Thị trường trái phiếu Chính phủ năm 2012 và một số định hướng triển khai nhiệm vụ 2013

Trần Minh Hằng

(Tài chính) Đất nước bước vào năm 2012 với rất nhiều khó khăn, thách thức trong khi kinh tế thế giới chưa hồi phục. Nguy cơ rủi ro và bất ổn trên thị trường tài chính toàn cầu gia tăng, thất nghiệp chậm cải thiện, sản xuất công nghiệp toàn cầu suy giảm, kinh tế các nước thuộc nhóm khủng hoảng nợ châu Âu tiếp tục khó khăn, nhịp độ tăng trưởng kinh tế tại các nước mới nổi cũng chậm lại do các vấn đề trong nước và tình trạng mất cân đối tài chính...

Ảnh minh họa. Nguồn:Internet
Ảnh minh họa. Nguồn:Internet

Những thành công ấn tượng

Trước bối cảnh đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 3/1/2012 và Nghị quyết 13/NQ-CP ngày 10/5/2012 đảm bảo chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ trong năm 2012 cùng song hành trong mục tiêu ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và ổn định thị trường tiền tệ; đồng thời Chính phủ cũng triển khai thực hiện việc tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, trong đó bao gồm cả tái cơ cấu thị trường tài chính và hệ thống ngân hàng.

Nhìn lại năm 2012, kinh tế vĩ mô đã có những tiến bộ trên một số tiêu chí quan trọng như; Lạm phát được kiềm chế ở mức 1 con số; tỷ giá ổn định, niềm tin vào đồng Việt Nam được củng cố, dự trữ ngoại hối tăng…Áp lực tăng lãi suất trong năm 2011 đã được chuyển hướng bằng xu thế giảm lãi suất, đặc biệt là trong 6 tháng đầu năm 2012, trần lãi suất huy động VNĐ sau 3 lần điều chỉnh đã giảm từ mức 14%/năm xuống còn 9%/năm, lãi suất huy động tiết kiệm của hệ thống ngân hàng thương mại trung hình ở mức 11,21%/năm. Lãi suất cho vay đã giảm mạnh từ mức phổ biến trên 18%/năm xuống 12%-14%/năm đối với lĩnh vực cho vay nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu và công nghiệp hỗ trợ, ở mức 14% - 16,0%/năm đối với lĩnh vực sản xuất khác. Đây là những yếu tố tiền đề tích cực có ảnh hưởng không nhỏ tới thị trường trái phiếu nói chung và trái phiếu Chính phủ nói riêng.

Cùng với những thuận lợi từ bối cảnh kinh tế vĩ mô, năm 2012 Bộ Tài chính đã ban hành đầy đủ, đồng bộ các Thông tư hướng dẫn công tác phát hành thị trường trái phiếu (TPCP) theo tinh thần Nghị định số 01/2011/NĐ-CP ngày 05/01/2011 của Chính phủ về phát hành trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương, trong đó có nhiều nội dung mới như: quy trình tổ chức thực hiện đấu thầu, bảo lãnh phát hành TPCP được quy định rõ ràng, lịch biểu tổ chức đấu thầu được ấn định cụ thể, cho phép tín phiếu ngắn hạn  giao dịch trên thị trường thứ cấp tại sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, bước đầu hình thành các tổ chức đại lý cấp 1 …Từ đó giúp cho thị trường TPCP được chuẩn hóa, công khai, minh bạch, thanh khoản hơn và tiến dần đến những thông lệ tốt trên thế giới. TPCP cũng nhờ vậy ngày càng thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trên thị trường.

Kết quả năm 2012 KBNN đã huy động được hơn 141.000 tỷ đồng, bằng 101% kế hoạch được giao và là năm có kết quả huy động vốn đạt cao nhất kể từ khi triển khai nghiệp vụ phát hành TPCP. Trong bối cảnh thu ngân sách nhà nước gặp khó khăn nguồn vốn huy động từ trái phiếu đã góp phần quan trọng đáp ứng nhu cầu chi của ngân sách nhà nước. Cùng với việc tổ chức công tác huy dộng vốn, KBNN đã đạt được những thành công ban đầu trong quá trình tái cơ cấu danh mục trái phiếu chính phủ bằng việc tổ chức hoán đổi thành công 4 đợt trái phiếu nhằm giảm được 7 mã trái phiếu có quy mô nhỏ lẻ, tăng quy mô niêm yết của 4 mã trái phiếu và tính thanh khoản cho các mã này. Nghiệp vụ này đã được các chuyên gia về thị trường trái phiếu và các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài đánh giá rất cao về chủ trương, định hướng phát triển thị trường trái phiếu Việt Nam. Để đạt được kết quả trên, bên cạnh những yếu tố thuận lợi, để vượt qua những thời điểm khó khăn của thị trường dưới áp lực của làn sóng lãi suất và khả năng thanh khoản, trong năm 2012 Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm duy trì ổn định thị trường TPCP giữ vững niềm tin cho các nhà đầu tư và tăng cường khả năng huy động vốn cho ngân sách nhà nước và cho đầu tư phát triển, cụ thể:

