Tăng tín dụng, chú trọng chất lượng trong hoạt động ngân hàng

TS Nguyễn Thị Kim Thanh/Theo Thoibaonganhang.vn

Thận trọng trong cho vay, quan tâm đến chất lượng tín dụng là vấn đề luôn cần được các ngân hàng quan tâm trong quá trình phát triển.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Tăng trưởng tín dụng trong hoạt động ngân hàng (NH) là một yếu tố cần thiết quan trọng để hệ thống NH tồn tại và phát triển. Nó còn là điều kiện cần thiết để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Song, đó cũng chính là yếu tố tiềm ẩn cho lạm phát và nợ xấu phát sinh, vì vậy kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng, chất lượng tín dụng là nhiệm vụ quan trọng của ngành NH các nước.
Đối với Việt Nam hiện nay, vấn đề trên càng phải được quan tâm hơn nữa. Bởi nền kinh tế nước ta có đặc thù là thị trường chứng khoán dù đã có những bước phát triển nhất định, nhưng chưa thực sự là kênh cung ứng vốn cho DN. Do vậy, áp lực vốn cho tăng trưởng kinh tế vẫn đè nặng lên vai hệ thống NH.

Gần đây, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 24/CT-TTg, ngày 2/6/2017 về việc thực hiện các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng các ngành, lĩnh vực kinh tế. Theo đó, để đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt mức 6,7% thì hệ thống NH cần đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng tín dụng ở mức trên 18%, thì nỗ lực của hệ thống NH càng đòi hỏi nhiều hơn nữa.

Thêm vào đó, ngành NH cũng được chỉ đạo cần tập trung vốn tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất kinh doanh hiệu quả; bên cạnh đó là nhiệm vụ thực hiện các chương trình tín dụng đặc thù của Chính phủ như lúa gạo, cà phê, thủy sản...; triển khai cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch...

Như vậy, có thể thấy nhiệm vụ đặt ra cho ngành NH là rất nặng nề. Để đạt được yêu cầu trên, việc đơn giản thủ tục vay vốn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp tiếp cận vốn vay là trách nhiệm của ngành NH. Song một thực tế cho thấy hệ thống NH đang trong quá trình tái cơ cấu, nợ xấu chưa được xử lý dứt điểm.

Ngành NH cũng đang đứng trước yêu cầu đặt ra của quá trình tái cơ cấu là đảm bảo tỷ lệ nợ xấu không quá 3% tổng dư nợ. Vì vậy, hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng để đầu tư vào bất cứ lĩnh vực, ngành nghề nào, loại hình doanh nghiệp nào, kể cả các chương trình tín dụng chính sách cũng phải đảm bảo khả năng thu hồi vốn.

Điều đó đồng nghĩa với việc bất cứ khoản vay nào cũng cần được thẩm định kỹ lưỡng, đảm bảo đầy đủ các điều kiện vay vốn theo quy định tại cơ chế tín dụng của ngân hàng Nhà nước và của các tổ chức tín dụng. Nếu không, vòng quay nợ xấu sẽ tái lập, ngành NH khó có thể tạo bứt phá trong phát triển để tiếp tục trở thành bệ đỡ cho nền kinh tế và hội nhập quốc tế thành công. Tuy nhiên trong thời gian qua, không ít những vụ việc xảy ra khiến các tổ chức tín dụng không thu hồi được nợ.

Vụ điển hình gần đây nhất đang được dư luận quan tâm, đó là việc vay đóng tàu theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP. Khi mà đơn vị đóng tàu đã xuất xưởng các con tàu không đảm bảo chất lượng, không tuân thủ đúng cam kết hợp đồng cho ngư dân tại tỉnh Bình Định, dẫn đến tình trạng tàu hỏng hóc nhiều không thể vận hành sau vài tháng sử dụng, làm thiệt hại lớn cho ngư dân. Điều nay dẫn tới khả năng thu hồi vốn vay đúng hạn của các NH cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Có thể nói, hoạt động ngành NH từ khi Đổi mới đến nay đã có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ vốn cho tăng trưởng kinh tế. Song những bài học thăng, trầm của nó đã chỉ ra rằng, thận trọng trong cho vay, quan tâm đến chất lượng tín dụng là vấn đề luôn cần được các NH quan tâm trong quá trình phát triển.