Tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển các công ty nông lâm nghiệp

PV.

Đó là chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tại Hội nghị sơ kết công tác sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp năm 2015-2016 và giải pháp đến năm 2020 vừa được tổ chức hôm 14/7 tại Hà Nội.

Toàn cảnh Hội nghị sơ kết công tác sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp năm 2015-2016 và giải pháp đến năm 2020. Nguồn: chinhphu.vn
Toàn cảnh Hội nghị sơ kết công tác sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp năm 2015-2016 và giải pháp đến năm 2020. Nguồn: chinhphu.vn

Đã phê duyệt mô hình sắp xếp, đổi mới 243 công ty

Công tác đổi mới, sắp xếp các công ty nông, lâm nghiệp là nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng, được Bộ Chính trị quán triệt tại Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 12/3/2014.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, cuối năm 2014, Chính phủ ban hành Nghị định số 118/2014/NĐ-CP để triển khai các giải pháp đổi mới, sắp xếp các công ty nông lâm nghiệp.

Tại Hội nghị sơ kết công tác sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp năm 2015-2016 và giải pháp đến năm 2020, báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, có 41/49 tỉnh, thành phố, bộ, ngành có công ty nông, lâm nghiệp phải xây dựng phương án tổng thể sắp xếp, đổi mới để thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; còn lại 8 tỉnh, thành phố, bộ, ngành thực hiện sắp xếp, đổi mới gắn với tái cơ cấu doanh nghiệp được quyết định riêng của cấp có thẩm quyền.

Tính đến hết tháng 6/2016, đã có 37 phương án tổng thể được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tổng số công ty nông, lâm nghiệp thuộc đối tượng sắp xếp, đổi mới theo Nghị định 118/2014/NĐ-CP là 254 công ty, gồm 120 công ty nông nghiệp; 134 công ty lâm nghiệp. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức thẩm định mô hình sắp xếp, đổi mới cho 251 công ty và Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt mô hình sắp xếp, đổi mới 243 công ty.

Về hoạt động của các công ty, đến cuối năm 2015, giá trị tài sản theo sổ sách của các công ty là 40.517 tỷ đồng. Bình quân lợi nhuận trước thuế 3 năm 2012-2014 là 2.797 tỷ đồng. Khối các công ty nông nghiệp chiếm tỉ trọng tài sản và lợi nhuận cao hơn khối các công ty lâm nghiệp.

Đáng lưu ý, tổng số lỗ lũy kế của các công ty nông, lâm nghiệp hiện nay là 1.071 tỷ đồng, chiếm 4% vốn chủ sở hữu, số lỗ lũy kế tập trung phần lớn tại các công ty nông nghiệp, trong đó có nhiều công ty lỗ lũy kế hàng chục tỷ đồng.

Bên cạnh đó,nhiều vấn đề khó khăn hiện nay tại các công ty nông, lâm nghiệp chưa được giải quyết tốt, như về đất đai, người lao động và tài sản trên đất, nhất là đối với diện tích khoán đất, khoán rừng và vườn cây ổn định. Có những địa phương khó khăn trong việc lựa chọn mô hình sắp xếp, đổi mới, nhất là về tiêu chí để lựa chọn đối tác trong mô hình công ty TNHH hai thành viên trở lên và đối với các công ty nông, lâm nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh ở địa bàn chiến lược, vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa...

Tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển các công ty nông lâm nghiệp

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho rằng, đổi mới, sắp xếp các công ty nông, lâm nghiệp là một trong số những chủ trương được Nhà nước quan tâm tổ chức thực hiện từ những ngày đầu và đạt kết quả khá rõ nét. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục đẩy mạnh và tăng cường hơn, hướng đến đạt mục đích cuối cùng là nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của các công ty nông, lâm nghiệp.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt quan điểm, chủ trương, mục tiêu sắp xếp, đổi mới và phát triển các công ty nông lâm nghiệp theo Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị và Nghị định 118 của Chính phủ.

Theo đó, việc sắp xếp, đổi mới, phát triển các công ty này phải gắn liền với bảo đảm quốc phòng, an ninh, nhất là vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa, phù hợp với chủ trương định hướng tiếp tục sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước, chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, phù hợp với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và nền kinh tế nhằm góp phần giữ vững ổn định chính trị, xã hội, phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới theo hướng bền vững.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu rõ đất và tài nguyên rừng phải được giao cho người quản lý, tránh trường hợp không có người quản lý và không có người sử dụng; tiếp tục duy trì vùng sản xuất nông, lâm sản hàng hóa tập trung, thâm canh gắn với công nghiệp chế biến và thị trường, phù hợp với quy hoạch sản xuất nông lâm nghiệp trên địa bàn.

Các địa phương cần giải quyết cơ bản các tồn tại vướng mắc về đất đai, nhất là đất ở, đất sản xuất của đồng bào dân tộc, bảo đảm ổn định xã hội, thực hiện tốt việc đổi mới quản lý sử dụng đất, bảo vệ phát triển rừng theo quy định của pháp luật...

Cần tạo được chuyển biến căn bản về phương thức tổ chức quản lý và quản trị doanh nghiệp; sản xuất nông, lâm nghiệp phải gắn với công nghiệp chế biến và thị trường theo chuỗi giá trị hàng hóa, chuyển các công ty TNHH một thành viên nông, lâm nghiệp sang công ty cổ phần theo quy định của pháp luật và Nhà nước có chính sách phù hợp để các công ty có thể hoạt động công ích, hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh các công ty nông, lâm nghiệp phải trở thành trung tâm liên kết sản xuất nông, lâm nghiệp, trung tâm kinh tế, khoa học công nghệ và văn hóa đối với nhân dân trong vùng, bảo đảm hài hòa lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Phó Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành liên quan khẩn trương hoàn thiện cơ sở pháp lý cho đổi mới, sắp xếp hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp với thời gian lộ trình cụ thể.

Với các địa phương, cần nghiêm túc thực hiện phương án sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp đã được phê duyệt cơ bản hoàn thành trong năm 2017; khẩn trương thực hiện Đề án sắp xếp, đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thời gian chậm nhất trong tháng 8/2016; hoàn thành việc rà soát đất đai, đo đạc, cắm mốc, xây dựng phương án sử dụng đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các công ty nông, lâm nghiệp trong năm 2016./.