Tiết kiệm phải đi đôi với tinh giảm biên chế

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

(Tài chính) Ngày 19/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về việc thi hành Luật thực hành tiết kiệm chống lãng phí (THTK, CLP) năm 2013 và dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật THTK, CLP (sửa đổi).

 Tiết kiệm phải đi đôi với tinh giảm biên chế
Từ năm 2008 đến nay, thông qua mua sắm tài sản theo phương thức tập trung, Bộ Tài chính giảm chi được 397 tỷ đồng. Nguồn: internet
Sẽ thành lập Trung tâm dịch vụ mua, bán tài sản công

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã trình bày báo cáo trước UBTVQH. Theo báo cáo, trong 7 tháng đầu năm, tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) ước đạt 429.165 tỷ đồng, bằng 52,6% dự toán, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2012; tổng chi NSNN ước đạt 527.860 tỷ đồng, bằng 54% dự toán, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2012.

Trong quản lý chi NSNN, các bộ, các cấp đã thực hiện rà soát để cắt giảm hoặc lùi thời gian thực hiện các nhiệm vụ chi chưa cấp thiết; phấn đấu tiết kiệm tối thiểu 20% chi phí điện, nước, điện thoại, văn phòng phẩm, xăng dầu; tiết kiệm tối thiểu 30% kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, đi công tác, học tập trong và ngoài nước. Thực hiện tiết kiệm thêm 10% dự toán chi thường xuyên 7 tháng cuối năm 2013 của các bộ, ngành, địa phương với số tiền khoảng 3.080 tỷ đồng.

Cùng với đó, công tác thẩm tra, xét duyệt quyết toán dự án đầu tư hoàn thành trong 6 tháng đầu năm 2013 đã góp phần tiết kiệm được cho NSNN trên 835 tỷ đồng.

Chính phủ đang tiến hành tổng kết việc thí điểm mua sắm tài sản theo phương thức tập trung và xây dựng đề án hình thành Trung tâm dịch vụ mua, bán tài sản công, để thực hiện dịch vụ đấu thầu mua sắm công, đấu giá khi bán thanh lý, giao, cho thuê tài sản công. Từ năm 2008 đến nay, thông qua mua sắm tài sản theo phương thức tập trung, Bộ Tài chính giảm chi được 397 tỷ đồng; Ngân hàng Nhà nước giảm chi 13,9 tỷ đồng...

Chính phủ cũng quyết liệt chỉ đạo các cấp, các ngành không bổ sung chi ngoài dự toán, kể cả nguồn tăng thu ngân sách để mua xe ô tô.

Việc thực hiện sắp xếp, xử lý các cơ sở nhà, đất do một số doanh nghiệp lớn của nhà nước đang quản lý, sử dụng đã và đang được tiến hành khẩn trương, theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Các bộ, ngành, địa phương trong cả nước đã thực hiện báo cáo kê khai và đề xuất phương án xử lý 121.811 cơ sở nhà, đất, với tổng diện tích khoảng 2.434 triệu m2 đất và 115 triệu m2 nhà.

Đề xuất cắt giảm thêm 10% chi thường xuyên

Giải trình thêm trước UBTVQH, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, các cấp, ngành đã thực hiện tiết kiệm chi, rà soát các khoản chi chưa triển khai, đã cắt giảm được khoảng 22.000 tỷ đồng. Số này do ngân sách khó khăn nên Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo đưa lại vào cân đối ngân sách năm nay.

Dự kiến sang năm, Chính phủ sẽ đề xuất trước Quốc hội để điều hành theo hướng mạnh mẽ hơn, chặt chẽ hơn năm nay, cắt giảm thêm 10% chi thường xuyên. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh việc tiết kiệm phải đi đôi với cải cách bộ máy, tinh giảm biên chế. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, biên chế không giảm mà vẫn tiếp tục tăng lên. 30% công chức làm việc không hiệu quả nhưng vẫn phải trả lương.

Trong khi chưa cắt giảm được biên chế, nên thực hiện chính sách khoán chi hành chính vừa để tạo chủ động hơn cho việc điều hành ở các cấp, đồng thời đỡ gánh nặng cho ngân sách.

Phát biểu cuối phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết UBTVQH tán thành với những nội dung cơ bản trong báo cáo của Chính phủ. Báo cáo đã phản ánh khá đầy đủ các nội dung trong việc thực hành Luật TK, CLP. Đã có sự chuyển biến đáng kể về cả hành động và nhận thức của tất cả các ban ngành. Tuy nhiên, UBTVQH cũng đề nghị cân nhắc đánh giá những mặt được và chưa được, phân tích những hạn chế, tồn tại để có cách khắc phục.