Triển khai thực hiện Luật Đấu thầu (sửa đổi):

Tạo sân chơi bình đẳng cho thị trường thuốc

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Thực hiện Luật Đấu thầu (sửa đổi) Bộ Y tế đã triển khai Thông tư liên tịch số 36/2013/TTLT-BYT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư liên tịch số 01/2012/TTLT-BYT-BTC hướng dẫn đấu thầu mua thuốc trong các cơ sở y tế. Bộ Y tế kỳ vọng, với những nội dung sửa đổi mới và việc triển khai thông tư kịp thời trong toàn ngành, những bất cập của việc đấu thầu thuốc sẽ được khắc phục triệt để.

Việt Nam đặt mục tiêu tăng tỷ lệ sử dụng thuốc trong nước hơn 70%. Nguồn: internet
Việt Nam đặt mục tiêu tăng tỷ lệ sử dụng thuốc trong nước hơn 70%. Nguồn: internet

Theo Cục Quản lý dược - Bộ Y tế, sau một năm đưa vào áp dụng, Thông tư 01 đã phần nào bảo đảm các nguyên tắc cạnh tranh, minh bạch và hiệu quả kinh tế của Luật Đấu thầu. Qua đánh giá thực hiện việc mua sắm thuốc năm 2013 của các bệnh viện, theo Cục trưởng Cục Quản lý dược Trương Quốc Cường, Thông tư 01 đã giúp tiết kiệm được khoản ngân sách lớn chi mua thuốc.

Theo kết quả đấu thầu thuốc năm 2013 đã giảm hàng trăm tỷ đồng. Cụ thể như, Sở Y tế Hà Tĩnh tiết kiệm được khoảng 32 tỷ đồng, khoảng 25% tổng chi mua thuốc phục vụ khám chữa bệnh; Sở Y tế Quảng Ngãi giảm khoảng 28 tỷ đồng, khoảng 25%; Sở Y tế Quảng Ninh giảm được 40 tỷ đồng, khoảng 20%.

Tuy nhiên, việc triển khai Thông tư 01 cũng bộc lộ bất cập như không điều chỉnh phân nhóm thuốc giúp các cơ sở y tế có thể lựa chọn được các thuốc tốt của các nước phát triển hay thuốc của các công ty sản xuất trong nước có công nghệ tiêu chuẩn tốt với giá thuốc hợp lý; gói thầu thuốc đông y, thuốc từ dược liệu không được phân nhóm riêng; cơ cấu chấm điểm chưa hợp lý, quy định hạn mức được mua trong năm, chưa bảo đảm việc cung ứng thuốc.

Để khắc phục những hạn chế trên, Thông tư mới đã tách riêng thuốc sản xuất đạt tiêu chuẩn EU-GMP hoặc PIC/s-GMP thuộc EU, Nhật, Mỹ với các thuốc sản xuất tại các cơ sở sản xuất đạt tiêu chuẩn EU-GMP hoặc PIC/s-GMP nhưng không thuộc nước có nền công nghiệp dược tiên tiến. Đây là quy định phân rõ đẳng cấp công nghệ để khẳng định thuốc có chất lượng tốt được đề cao.

Theo Thông tư mới, chia thuốc đấu thầu làm các gói thầu theo tên: thuốc đã hết bản quyền bảo hộ; thuốc biệt dược và thuốc đông y. Trong đó, thuốc đã hết bản quyền bảo hộ thường có số lượng chiếm ưu thế nên được phân chia khá rạch ròi thành các nhóm dựa trên tiêu chí kỹ thuật và tiêu chuẩn công nghệ.

Theo các chuyên gia, với những nội dung sửa đổi, thông tư mới đang tạo hành lang pháp lý, thiết lập trật tự thị trường thuốc, qua đó kích thích phát triển, phổ biến thuốc nội. Thông tư 36 đã thể hiện cơ hội cho thuốc sản xuất trong nước, vì ngoài việc dự thầu vào nhóm riêng có thể tham gia đấu thầu vào các nhóm thuốc nhập khẩu cùng đạt tiêu chuẩn; thuốc sản xuất trong nước được dự thầu vào tất cả các nhóm thuốc phù hợp với quy trình, tiêu chuẩn chất lượng sản xuất tương đương của các nước.

Trong xét giá thầu, Thông tư mới quy định mỗi thuốc chỉ được xét trúng thầu một mặt hàng thuốc đạt yêu cầu về kỹ thuật, chất lượng quy định trong hồ sơ mời thầu và có giá đánh giá thấp nhất trong nhóm thuốc đó. Như vậy, tiêu chuẩn về giá vẫn kế thừa phương thức chọn giá thấp nhất. Điều này sẽ tiếp tục tạo nên những cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các nhà sản xuất vì tiết giảm chi phí để giảm giá thành, nhất là chọn nguyên liệu giá rẻ.

Theo TS. Trương Quốc Cường, Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam đặt mục tiêu tăng tỷ lệ sử dụng thuốc trong nước hơn 70% trong những năm tới là một thách thức không nhỏ; Thông tư mới đang được triển khai là bước tiến mới về cơ chế, chính sách phù hợp kích cầu sản xuất và tiêu thụ thuốc nội.