Thoái vốn dưới mệnh giá: Phải công khai, minh bạch thông tin

Theo baohaiquan.vn

(Tài chính) Ðịnh hướng cho thoái vốn dưới mệnh giá nhằm đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước đã được Chính phủ đưa ra. Phóng viên có cuộc trao đổi với thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, TS. Cao Sỹ Kiêm về quan điểm của ông xung quanh việc thực hiện chủ trương này.

Thoái vốn dưới mệnh giá: Phải công khai, minh bạch thông tin - Ảnh 1
TS. Cao Sỹ Kiêm
TS. Cao Sỹ Kiêm cho biết: Vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã có thông điệp mạnh mẽ là tiến trình cổ phần hóa 432 doanh nghiệp Nhà nước phải được thực hiện triệt để trong hai năm 2014- 2015. Để thực hiện chủ trương này, Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết về thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước, định hướng cho thoái vốn dưới mệnh giá sau khi đã bù trừ dự phòng tổn thất khoản đầu tư tài chính theo quy định.

Định hướng này sẽ giúp giải quyết những vướng mắc của quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước bởi trước đây nếu bán tài sản theo giá hình thành thì không ai mua, còn nếu không thì người bán lại sợ thất thoát vốn Nhà nước và sợ cấp trên quy trách nhiệm. Do đó, để thực hiện chủ trương cho thoái vốn dưới mệnh giá mà để người bán yên tâm thực hiện thì cần có Hội đồng định giá cũng vừa nhằm tránh bán giá quá thấp.

Phóng viên: Theo ông, Hội đồng này cần những thành viên như thế nào để vừa đảm bảo hiệu quả công việc lại vừa đáp ứng yêu cầu về cải cách thủ tục hành chính?

TS. Cao Sỹ Kiêm: Hội đồng định giá gồm thành viên từ ngành Tài chính, Ngân hàng, cơ quan Tư pháp gồm Viện kiểm sát, Tòa án, cơ quan hoạch định chính sách như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương và cơ quan chủ quản của doanh nghiệp có tài sản cần định giá.

Phải có đại diện của ngành Tài chính, Ngân hàng bởi những đơn vị này nhiệm vụ và trách nhiệm liên quan, đại diện của cơ quan tư pháp là có nghiệp vụ về kiểm tra, kiểm soát, cơ quan hoạch định chính sách, cơ quan chủ quản là những đơn vị nắm được kế hoạch, con số, lộ trình, định mức… của ngành, lĩnh vực đó. Việc có đầy đủ các thành viên này sẽ mang lại tính chính xác của việc định giá, hơn nữa trách nhiệm của người đứng đầu chủ tài sản, cơ quan chủ quản cũng được hạn chế hơn bởi việc định giá đã có hội đồng thực hiện một cách khách quan và minh bạch.

Vậy việc định giá cần được dựa theo các tiêu chí nào và có cần phân chia tài sản thành từng nhóm để thuận tiện hơn cho việc định giá?

Phải có tiêu chí để chia tài sản cần định giá thành nhóm. Các tiêu chí này phải căn cứ vào thực trạng tài sản còn, mất bao nhiêu, đang ở tình trạng nào để quá trình thực hiện công bằng hơn.

Sau khi định giá, việc thoái vốn cần được thực hiện ra sao, thưa ông?

Công tác này phải được tiến hành công khai, minh bạch, rõ ràng. Ví dụ như nếu nhà đầu tư muốn mua tài sản nhưng tài sản này đã cũ và cần được sửa chữa thì quá trình định giá cần công khai sao cho nhà đầu tư có thể tiếp cận được thông tin về tài sản mà mình dự định mua từ đó chủ động trong việc sửa chữa. Việc công khai, minh bạch thông tin cũng là để quá trình mua bán diễn ra nhanh hơn, hỗ trợ cho tiến độ của quá trình tái cấu trúc.

Ngoài ra, trong cả quá trình định giá rồi tổ chức bán tài sản cũng cần có quy trình và chế tài giám sát chặt chẽ. Điều này sẽ làm cho hiệu quả và tiến độ của việc thoái vốn được đẩy nhanh và đảm bảo chất lượng.

Với những cơ chế hoạt động như vậy, liệu có cần phải thành lập một cơ quan giống như VAMC của ngành Ngân hàng để thực hiện chức năng thẩm định giá những tài sản này của Nhà nước không?

Công việc này không cần một định chế ổn định như VAMC. Công việc này đơn giản hơn, khi muốn định giá, bán một tài sản nào đấy thì chỉ cần nhóm họp Hội đồng định giá cho ý kiến và kết luận, không cần đến việc ra quyết định.

Vậy ông có một ước lượng cụ thể nào cho số tài sản Nhà nước sắp được thoái vốn dưới mệnh giá không?

Trong quá trình cổ phần hóa, các doanh nghiệp Nhà nước đã gặp nhiều vướng mắc. Ví dụ như nhiều doanh nghiệp trước đây đầu tư vào những lĩnh vực nhiều rủi ro như ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán vượt tỉ lệ vốn góp theo quy định. Hiện nay, thị trường bất động sản ế ẩm, công ty chứng khoán hoạt động khó khăn nên việc thoái vốn không dễ.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp Nhà nước cũng đang là một trong những cổ đông lớn của các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán. Trong tình hình thị trường chứng khoán chưa thực sự vận hành bền vững, với thanh khoản kém của các nhóm cổ phiếu công ty chứng khoán, công ty bất động sản…, việc các doanh nghiệp Nhà nước muốn thoái vốn khỏi các doanh nghiệp đã niêm yết là khá khó khăn.

Việc định lượng số tài sản sắp được bán dưới mệnh giá là khá phức tạp không chỉ bởi có nhiều hình thức đầu tư vốn Nhà nước mà các doanh nghiệp đã đầu tư mà còn là bởi việc đầu tư diễn ra ở nhiều ngành, mỗi ngành có một đặc thù riêng, ví dụ như ngành năng lượng thì khác mà ngành dịch vụ hay sản xuất kinh doanh lại khác, thực trạng mỗi tài sản lại khác nhau nên chỉ khi bắt tay vào làm mới định lượng được.

Tuy nhiên, với quyết tâm của Thủ tướng Chính phủ trong Hội nghị về tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước vừa diễn ra có thể thấy chuyển động của lĩnh vực này trong thời gian tới sẽ mạnh mẽ.

Xin cảm ơn ông!