Thực trạng xuất nhập khẩu và giải pháp thực hiện phương hướng kế hoạch 5 năm 2016 - 2020

ThS. Nguyễn Hương Liên - Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp

Bài viết phân tích thực trạng xuất nhập khẩu (XNK) và phương hướng kế hoạch năm 2016 - 2020. Năm 2016 là năm đầu tiên có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2016 - 2020. Đây là năm nền kinh tế Việt Nam tiếp tục đà phục hồi, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm. Tốc độ tăng trưởng GDP đạt khoảng 6,21%, XNK duy trì đà tăng trưởng, nhiều biện pháp được thực hiện nhằm thúc đẩy XK trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng thương mại toàn cầu và khu vực giảm. Đóng góp vào sự tăng trưởng và ổn định nền kinh tế vĩ mô là hoạt động thương mại dịch vụ, trong đó nổi bật là hoạt động XNK hàng hóa, tăng trưởng cao hơn năm trước và đã có xuất siêu.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Đặt vấn đề
Bất kì quốc gia nào cũng không thể tự sản xuất để đáp ứng một cách đầy đủ mọi nhu cầu trong nước, đặc biệt trong xu thế ngày nay, đời sống nhân dân ngày càng nâng cao, nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường, thoát khỏi nền kinh tế tự cung tự cấp, lạc hậu.
Mục tiêu phát triển nền kinh tế quốc dân dựa rất nhiều về lợi thế so sánh, ở đó mỗi quốc gia sẽ đẩy mạnh sản xuất có lợi thế để phục vụ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu đi các quốc gia khác.
Trong thực tế không có quốc gia nào là có lợi thế về tất cả các mặt hàng, các lĩnh vực, sự bổ sung hàng hóa giữa các quốc gia đã đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu. Những quốc gia phát triển thường xuất khẩu nhiều hơn nhập khẩu rất nhiều và ngược lại những nước kém phát triển thì kim nghạch nhập khẩu lớn hơn xuất khẩu.
Ở Việt Nam, nền kinh tế xuất phát điểm rất kém, trước kia lại vận hành trong cơ chế quan liêu bao cấp, nền kinh tế chỉ là tự cung, tự cấp, công nghệ trang thiết bị lại lạc hậu, quan hệ kinh tế lại không phát triển. Vận hành trong nền kinh tế như thế sẽ kìm hãm sự phát triển kinh tế và hoạt động xuất nhập khẩu diễn ra với kim ngạch nhỏ bé, bó hẹp trong một vài quốc gia cùng chế độ.
Đặc biệt là quan hệ kinh tế Việt Nam với Liên Xô cũ dưới hình thức viện trợ và mua bán theo nghị định thư hoặc trao đổi hàng hóa đối lưu, cộng thêm vào đó là sự quản lí cứng nhắc của nhà nước làm mất đi sự năng động linh hoạt trong quan hệ kinh tế quốc dân chủ yếu là doanh nghiệp nhà nước với cơ cấu tổ chức bộ máy cồng kềnh, bị độc quyền, hoạt động theo tư tưởng quan liêu, tốc độ công việc nhập khẩu diễn ra trì trệ kém hiệu quả hoạt động nhập khẩu phải trải qua nhiều công đoạn đòi hỏi sự tham gia của nhiều cơ quan chức trách.
Trong khi trên khu vực và trên thế giới nền kinh tế đã phát triển mạnh mẽ, linh hoạt và đem lại hiệu quả cao. Xu thế tất yếu ấy đã đòi hỏi Việt Nam phải thay đổi để phù hợp với nền kinh tế trên thế giới, những tư tưởng lạc hậu ấy cần được cải tiến và xóa bỏ thay thế vào đó là những cái mới tiến bộ hơn, linh hoạt hơn. 
Thực trạng xuất nhập khẩu Việt Nam
Theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước trong tháng 9/2017 đạt 37,58 tỷ USD, giảm nhẹ 1,0% so với tháng trước. Trong đó, xuất khẩu đạt 19,34 tỷ USD, giảm 2,1% và nhập khẩu đạt 18,24 tỷ USD, tăng nhẹ 0,3%. Cán cân thương mại hàng hóa trong tháng thặng dư 1,1 tỷ USD.
