Thu hút FDI bằng cải cách thủ tục hành chính

Luật sư Nguyễn Văn Chiến - Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Luật sư Việt Nam

(Tài chính) Hơn 25 năm kể từ khi có Luật Đầu tư nước ngoài (năm 1987), khu vực kinh tế đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ngày càng phát huy vai trò quan trọng và có những đóng góp đáng kể trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên vấn đề giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến DN FDI vẫn còn tồn tại nhiều bất cập.

 Thu hút FDI bằng cải cách thủ tục hành chính
Cải tiến công tác thẩm định dự án FDI theo hướng giảm thiểu thủ tục hành chính nhưng bảo đảm lợi ích của quốc gia. Nguồn: internet

Khi luật còn “đá” nhau

Một trong những yếu tố gây ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư đó là Luật của Việt Nam còn thiếu đồng bộ. Luật Doanh nghiệp (DN) và Luật Đầu tư là hai đạo luật luôn đi đôi với nhau để điều chỉnh tất cả các vấn đề liên quan đến DN, như thành lập DN, tổ chức quản lý của DN, hoạt động đầu tư của DN... Song, trong quá trình thực hiện, các DN gặp phải rất nhiều vướng mắc do một số quy định trong hai luật mâu thuẫn với nhau và chồng chéo  nhau.

Phạm vi điều chỉnh của Luật DN là việc thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động của DN; còn phạm vi điều chỉnh của Luật Đầu tư là hoạt động đầu tư nhằm thực hiện mục đích kinh doanh. Phạm vi điều chỉnh của hai luật này về nguyên tắc hoàn toàn tách bạch nhau, nhưng khi đi vào chi tiết lại chồng chéo nhau. Liên quan đến vấn đề hoạt động của DN, lẽ ra Luật Đầu tư chỉ cần điều chỉnh việc cấp giấy chứng nhận đầu tư nhằm xác nhận những ưu đãi mà dự án được hưởng, nhưng trên thực tế, Luật Đầu tư lại điều chỉnh cả việc cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho DN bằng quy định: Giấy chứng nhận đầu tư đồng thời là giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (Điều 50 Luật Đầu tư). Như vậy, Luật Đầu tư đã điều chỉnh cả việc thành lập DN, lấn vào sân Luật DN, gây nên những vướng mắc khó giải quyết.

Ví dụ, một DN có giấy chứng nhận đầu tư đồng thời là giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có quyền thay đổi đăng ký kinh doanh tại cơ quan đăng ký kinh doanh không? Đây là câu hỏi rất khó trả lời, bởi theo cách nhìn của Luật DN, thì những DN trên chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Rõ ràng, việc không tách bạch vấn đề thẩm quyền đăng ký kinh doanh của hai Luật này đã gây ra khó khăn cho DN.

Mặt khác, Luật Đầu tư còn phân biệt đối xử giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài. Nhà đầu tư trong nước phải đăng ký dự án đầu tư theo Luật Đầu tư và thành lập tổ chức kinh tế theo Luật DN; còn nhà đầu tư nước ngoài chỉ cần có giấy chứng nhận đầu tư đồng thời là giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Tuy nhiên, sau khi nhận được giấy chứng nhận đầu tư, nhà đầu tư cũng không vì thế mà có thể cắt bỏ được các giấy phép khác như giấy phép xây dựng, giấy phép của cơ quan quản lý đất đai, giấy phép của cơ quan quản lý môi trường và các giấy phép khác liên quan đến hoạt động của dự án đầu tư đó.

Để thu hút sự quan tâm hơn nữa của các DN FDI với Việt Nam, về Luật, trong thời gian tới cần tập trung sửa đổi nhóm các quy định chung của Luật (về khái niệm nhà đầu tư nước ngoài, DN có vốn đầu tư nước ngoài, dự án đầu tư ...) làm cơ sở cho việc áp dụng thống nhất điều kiện, thủ tục đầu tư, kinh doanh, khắc phục tình trạng xung đột giữa Luật Đầu tư, Luật DN và các Luật có liên quan.

Các quy định về thủ tục đầu tư nên sửa đổi theo hướng bãi bỏ quy định Giấy chứng nhận đầu tư đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; hoàn thiện các quy định về thủ tục đăng ký, thẩm tra cấp Giấy chứng nhận đầu tư nhằm làm rõ hồ sơ, quy trình, thủ tục, thời hạn thực hiện..., đồng thời bổ sung tiêu chí thẩm tra dự án phù hợp với quy hoạch và yêu cầu quản lý nhằm tránh tình trạng cấp phép tùy tiện, phá vỡ quy hoạch.

Việc hoàn thiện các quy định về phân cấp cấp Giấy chứng nhận đầu tư cần theo hướng đảm bảo quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, quy hoạch ngành và quy hoạch vùng lãnh thổ; nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước trong quá trình thẩm tra và quản lý hoạt động của dự án

Quy định về thủ tục thực hiện dự án đầu tư, đặc biệt là các quy định về thủ tục góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong DN Việt Nam, thủ tục chuyển nhượng dự án đầu tư và các thủ tục có liên quan đến việc thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện, chuyển đổi hình thức đầu tư, hình thức DN cần nhanh chóng được hoàn thiện.

