Thị trường bảo hiểm Việt Nam năm 2016: Kỳ vọng từ hội nhập

Nghi Kiều

Với việc trở thành thành viên của Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), năm 2016, nền kinh tế Việt Nam dự báo sẽ có bước tăng trưởng đột phá, kéo theo nhu cầu về bảo hiểm tăng cao, thúc đẩy hoạt động kinh doanh bảo hiểm phát triển thuận lợi hơn.

Thông qua TPP và AEC, Việt Nam sẽ có cơ hội mở cửa thị trường bảo hiểm, kêu gọi đầu tư từ các doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài, đa dạng hóa sản phẩm. Nguồn: baoviet.com.vn
Thông qua TPP và AEC, Việt Nam sẽ có cơ hội mở cửa thị trường bảo hiểm, kêu gọi đầu tư từ các doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài, đa dạng hóa sản phẩm. Nguồn: baoviet.com.vn

Kỳ vọng phát triển mạnh mẽ!

TPP và AEC đang tạo nên hiệu ứng về triển vọng tốt đẹp cho thị trường bảo hiểm Việt Nam trong thời gian tới. Những dự báo lạc quan ban đầu cho thấy, năm 2016, thị trường bảo hiểm đạt mức tăng trưởng trên 25% trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ và trên 18% trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ.

Ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho rằng, các luồng vốn đầu tư quốc tế vào thị trường Việt Nam được dự báo sẽ tăng mạnh để hưởng các chính sách thuế ưu đãi từ Hiệp định TPP và các hiệp định thương mại tự do song phương khác. Hoạt động đầu tư nước ngoài càng tăng lên sẽ kéo theo nhu cầu về bảo hiểm tăng theo.

Thông qua TPP và AEC, Việt Nam sẽ có cơ hội mở cửa thị trường bảo hiểm, kêu gọi đầu tư từ các doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài, đa dạng hóa sản phẩm, qua đó giúp thị trường mang tính cạnh tranh hơn, hướng tới cung cấp dịch vụ chất lượng cao hơn cho khách hàng.

Trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ, cơ hội sẽ mở ra với hầu hết các nghiệp vụ bảo hiểm, trong đó đáng chú ý, bảo hiểm tài sản có cơ hội gia tăng nhanh chóng khi làn sóng đầu tư FDI từ 11 nước thành viên vào Việt Nam và các quốc gia ngoài TPP vào Việt Nam tăng tốc.

Đối với lĩnh vực nhân thọ, các doanh nghiệp bảo hiểm cung cấp các sản phẩm nhân thọ, sản phẩm bảo hiểm chăm sóc sức khỏe, bảo hiểm hưu trí cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam... cũng sẽ cơ hội gặt hái được những kết quả tốt.

Các luồng vốn đầu tư quốc tế đổ bộ vào thị trường Việt Nam trên nhiều lĩnh vực như chứng khoán, bất động sản cũng sẽ làm gia tăng khả năng đầu tư tài chính của các doanh nghiệp bảo hiểm từ quỹ chủ hợp đồng, hứa hẹn mức lãi suất hấp dẫn giúp phát triển bảo hiểm liên kết chung, bảo hiểm liên kết đơn vị... Đặc biệt, nhu cầu bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm cho người cao tuổi sẽ tăng do Việt Nam hiện đang được dự báo có tốc độ già hóa dân số khá nhanh.

Đảm bảo thị trường phát triển bền vững

2016 là năm bản lề cho giai đoạn trung hạn tiếp theo thực hiện Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm giai đoạn 2016-2020. Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, khuôn khổ pháp luật kinh doanh bảo hiểm; Tập trung xây dựng Nghị định thay thế các Nghị định về kinh doanh bảo hiểm.

Bên cạnh đó, sẽ xây dựng, đề xuất các chính sách thúc đẩy doanh nghiệp bảo hiểm triển khai sản phẩm bảo hiểm có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện chính sách an sinh xã hội như bảo hiểm tài sản công, bảo hiểm thiên tai, bảo hiểm nợ Chính phủ...

