Thách thức phát triển ngân hàng số tại Việt Nam

Theo tapchithue.com.vn

Ngân hàng số phát triển đang làm thay đổi các phương thức cung cấp dịch vụ tài chính, tạo ra sự đa dạng các kênh cung ứng và giảm đi sự cách biệt về cơ hội tiếp cận của người dân. Nhưng với thị trường Việt Nam, ngân hàng số vẫn phải vượt qua nhiều rào cản lớn.

Các quốc gia thực hiện tài chính toàn diện được kỳ vọng đẩy nhanh tốc độ và động lực cải cách để tạo ra một môi trường chính sách phù hợp và khuyến khích sự cạnh tranh.
Các quốc gia thực hiện tài chính toàn diện được kỳ vọng đẩy nhanh tốc độ và động lực cải cách để tạo ra một môi trường chính sách phù hợp và khuyến khích sự cạnh tranh.
Trong một cuộc khảo sát của Ngân hàng Thế giới (WB) về những nhân tố cản trở kinh doanh hàng đầu tại Việt Nam, 21,8% doanh nghiệp (DN) cho biết rào cản lớn nhất là “tiếp cận tài chính”, so với mức trung bình của khu vực Đông Á – Thái Bình Dương là 11,5%. Một yếu tố khác làm giảm cơ hội tiếp cận tài chính là, theo số liệu năm 2016 cho thấy chỉ 39,8% số người trên 15 tuổi có tài khoản ngân hàng, là mức thấp trong khu vực.
Các chỉ số tiếp cận tài chính cơ bản khác, như số lượng chi nhánh ngân hàng thương mại và máy ATM tính bình quân trên 100.000 người trưởng thành của Việt Nam cũng ở mức thấp trong khu vực, với lần lượt 14,25% và 24,01%.
Mặc dù doanh số sử dụng thẻ tại Việt Nam đạt đến 1,87 triệu tỷ đồng năm 2015, nhưng TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng nhấn mạnh, tỷ lệ sử dụng thẻ tín dụng của Việt Nam còn quá thấp, chiếm chưa đến 1% là một nghịch lý lớn, với con số phát hành thẻ đạt được đến nay (hơn 111 triệu thẻ, gồm 99 triệu thẻ nội địa và 12 triệu thẻ quốc tế).
Mục tiêu dịch vụ tài chính nhắm đến hỗ trợ người dân có thể quản lý chi phí, tiếp cận vốn để tiêu dùng, mở rộng sản xuất kinh doanh (SXKD), giảm thiểu tín dụng đen, giảm các cú sốc về kinh tế. Như vậy, tài chính số sẽ là thách thức lớn để thay đổi hiện trạng nền tài chính và gia tăng độ tiếp cận của người dân theo hướng chuyên nghiệp.
Theo ông Lực, các tổ chức tài chính vi mô hiện hoạt động còn mang tính tự phát, hành lang pháp lý còn nhiều khoảng trống và quy mô hoạt động còn nhỏ (chỉ chiếm 3,25% tổng tài sản hệ thống tài chính), sản phẩm dịch vụ nghèo nàn với chất lượng thấp… Hệ thống tài chính không chính thức như vay mượn chưa được kiểm soát chặt chẽ.
“Hành vi của khách hàng thay đổi sẽ tạo ra sức ép cho các định chế tài chính cải cách và tái cấu trúc kinh doanh, nếu không sẽ bị các xu thế mới cạnh tranh tác động và loại trừ, như sự phát triển của các tổ chức phi ngân hàng (Fintech) và sự phát triển của các sản phẩm dịch vụ thay thế” - TS. Cấn Văn Lực nhận định.
Tương tự, theo bà Nguyễn Thị Hòa, Viện Chiến lược ngân hàng (NHNN), thống kê của WB cho thấy sự liên hệ chặt chẽ giữa tỷ lệ tiếp cận dịch vụ tài chính với GDP bình quân đầu người. Theo đó quốc gia có tỷ lệ tiếp cận dịch vụ tài chính lớn thì GDP đầu người tăng, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo cho xã hội và sự phát triển ổn định của hệ thống tài chính, đem lại sự phát triển bền vững cho nền kinh tế.
Các quốc gia thực hiện tài chính toàn diện được kỳ vọng đẩy nhanh tốc độ và động lực cải cách để tạo ra một môi trường chính sách phù hợp và khuyến khích sự cạnh tranh, cho phép các ngân hàng và tổ chức tài chính phi ngân hàng đổi mới và mở rộng cung cấp dịch vụ. Tuy nhiên, cùng với việc tạo ra không gian sáng tạo và cạnh tranh, phải kèm theo các biện pháp bảo vệ người tiêu dùng thích hợp và có các quy định để đảm bảo trách nhiệm của nhà cung cấp dịch vụ tài chính.
Trong một thập kỷ vừa qua, thế giới đã chứng kiến sự bùng nổ của công nghệ, trong đó lĩnh vực tài chính đi đầu trong ứng dụng và cung cấp dịch vụ. Tài chính toàn diện trên nền tảng công nghệ số (digital financial inclusion) đã đem lại các lợi ích rõ rệt về gia tăng tiếp cận các kênh điện tử để bổ sung các dịch vụ phù hợp với khách hàng trên nền công nghệ số. Song song đó, là cơ hội giảm chi phí cho cả nhà cung cấp lẫn người sử dụng; đồng thời cũng giảm rủi ro trong các giao dịch tiền mặt.
Vấn đề cần giải quyết hiện nay theo bà Hòa là: đa dạng kênh dịch vụ nhưng chú trọng vào các kênh số hóa có hiệu quả cao, song song với nâng cao sự hiểu biết về các kỹ năng tài chính của người dân để họ tiếp cận dịch vụ dễ dàng. Khuôn khổ pháp lý cũng phải bảo vệ được người tiêu dùng và nâng cao khả năng giám sát quản lý đối với các tổ chức tư vấn, cung cấp dịch vụ, đảm bảo các bên vận hành hiệu quả và nâng cao tính cạnh tranh.