Tính đến hết 9 tháng/2017, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 308,12 tỷ USD, tăng 21,3% so với cùng kỳ năm 2016; trong đó tổng trị giá xuất khẩu đạt 154,32 tỷ USD, tăng 20% và tổng trị giá nhập khẩu đạt 153,99 tỷ USD, tăng 22,7%.
Cán cân thương mại: Trong tháng 9/2017, Việt Nam xuất siêu 1,1 tỷ USD, qua đó đưa cán cân thương mại hàng hóa cả nước 9 tháng/2017 đổi chiều thặng dư 328 triệu USD. Trong đó, xuất siêu với Hoa Kỳ là 24,14 tỷ USD, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước.
Khối doanh nghiệp FDI trong tháng 9/2017 xuất siêu 542 triệu USD, đưa cán cân thương mại của khối này 9 tháng/2017 thặng dư đến 13,74 tỷ USD, trong khi khối doanh nghiệp trong nước thâm hụt là 13,42 tỷ USD.
Thị trường xuất nhập khẩu hàng hóa: Trong 9 tháng/2017, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với 10 thị trường lớn nhất đạt kim ngạch 220,65 tỷ USD, chiếm 71,6% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước.
Thương mại hàng hóa song phương giữa Việt Nam với 10 đối tác chính đều đạt mức tăng khá cao. Trong đó, thương mại song phương Việt Nam - Hàn Quốc tăng 43% so với cùng kỳ năm trước; Thị trường Trung Quốc tăng 25,2%; Hồng Kông tăng 23,7%; Thái Lan tăng 22,7%; Thị trường ASEAN đạt mức tăng 21,6%; EU (28 nước) tăng 14,3%...
- Xuất khẩu hàng hóa trong 9 tháng/2017 với 22 nhóm hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, đạt kim ngạch 135,21 tỷ USD, chiếm 87,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Trong đó, có tới 4 nhóm hàng đạt kim ngạch trên 10 tỷ USD bao gồm điện thoại các loại và linh kiện; hàng dệt may; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; giầy dép các loại.
So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu 9 tháng/2017 tăng mạnh ở một số nhóm hàng, trong đó tăng mạnh nhất là điện thoại các loại và linh kiện tăng 23,6%, tương ứng tăng hơn 6 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 41,4%, tương ứng tăng 5,42 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng tăng 29,7%, tương ứng tăng 2,13 tỷ USD.
Về thị trường hàng hóa xuất khẩu 9 tháng, Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta với kim ngạch đạt 31,2 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó xuất khẩu giày dép tăng 15,7%; dệt may tăng 8,1%. Tiếp đến là EU đạt 28,4 tỷ USD, tăng 15,8%, trong đó điện tử, máy tính và linh kiện tăng 24,2%; giày dép tăng 14,7%; điện thoại và linh kiện tăng 13,5%.
Xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 21,9 tỷ USD, là thị trường có tốc độ tăng cao nhất với 44,7%, trong đó điện tử, máy tính và linh kiện tăng 88,5%; rau quả tăng 60%. Thị trường ASEAN đạt 16 tỷ USD, tăng 26,1%, trong đó điện tử, máy tính và linh kiện tăng 49,1%; điện thoại và linh kiện tăng 38,3%.
Thị trường Nhật Bản đạt 12,5 tỷ USD, tăng 17,2%; Hàn Quốc đạt 10,6 tỷ USD, tăng 27,3%, trong đó điện tử, máy tính và linh kiện tăng 40,5%; điện thoại và linh kiện tăng 36,6%; dệt may tăng 6,1%. Thị trường Thái Lan đạt 3,5 tỷ USD, tăng 28,7%, trong đó dầu thô tăng 217,5%; điện thoại và linh kiện tăng 55,2%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 22,6%.
Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 9 tháng/2017, hàng công nghiệp nặng và khoáng sản đạt 76,8 tỷ USD, tăng 24,3% và chiếm 49,9% tổng kim ngạchxuất khẩu (tăng 1,8 điểm phần trăm so với cùng kỳ 2016); nhóm hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp đạt 56,8 tỷ USD, tăng 14,8% và chiếm 36,8% (giảm 1,6 điểm phần trăm); nhóm hàng nông, lâm sản đạt 14,5 tỷ USD, tăng 17,9% và chiếm 9,4% (giảm 0,2 điểm phần trăm) và hàng thủy sản đạt 6 tỷ USD, tăng 19,2% và chiếm 3,9% (cơ cấu không đổi so với cùng kỳ năm 2016).
