh nghiệp nội địa phải là nền tảng, tiếp theo là có các khu công nghiệp hỗ trợ, tập trung các doanh nghiệp FDI, tạo ra liên kết, tạo động lực tăng trưởng mới cho Việt Nam.

Hiện tại Việt Nam mới chỉ có vài trăm doanh nghiệp cung cấp sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, trong khi chỉ riêng lĩnh vực ô tô, Thái Lan đã có khoảng 2.000 doanh nghiệp. Do đó, khuyến khích hình thành các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực sản xuất linh kiện, thiết bị, phát triển công nghiệp hỗ trợ là một trong những điều kiện thiết yếu để thiết lập và tăng cường mối liên kết với doanh nghiệp FDI. Trên thực tế, không phải Việt Nam không nhìn ra vấn đề này, mà sự hỗ trợ của Nhà nước cho lĩnh vực này còn quá ít, trong khi tự thân các doanh nghiệp không đủ lực.

Hơn nữa, với một số ngành mà doanh nghiệp từng kỳ vọng như sản xuất ô tô, cho đến nay cũng chưa phát triển được công nghiệp hỗ trợ, do dung lượng thị trường trong nước quá nhỏ. Hay lĩnh vực điện tử, cho đến nay các doanh nghiệp FDI cũng chỉ chọn Việt Nam là địa điểm lắp ráp công đoạn cuối để xuất khẩu ra thế giới, mà chưa có sự liên kết hay chuyển giao công nghệ nào.