Một là, trên cơ sở kế hoạch nhiệm vụ huy động vốn cả năm và hàng quý được Bộ thông báo, theo quy định mới tại Thông tư 17/2012/TT-BTC ngày 8/2/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn phát hành trái phiếu Chính phủ tại thị trường trong nước, KBNN đã xây dựng lịch biểu phát hành chi tiết hàng tháng, quý nêu rõ khối lượng phát hành theo từng phương thức, từng loại kỳ hạn, công bố trước ngày tổ chức phát hành trái phiếu trong năm nhằm tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư chủ động bố trí vốn tham gia thị trường.

Hai là, tập trung phát hành trái phiếu theo phương thức lô lớn, phát hành bổ sung nhằm tạo ra những mã trái phiếu với quy mô đủ lớn từ 4000 - 6.000 tỷ đồng. Với phương thức này, cùng với việc hoán đổi TPCP đã làm giám đáng kể số mã trái phiếu trên thị trường thứ cấp mặc dù khối lượng phát hành mới năm 2012 khá lớn. Tại thời điểm hiện nay, trên thị trường còn hơn 100 mã trái phiếu, giảm khoảng 20 mã so với thời điểm đầu năm. Quy mô niêm yết bình quân tăng từ 1.400 tỷ đồng/mã thời điểm đầu năm lên khoảng 2.000 tỷ đồng/mã tại thời điểm 30/11/2012.

Ba là, trong phạm vi khung lãi suất Bộ Tài chính quy định, KBNN chủ động điều hành, xác định mức lãi suất trúng thầu TPCP, vừa đảm bảo khả năng huy động vốn cho NSNN với chi phí hợp lý, các nhà đầu tư có thể chấp nhận được, đảm bảo phù hợp với định hướng điều hành chính sách tiền tệ trong năm 2012. Tại những thời điểm cụ thể, lãi suất TPCP luôn thấp hơn lãi suất huy động vốn của hệ thống ngân hàng. So với thời điểm đầu năm, lãi suất TPCP cuối năm đã giảm khoảng 3%/năm đối với các loại kỳ hạn.

Bốn là, chủ động phối hợp với Vụ Tài chính Ngân hàng, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước, Sở GDCK Hà Nội, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam triển khai đưa tín phiếu kho bạc vào đăng ký, lưu ký tại TTLKCK và niêm yết giao dịch tại Sở GDCK Hà Nội theo đúng quy định tại thông tư Liên tịch số 106/2012/TTLT-BTC-NHNN ngày 28/6/2012 của Bộ trưởng Bộ Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn phát hành tín phiếu kho bạc qua Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Việc tín phiếu được đưa vào giao dịch trên thị trường thứ cấp đã nâng cao tính thanh khoản cho tín phiếu tăng tính hấp dẫn của tín phiếu đối với các nhà đầu tư và góp phần nâng cao hiệu quả của kênh huy động vốn này.

Năm là, ký thỏa thuận hợp tác giữa KBNN với Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước, sở GDCK Hà Nội và Trung tâm LKCK Việt Nam trong quá trình tổ chức phát hành, đăng ký lưu ký, niêm yết và thanh toán TPCP nhằm chuẩn hóa thời gian thực hiện các thủ tục, đảm bảo quy trình này được thông suốt góp phần nâng cao tính thanh khoản cho trái phiếu, giảm thời gian từ khi đấu thầu đến khi giao dịch từ T+6 xuống còn T+4 đối với trái phiếu, T+3 đối với tín phiếu.