- Nhập khẩu hàng hóa 9 tháng/2017
Nhập khẩu 9 tháng/2017 có 27 nhóm hàng đạt trên 1 tỷ USD, chiếm 84,6% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước. Đóng góp không nhỏ vào mức tăng đó là các nhóm hàng: máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 7,2 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác tăng 5,1 tỷ USD; điện thoại các loại và linh kiện tăng 3,32 tỷ USD; xăng dầu các loại tăng 1,42 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2016.
Về thị trường hàng hóa nhập khẩu 9 tháng năm 2017, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 41,6 tỷ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó nhập khẩu máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 24,7%; điện thoại và linh kiện tăng 20,6%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 18,9%.
Tiếp theo là Hàn Quốc với 33,9 tỷ USD, tăng 46,5%, trong đó máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 113,3%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 45,9%. Nhập khẩu từ thị trường ASEAN đạt 20,6 tỷ USD, tăng 19,7%, trong đó xăng dầu tăng 27,2%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 12,9%. Nhật Bản đạt 11,8 tỷ USD, tăng 8,2%.
EU đạt 9,1 tỷ USD, tăng 13,3%, trong đó dược phẩm tăng 11,6%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 9,8%. Thái Lan đạt 7,5 tỷ USD, tăng 21,4%, trong đó nhập khẩu rau quả tăng 144,2%; xăng dầu tăng 47% (lượng tăng 19,4%); máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 14,1%. Hoa Kỳ đạt 6,9 tỷ USD, tăng 16,3%, trong đó bông tăng 65,2%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 35%.
Về cơ cấu hàng nhập khẩu 9 tháng năm 2017, nhóm hàng tư liệu sản xuất đạt 141,3 tỷ USD, tăng 23,6% so với cùng kỳ 2016 và chiếm 91,5% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu (tăng 0,4 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2016), trong đó nhóm máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 66,8 tỷ USD, tăng 26,8% và chiếm 43,2% (tăng 1,3 điểm phần trăm); nhóm hàng nguyên nhiên vật liệu đạt 74,5 tỷ USD, tăng 20,8% và chiếm 48,3% (giảm 0,9 điểm phần trăm). Nhóm hàng tiêu dùng đạt 13,2 tỷ USD, tăng 17,9% và chiếm 8,5% (giảm 0,4 điểm phần trăm).
Đáng lưu ý là nhập siêu từ Hàn Quốc 9 tháng năm 2017 lên tới 23,3 tỷ USD, tăng 57,7% so với cùng kỳ 2016, là thị trường nhập siêu lớn nhất của Việt Nam; tiếp đến là nhập siêu từ Trung Quốc với 19,7 tỷ USD, giảm 5,6%; nhập siêu từ ASEAN là 4,6 tỷ USD.
Giải pháp thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu
Giải pháp thúc đẩy
Kiểm soát việc tiếp cận ngoại tệ theo 3 nhóm hàng: nhóm cần nhập khẩu, nhóm cần kiểm soát và nhóm hạn chế nhập khẩu. Quản lý nhập khẩu bằng giấy phép tự động để kiểm soát nhập khẩu đối với các mặt hàng tiêu dùng. Mở rộng danh mục mặt hàng nhập khẩu phải nộp thuế ngay trước khi thông quan đối với một số mặt hàng cần hạn chế nhập khẩu.
Tăng cường công tác kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu và sử dụng hàng rào kỹ thuật để hạn chế nhập khẩu: rà soát, ban hành các quy định chặt chẽ về hóa chất, chất phụ gia, chất hỗ trợ chế biến trong bảo quản hàng thực phẩm… Tiếp tục thực hiện các biện pháp bình ổn thị trường, cân đối cung cầu các mặt hàng cơ bản của nền kinh tế.
Trong đó, đặc biệt quan tâm việc nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo xu hướng giá cả và thị trường thế giới trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, qua đó đề xuất những giải pháp bình ổn thị trường, cân đối cung cầu hiệu quả. 
