Thiếu logistics, tỉnh lẻ khó hút đầu tư

Theo Thế Vinh/thoibaokinhdoanh.vn

Đồng Tháp thuộc top địa phương có chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) hàng đầu cả nước nhưng cũng phải thừa nhận là khó thu hút được các nhà đầu tư, nhất là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) khi mà logistics còn hạn chế. Nếu nghĩ rộng ra, các tỉnh lẻ khác nếu thiếu điều kiện cần thiết này thì việc hút vốn ngoại sẽ như thế nào.

Theo giới chuyên gia, việc cơ sở hạ tầng kỹ thuật chưa phát triển đồng bộ, đặc biệt như logistics được coi là cản trở lớn nhất để các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long thu hút FDI. Nguồn: Internet
Theo giới chuyên gia, việc cơ sở hạ tầng kỹ thuật chưa phát triển đồng bộ, đặc biệt như logistics được coi là cản trở lớn nhất để các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long thu hút FDI. Nguồn: Internet

Theo thông tin mới nhất từ Cục Đầu tư nước ngoài, tính chung 11 tháng năm 2017, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài là 33,09 tỷ USD, tăng 53,4% so với cùng kỳ năm 2016.

Những cản trở lớn

Các NĐT nước ngoài đã có mặt ở tất cả 63 tỉnh, thành trong cả nước. Nhưng nếu nhìn lại sẽ thấy các tỉnh, thành thu hút được vốn ngoại quanh quẩn vẫn là những cái tên quen thuộc như TP. Hồ Chí Minh (địa phương dẫn đầu trong thu hút FDI với 43,68 tỷ USD, chiếm 13,8% tổng vốn đầu tư). 

Tiếp theo là Bình Dương với 29,56 tỷ USD (chiếm 9,3% tổng vốn đầu tư), Hà Nội với 27,2 tỷ USD (chiếm 8,6% tổng vốn đầu tư), Đồng Nai với 27 tỷ USD (chiếm 8,5% tổng vốn đầu tư). Sau đó là các địa phương như Bà Rịa – Vũng Tàu, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Đà Nẵng…

Cần phải nhìn vào một thực tế là các địa phương có vị trí giao thông thuận lợi, phát triển được logistics thì dễ thu hút vốn FDI. Trong khi đó, có nhiều địa phương, đơn cử như các tỉnh tại Đồng bằng sông Cửu Long, do cơ sở hạ tầng hạn chế, không có lĩnh vực thế mạnh, thiếu nguồn nhân lực thì đành chịu cảnh hững hờ của FDI.

Trong buổi họp báo mới đây tại TP. Hồ Chí Minh để giới thiệu về Hội nghị Xúc tiến đầu tư Đồng Tháp 2017 (diễn ra các ngày 18, 19/12), chính lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp cũng băn khoăn về những thách thức trên, dù cho tỉnh này nhiều năm liền nằm trong top địa phương dẫn đầu có chỉ số PCI cao nhất cả nước.

Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp thừa nhận, cơ sở hạ tầng giao thông của tỉnh còn hạn chế nên việc hút được các doanh nghiệp không như kỳ vọng. Thêm nữa, là một tỉnh nông nghiệp, trong khi đầu tư vào nông nghiệp thì gặp rủi ro cao hơn những lĩnh vực khác nên cũng khó. 

Theo giới chuyên gia, việc cơ sở hạ tầng kỹ thuật chưa phát triển đồng bộ, đặc biệt như logistics được coi là cản trở lớn nhất để các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long thu hút FDI. Thực tế là hạ tầng giao thông ở Đồng bằng sông Cửu Long dù có cải thiện nhưng vẫn còn khá chậm và thiếu đồng bộ.

Cần sự đột phá

Ông Lê Thành, Viện trưởng Viện Kinh tế Nông nghiệp Hữu cơ nhấn mạnh: “Chúng ta muốn rau củ quả Việt, sản phẩm nông sản Việt ra thị trường thế giới nhưng lại có rào cản lớn là logistics. Vì vậy, đơn cử như Đồng Tháp, nếu muốn thu hút đầu tư thì phải trở thành địa phương chế biến sâu về nông sản và trở thành điểm logistics, kết nối các địa phương khác ở Đồng bằng sông Cửu Long”.

Lưu ý thêm vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp – nông thôn (Ban Kinh tế TW), cho rằng việc thu hút đầu tư vào nông nghiệp trong thời điểm này là khá chín muồi đối với nhiều tỉnh mà lĩnh vực nông nghiệp được cho là thế mạnh. Thực chất là có khá nhiều doanh nghiệp đã làm giàu nhờ đầu tư vào nông nghiệp.

Câu hỏi trăn trở suốt thời gian qua là đầu tư vào nông nghiệp tại các địa phương nên bắt đầu từ đâu. Theo ông Tiến: Chúng ta có đầy đủ cơ hội và tiềm năng để phát triển kinh tế tư nhân, coi đó là động lực, các nghị quyết về đầu tư phát triển nông nghiệp nông thôn cũng chỉ rõ những lợi thế trong phát triển kinh tế hiện nay. 

Tuy nhiên, khó khăn, rào cản lớn đó là cơ sở hạ tầng giao thông và dịch vụ logistics. Hãy nhìn vào Hà Lan, họ có một nền nông nghiệp xuất khẩu lớn gấp nhiều lần Việt Nam nhờ vào khả năng phát triển logistics rất tốt. 

Ngoài ra, ở các tỉnh nông nghiệp cũng cần lưu ý thêm là đầu tư vào chế biến và thương mại vẫn còn hạn chế. Điều này đòi hỏi các địa phương phải hút được các doanh nghiệp lớn. 

Giới chuyên gia cho rằng nông nghiệp là thế mạnh của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long nhưng họ chưa tận dụng được các thế mạnh để hút vốn FDI. Do đó, đóng góp sản phẩm nông nghiệp ra thế giới chỉ khoảng 2% là rất khiêm tốn so với tiềm năng. Nếu các tỉnh nông nghiệp muốn hút được vốn ngoại thì cũng đòi hỏi cần có những chính sách mang tính đột phá, ưu đãi thì các NĐT mới quan tâm. 

Trên thực tế, PCI cũng chỉ là một yếu tố chứ không thể quyết định tất cả trong việc thu hút các NĐT. Thực chất, để thu hút đầu tư còn những yếu tố quan trọng là lợi thế về vị trí địa lý và kết cấu hạ tầng tốt, nhất là hạ tầng giao thông, khả năng kết nối các thị trường…

Ông Richard Couvey, Chủ tịch Tập đoàn Vision Transportation Group (VTG, thuộc Canada), chỉ rõ: Các cơ sở hạ tầng, dịch vụ logistics ở các địa phương có phát triển thì mới có thể thu hút các NĐT nhằm tối đa hóa các dịch vụ của nông nghiệp. Bởi lẽ, việc cải thiện logistics sẽ là cơ hội tốt để cung cấp các sản phẩm nông nghiệp với chi phí cạnh tranh hơn trên thị trường. Do đó, phía VTG tin tưởng công việc thu hút đầu tư mà một số tỉnh nông nghiệp đang nỗ lực làm sẽ có hướng đi đúng.

“Tuy nhiên, công việc này không hề đơn giản, vấn đề tối đa hóa cơ sở hạ tầng và logistics là lĩnh vực đòi hỏi rất nhiều sự đầu tư, quan tâm, cũng như những chiến lược cần thiết từ phía lãnh đạo địa phương”, ông Richard Couvey chia sẻ.