Ngại thủ tục hành chính 

Bên cạnh những mâu thuẫn về Luật, những quy định thủ tục hành chính còn thiếu tính đồng bộ, nhiều quy định về thủ tục hành chính chưa đạt yêu cầu về tính rõ ràng, minh bạch, nhất là các quy định về yêu cầu, điều kiện của thủ tục hành chính… khiến tâm lý ngại đầu tư cho các DN FDI vẫn chưa được cải thiện.

Nhiều văn bản có quy định thủ tục hành chính nhưng không xác định rõ các bộ phận tạo thành thủ tục, dẫn đến khó công bố, công khai và áp dụng trên thực tế. Một số quy định về thủ tục hành chính vẫn còn mang dấu ấn của cơ chế quản lý cũ, rườm rà, phức tạp, không phù hợp với điều kiện thực tế. Việc rà soát, đánh giá thủ tục hành chính vẫn còn mang nặng tính hình thức, chưa khoa học, thiếu khách quan… Nhiều cơ quan Nhà nước chưa chấp hành đúng các quy định về tiếp nhận và giải quyết công việc, vẫn còn tình trạng gây khó khăn, phiền hà cho DN, chưa bố trí cán bộ có phẩm chất, đủ trình độ làm công tác tiếp nhận và giải quyết công việc.

Tại Hội nghị Báo cáo Tổng kết 25 năm đầu tư trực tiếp nước ngoài, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh sự cần thiết phải cải cách chính sách, thủ tục hành chính để tạo động lực thúc đẩy dòng vốn nước ngoài. Các bộ cần nhanh chóng cải cách chính sách, thủ tục hành chính cho DN FDI, chấm dứt tình trạng 2-3 năm mới duyệt xong một dự án. Tuy nhiên, chừng nào lãnh đạo các bộ và lãnh đạo các tỉnh còn chưa coi trọng việc tự đánh giá năng lực của bộ máy và công chức, thì không thể đề ra được giải pháp cơ bản nhằm cải thiện môi trường đầu tư nước ngoài.

Trước hết, cần rà soát lại một cách đồng bộ để đổi mới, giảm thiểu tác động xấu của thể chế, trước hết là tổ chức bộ máy; đổi mới đồng bộ công tác quản lý Nhà nước đối với đầu tư nước ngoài; điều chỉnh một số nguyên tắc quản lý và phân cấp đầu tư...

Hệ thống luật pháp, chính sách liên quan đến đầu tư phải được hoàn thiện theo hướng nhất quán, công khai, minh bạch, có tính dự báo, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư và có tính cạnh tranh so với các nước trong khu vực. Từ đó, nghiên cứu sửa đổi Luật Đầu tư, Luật DN cho phù hợp bối cảnh mới.

Hệ thống luật pháp hiện hành liên quan đến đầu tư, kinh doanh cần được rà soát theo hướng đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ với các quy định của Luật Đầu tư; quy định rõ hơn những đặc thù về thủ tục và điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài; rà soát các quy định về hoạt động mua bán và sáp nhập có yếu tố nước ngoài để đồng bộ hóa và quy định cụ thể, rõ ràng hơn.

Hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với các dự án có vốn đầu tư nước ngoài đã được cấp, điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư phải được tăng cường và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định của pháp luật.

Trong tiêu chí cấp giấy chứng nhận đầu tư, nhất là những dự án có quy mô lớn, có tác động lớn về kinh tế-xã hội, cơ quan cấp giấy chứng nhận đầu tư cần có các chế tài hoặc yêu cầu đặt cọc để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ triển khai dự án đúng tiến độ. Đây là một trong các nội dung mới có tính pháp lý đối với việc cấp giấy chứng nhận đầu tư trong thời gian tới.

Cuối cùng là đổi mới cơ bản phương thức xúc tiến đầu tư, quan trọng nhất là quảng bá hình ảnh đất nước, địa phương, thông qua mạng Internet cung cấp thông tin mà nhà đầu tư cần để lựa chọn dự án, quyết định địa điểm đầu tư. Cải tiến công tác thẩm định dự án FDI theo hướng giảm thiểu thủ tục hành chính, hồ sơ chỉ cần có những nội dung cần thiết để tính toán hiệu quả kinh tế-xã hội, bảo đảm lợi ích của quốc gia, của từng địa phương, giảm thiểu thời gian thẩm định, cấp phép để tạo điều kiện cho nhà đầu tư sớm đưa dự án vào kinh doanh.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nêu rõ: “Có thể chế và chính sách tốt là rất quan trọng, nhưng chưa đủ. Thể chế và chính sách được vận hành thông qua thủ tục hành chính và đội ngũ cán bộ công chức”. Nhận thức đúng đắn về tác động của FDI đối với tiến trình phát triển kinh tế - xã hội các DN, các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước tích cực tham gia cùng các bộ ngành, địa phương của Việt Nam để cải cách, đơn giản hóa các quy định thủ tục hành chính với tinh thần “Chung tay cải cách thủ tục hành chính”.