Các biện pháp trung và dài hạn
Phát triển sản xuất các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, thay thế hàng nhập khẩu. Bên cạnh việc thúc đẩy phát triển xuất khẩu, giảm nhập khẩu bằng việc đẩy mạnh sản xuất hàng trong nước, các loại nguyên liêu, các mặt hàng phụ trợ cho sản xuất tiêu dùng, sản xuất hàng xuất khẩu thay thế hàng nhập khẩu cũng là một biện pháp quan trọng hạn chế nhập siêu.
Các tập đoàn, các tổng công ty nhà nước, các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ xây dựng, sớm đưa các dự án đầu tư về điện, phân bón, thép, cơ khí, dệt may vào sản xuất nhằm thay thế các mặt hàng nhập khẩu, góp phần giảm nhập siêu. Triển khai mạnh và tích cực đầu tư vào sản xuất trong ngành công nghiệp phụ trợ. Một số ngành ưu tiên phát triển công nghiệp phụ trợ trong thời gian tới là: Cơ khí, Dệt may, Da giày, Điện tử.
Rà soát lại các cơ sở sản xuất các ngành phụ trợ tại công ty nhà nước, ưu tiên cấp vốn và tạo điều kiện khác để đổi mới thiết bị, thay đổi công nghệ tại những cơ sở đã có quy mô tương đối lớn. Lập chế độ tư vấn kỹ thuật và quản lý để mời các chuyên gia nước ngoài vào giúp thay đổi công nghệ và cơ chế quản lý tại các doanh nghiệp.
Đặc biệt khuyến khích tư nhân đầu tư vào lĩnh vực sản xuất các ngành công nghiệp phụ trợ, với sự hỗ trợ đặc biệt về vốn và những ưu đãi đặc biệt về thuế (miễn thuế nhập khẩu thiết bị và công nghệ, miễn thuế doanh thu…). Một số nước đã phát triển, đặc biệt nhất là Nhật, có chương trình xúc tiến chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại các nước đang phát triển.
Việt Nam nên tiếp nhận nhanh sự hỗ trợ này để nhanh chóng tăng khả năng cung cấp các mặt hàng công nghiệp phụ trợ hiện có, nhất là các mặt hàng đang sản xuất tại các doanh nghiệp nhà nước. Kêu gọi doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào việc sản xuất trong các ngành công nghiệp phụ trợ. 
Thúc đẩy để sớm ký kết các Hiệp định song phương và đa phương thiết lập các khu vực mậu dịch tự do để tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu, qua đó giảm nhập siêu (Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản, Hiệp định Hợp tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản, Hiệp định Khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Autralia-New zeland, và ASEAN - Ấn Độ).
Trao đổi với các đối tác thương mại mà Việt Nam nhập siêu (trước hết là Trung Quốc, ASEAN, Hàn Quốc…) để phối hợp tìm giải pháp giảm nhập vào Việt Nam và tăng xuất từ Việt Nam. Điều này cũng phù hợp với các quy tắc của WTO, theo đó khuyến khích việc các thành viên có quyền yêu cầu cân bằng thương mại lẫn nhau. 
Nghiên cứu xây dựng các biện pháp và tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng đối với các ngành, sản phẩm công nghiệp nhằm bảo vệ sản phẩm trong nước trước sự cạnh tranh không công bằng trên thị trường trong nước, phù hợp với các quy định của WTO và các Hiệp định quốc tế mà Việt Nam ký kết.
Hoàn thiện hoặc ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật đối với hàng hóa lưu thông trên thị trường nói chung cũng như đối với hàng hóa nhập khẩu, trước mắt là đối với những mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu lớn, có ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, tiêu dùng, sức khỏe cộng đồng và bảo vệ môi trường. 
Chủ động rà soát những mặt hàng nhập khẩu tăng mạnh do việc cắt giảm thuế quan theo cam kết WTO và AFTA mà trong nước có khả năng sản xuất để có biện pháp hạn chế nhập khẩu và khuyến khích sản xuất trong nước. 
Chống lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ bản, trong tiêu dùng và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên trong nước. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động người dân và doanh nghiệp sử dụng hàng Việt Nam và tiết kiệm nguyên nhiên vật liệu trong sản xuất và tiêu dùng.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Thống kê của Cục Hải quan về xuất nhập khẩu
2. Các giải pháp cải thiện cán cân xuất nhập khẩu
3. Xuất nhập khẩu Việt Nam năm 2016 và triển vọng 2017