Sáu là, theo dõi sát sao diễn biến tình hình thị trường tài chính - tiền tệ; tình hình giao dịch trái phiếu trên thị trường thứ cấp, tăng cường phối hợp trao đổi thông tin với Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam và các nhà đầu tư để xác định thời điểm phát hành, kỳ hạn trái phiếu phát hành, thời điểm hoán đổi trái phiếu phù hợp nhằm đạt hiệu quả tối đa trong các phiên phát hành và hoán đổi trái phiếu.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì công tác phát hành TPCP trong năm 2012 vẫn còn những tồn tại, hạn chế như (i) lịch biểu phát hành bị điều chỉnh nhiều so với lịch biểu công bố ra thị trường, (ii) trái phiếu phát hành chỉ tập trung chủ yếu vào các kỳ hạn ngắn và trung bình, phiếu có kỳ hạn 10 năm phát hành khối lượng thấp (chỉ chiếm 3,6% doanh số phát hành), chưa có sản phẩm kỳ hạn trên 10 năm,...(iii) kênh bảo lãnh phát hành trái phiếu trong năm 2012 chưa phát huy được hiệu quả, tổ chức thực hiện 2 phiên nhưng kết quả không thành công,(iv) Việc hoán đổi trái phiếu chưa được triển khai triệt để, một số mã hoán đổi chưa thành công, số mã trái phiếu thực giảm còn ít.

Những giải pháp trong năm 2013

Nền kinh tế thế giới nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng trong năm 2013 được dự báo sẽ vẫn còn khó khăn, thị trường tài chính - tiền tệ chưa ổn định, vì vậy nhiệm vụ huy động vốn năm 2013 sẽ đứng trước nhiều khó khăn, thử thách. Trước tình hình đó, KBNN đề ra các phương hướng và giải pháp để thực hiện nhiệm vụ huy động vốn năm 2013 như sau:

Một là, công bố ra thị trường kế hoạch phát hành trái phiếu năm 2013 theo kỳ hạn và phương thức phát hành ngay từ đầu năm. Tiếp tục công bố lịch biểu phát hành chi tiết (theo ngày phát hành) cho cả năm 2013.

Hai là, duy trì đều đặn các đợt phát hành TPCP theo lịch biểu công bố. Tập trung phát hành trái phiếu theo hình thức đấu thầu để tăng tính minh bạch, hiệu quả của việc phát hành TPCP; chỉ áp dụng phương thức bảo lãnh đối với việc phát hành trái phiếu dài hạn và các sản phẩm mới.

Ba là, tiếp tục phương thức phát hành “lô lớn” và phát hành bổ sung; đảm bảo quy mô 01 mã trái phiếu khoảng 4.000 - 5.000 tỷ đồng; tín phiếu khoảng 1.000 - 2.000 tỷ đồng.

Bốn là, thí điểm phát hành TPCP kỳ hạn 15 năm để đáp ứng nhu cầu đầu tư của các quỹ bảo hiểm, đặc biệt là bảo hiểm nhân thọ.

Năm là, nghiên cứu, phát hành thí điểm một số sẩn phẩm mới như: Cho phép giao dịch TPCP trước khi phát bành; trái phiếu zero coupon...

Sáu là, tiếp tục thực hiện hoán đổi TPCP đối với các mã trái phiếu có kỳ hạn còn lại từ 2 năm trở lên. quy mô niêm yết nhỏ hơn 2.000 tỷ đồng nhằm giảm số mã trái phiếu đang niêm yết có quy mô nhỏ lẻ. Sau khi phương án hoán đổi tổng thể năm 2013 được phê duyệt, KBNN sẽ công bố ra thị trường để các nhà đầu tư chủ động tham gia.

Để thực hiện nhiệm vụ huy động vốn năm 2013, KBNN đề xuất các giải pháp sau:

Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan trong việc tổ chức nhiệm vụ huy động vốn như Vụ Tài chính ngân hàng, Vụ NSNN, sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước, sở GDCK Hà Nội, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam để từ đó có những biện pháp điều hành thị trường kịp thời nhằm duy trì sự ổn định của thị trường TPCP.

Tăng cường phối hợp với Hiệp hội thị trường Trái phiếu Việt Nam với nhiều hình thức: KBNN cung cấp kế hoạch lịch biểu phát hành, thông tin về các đợt phát hành, hoán đổi TPCP qua trang web của Hiệp hội; tổ chức trao đổi về tình hình thị trường, nhu cầu của các nhà đầu tư; phối hợp đào tạo cán bộ.

Phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị thành viên thị trường trái phiếu Chính phủ định kỳ,...để nắm bắt thường xuyên thông tin từ các nhà đầu tư, phục vụ công tác điều hành thị trường trái phiếu Chính phủ sát với thị trường.

Rút kinh nghiệm từ thực tế triển khai thực hiện, đề xuất với Bộ Tài chính nghiên cứu hoàn thiện một số cơ chế liên quan đến công tác phát hành TPCP như: cơ chế bảo lãnh; phát hành bổ sung đối với tín phiếu Kho bạc; cơ chế phát hành một số sản phẩm mới,....

Nghiên cứu, nâng cấp trang web trái phiếu Chính phủ để đáp ứng được nhu cầu khai thác thông tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tăng tính công khai, minh bạch của thị trường TPCP.