Tập trung nguồn lực tái cơ cấu dài hạn nền kinh tế

Theo baotintuc.vn

(Tài chính) Kinh tế 2013 đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, cần có sự bổ sung nguồn lực cần thiết cho quá trình tái cơ cấu nền kinh tế để kinh tế đất nước thoát khỏi khó khăn.

Đó là nhận định của Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên với phóng viên nhân ngày hôm nay, (31/10) Quốc hội thảo luận tại Hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2013 và năm 2014.

Tập trung nguồn lực tái cơ cấu dài hạn nền kinh tế  - Ảnh 1
Ông Trần Đình Thiên
Phóng viên: Thưa ông, báo cáo Chính phủ với Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội năm 2013 cho biết, trong 15 chỉ tiêu được Quốc hội thông qua, Chính phủ thực hiện ước đạt và vượt kế hoạch 11 chỉ tiêu, 2 chỉ tiêu xấp xỉ đạt và có 2 chỉ tiêu không đạt. Ông có đánh giá gì về vấn đề này?

Ông Trần Đình Thiên: Trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay thì việc thực hiện đạt được những mục tiêu như trên là cố gắng rất lớn của Chính phủ và của cả nền kinh tế. Việc không đạt về chỉ tiêu về tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP và chỉ tiêu tăng bội chi ngân sách đã được báo trước và là hệ quả không thể tránh được. Trong đà suy giảm, đặc biệt khu vực doanh nghiệp (DN) yếu đi thì thu ngân sách chắc chắn là khó đạt được.

Tuy nhiên, quan trọng là qua đó, cần có nhận diện đúng sức lực của nền kinh tế hiện nay để đề ra cách tiếp cận về chính sách kinh tế giai đoạn tới đúng đắn hơn.

Ví dụ, chúng ta đạt mục tiêu tăng trưởng GDP, thậm chí vượt cả năm ngoái và kiềm chế lạm phát đạt yêu cầu là một nỗ lực rất lớn. Nhưng ở đây cần lưu ý, chỉ số tăng trưởng GDP là rất tích cực nhưng không thể qua đó mà thấy hết được sức lực của nền kinh tế. Mặt khác, cần làm rõ hơn cơ cấu vốn đầu tư, chất lượng vốn đầu tư.

Những mổ xẻ, đánh giá nghiêm khắc như vậy về việc đạt hay không đạt các chỉ tiêu kinh tế sẽ giúp chúng ta làm rõ sức mạnh thực sự của nền kinh tế hiện nay ra sao. Phân tích đó không phải để moi móc hay chỉ trích mà để có những giải pháp, ứng xử tích cực hơn.

Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhiều ý kiến cho rằng cần đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế. Ông có đồng tình với quan điểm này?

Việc tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế là một trong những giải pháp đáng lẽ phải làm rất cấp bách vì quyết định đến triển vọng dài hạn của nền kinh tế. Nếu không đẩy mạnh tái cơ cấu thì sẽ vẫn duy trì mô hình tăng trưởng bất hợp lý và không phù hợp và hậu quả là rất lớn. Những việc này đáng lẽ năm nay phải làm, thì chúng ta vẫn chưa dành nguồn lực cần thiết.

Khi theo đuổi các mục tiêu ngắn hạn cho thực hiện mục tiêu tăng trưởng thì vẫn cần triển khai những giải pháp dài hạn gắn với quá trình tái cơ cấu thì nền kinh tế mới chuyển biến được.

Theo tôi, năm nay có thể tập trung cho những mục tiêu kinh tế ngắn hạn nhưng sang năm thì chúng ta phải dốc sức mạnh hơn cho tái cơ cấu dài hạn. Nếu không dốc sức tái cơ cấu dài hạn và dành nguồn lực cần thiết từ bây giờ thì những cải thiện và cân đối lớn của nền kinh tế càng yếu đi.

Vậy, theo ông, trong năm 2014, Chính phủ cần có giải pháp gì để đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế?

Quan trọng nhất là Chính phủ cần huy động nguồn lực bổ sung cho tái cơ cấu. Có nhiều cách để huy động nguồn lực như: bán bớt tài sản nhà nước hoặc vay mượn của nhân dân và nước ngoài. Tuy nhiên, cùng với việc huy động nguồn lực bổ sung này phải có một chương trình tái cơ cấu hoặc đổi mới mô hình tăng trưởng đảm bảo tính tin cậy, thuyết phục về mặt hiệu quả.

Ví dụ, đối với vay nước ngoài, căn cứ là rủi ro càng cao thì lãi suất càng cao. Do đó, phải đưa một chương trình tái cơ cấu đủ sức thuyết phục thì chúng ta mới có thể đàm phán để giảm lãi vay.

Chính phủ cần xem xét trong tổng thể nền kinh tế có những nguồn lực nào có thể huy động tái cơ cấu chứ không phải "trong túi" Nhà nước có bao nhiêu thì mới làm. Ví dụ, về bán tài sản Nhà nước, có quan điểm là lời giữ lại còn lỗ thì bán nhanh và ngược lại.

Theo tôi, cái gì không thuộc chức năng của Nhà nước nữa thì nên bán. Nếu giữ một DN hoạt động yếu kém có khi chi phí còn lớn hơn và không hiệu quả bằng việc bán đi. Hơn nữa, Nhà nước còn có nghĩa vụ quốc gia chứ không phải chỉ quan tâm đến tài sản của mình. Quan điểm, bán cổ phần đang giá thấp thì làm tổn hao đến vốn Nhà nước, thậm chí vi phạm luật là quan điểm rất ít tính thị trường. Tôi thấy Chính phủ đã nhiều lần đưa ra những quan điểm tích cực trong vấn đề này.

Bên cạnh đó, để tái cơ cấu cần cân đối lại nguồn chi tiêu và phân bổ nguồn lực từ ngân sách Nhà nước. Chỉ có ngần đấy tiền để tái cơ cấu nhưng nếu cách phân bổ nguồn lực hợp lý thì sẽ tạo ra hiệu quả và động lực lớn hơn.

Theo tôi, cần ưu tiên cho chính quyền các cấp ở cơ sở để trả nợ cho DN. Điều này sẽ giúp giải tỏa nợ xấu, khai thông toàn bộ nguồn lực cho nền kinh tế. Phần vốn Nhà nước muốn dành cho đầu tư công có thể bớt đi để dành trả nợ cho DN. Cách khai thông như vậy sẽ tạo ra dòng vốn mạnh hơn và hiệu quả mạnh hơn. Cách tạo vốn như vậy là theo hướng tạo ra sức mạnh cho một tổng lượng vốn nhất định chứ không nhất thiết là tăng lượng vốn. Khi khai thông như vậy, dòng vốn luân chuẩn tốt hơn, động lực mạnh hơn.

Cách phân bổ nguồn lực hiện nay quá dàn trải. Chúng ta chịu hệ quả việc đầu tư dàn trải nhiều năm rồi, quá nhiều công trình dở dang. Trong phân bổ nguồn lực cần sắp xếp ưu tiên cái gì cần giải quyết ngay, cái gì chưa. Ví dụ chúng ta có tới 200 dự án tồn kho nhưng do nguồn lực có hạn chỉ nên ưu tiên giải quyết 50 dự án.

Tôi lưu ý là khó khăn hiện nay của nền kinh tế là hệ quả của nhiều năm và gốc rễ vấn đề vẫn chưa thể xử lý ngay được. Tuy nhiên, nếu chúng ta có tư duy về cách thức phân bổ nguồn lực như vậy thì tình thế khó khăn hiện nay vẫn có thể xoay chuyển được.