Đặc biệt, Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm cũng sẽ tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp bảo hiểm phát triển, đa dạng hóa sản phẩm và kênh phân phối, thúc đẩy thị trường duy trì mức độ tăng trưởng tích cực, ổn định; tăng cường hiệu quả quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật của doanh nghiệp bảo hiểm; nâng cao tính an toàn của hệ thống, hiệu quả hoạt động, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp bảo hiểm …

Tại lễ kỷ niệm Ngày truyền thống Thị trường Bảo hiểm Việt Nam 2015 tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà yêu cầu cần tiếp tục tái cơ cấu lại các doanh nghiệp bảo hiểm theo hướng nâng cao năng lực tài chính và phát triển thêm các sản phẩm nghiệp vụ, cải thiện cách thức quản trị điều hành để đến năm 2016 kết thúc quá trình tái cơ cấu các doanh nghiệp bảo hiểm.

Thứ trưởng Trần Xuân Hà cũng yêu cầu cơ quan quản lý bảo hiểm cần tăng cường thanh kiểm tra, giám sát xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, có giải pháp để thị trường cạnh tranh lành mạnh và phòng ngừa tình trạng trục lợi trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đảm bảo thị trường phát triển nhanh, bền vững và an toàn.

Về phía các doanh nghiệp bảo hiểm, trong thời gian tới, khả năng sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài xin cấp phép hoạt động tại thị trường Việt Nam. Do vậy, các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước sẽ phải tiếp tục đổi mới về sản phẩm cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh để sẵn sàng thích nghi với thực tế khắc nghiệt.

Cụ thể, ông Phùng Đắc Lộc cho rằng, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ cần phát triển, đổi mới sản phẩm phù hợp với yêu cầu của nền kinh tế - xã hội như bảo hiểm công trình quy mô lớn, phức tạp; bảo hiểm công nghệ cao, bảo hiểm tín dụng xuất khẩu, bảo hiểm trách nhiệm hàng hóa xuất khẩu, bảo hiểm ô nhiễm môi trường… Tiếp tục mở rộng dịch vụ khách hàng, quản lý rủi ro và phân tán rủi ro để nâng cao hiệu quả kinh doanh để cạnh tranh không chỉ với các doanh nghiệp hoạt động tại thị trường trong nước mà cả các với doanh nghiệp phi nhân thọ tại nước ngoài được cung cấp sản phẩm qua biên giới.

Trong khi đó, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cần phải tạo ra những sản phẩm hấp dẫn, để có thể cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại của các nhà bảo hiểm khác trong và ngoài nước. Cần nâng cao năng lực cạnh tranh, từ khâu phân phối sản phẩm, quản lý hợp đồng, quản trị rủi ro, đầu tư tài chính…

Với những giải pháp hỗ trợ thị trường của cơ quan quản lý và nỗ lực vượt khó, tìm kiếm cơ hội của chính doanh nghiệp bảo hiểm, thị trường bảo hiểm năm 2016 kỳ vọng sẽ phát triển mạnh mẽ, góp phần đảm bảo thị trường bảo hiểm phát triển ngày càng vững chắc, giá trị tài sản của doanh nghiệp bảo hiểm tăng lên, doanh thu tăng cao, đầu tư trở lại nền kinh tế lớn, ngày càng khẳng định vị thế và vai trò của bảo hiểm trong nền kinh tế.

Trong 11 quốc gia cùng Việt Nam tham gia TPP lần này, hiện đã có 4 quốc gia từng hiện diện thương mại tại thị trường bảo hiểm Việt Nam thông qua việc thành lập doanh nghiệp bảo hiểm. Đó là Australia (lập Công ty bảo hiểm UIC), Canada (PVI Sun Life), Nhật (Dai-ichi). Riêng Mỹ đã có 6 doanh nghiệp bảo hiểm có mặt trên thị trường bảo hiểm Việt Nam, là AIA, AIG, ACE non life, ACE life, MetLife, Liberty. Các doanh nghiệp này đều đang hoạt động tốt, tăng trưởng ổn định, tuân thủ pháp luật Việt Nam.