Tính kỹ để bảo đảm tính khả thi của mô hình ngân hàng tiết kiệm nhà ở

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Dự kiến ngay sau Tết Nguyên đán, Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ bắt tay chuẩn bị đề án thành lập ngân hàng tiết kiệm nhà ở. Lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết, Chính phủ đã cho phép xây dựng đề án và thực hiện thí điểm.

Tính kỹ để bảo đảm tính khả thi của mô hình ngân hàng tiết kiệm nhà ở
Bộ Xây dựng, NHNN sẽ bắt tay chuẩn bị đề án thành lập ngân hàng tiết kiệm nhà ở. Nguồn: internet

Ý tưởng thành lập ngân hàng tiết kiệm nhà ở được Bộ Xây dựng đề cập từ năm 2013. Theo viện dẫn của Bộ Xây dựng, phát triển nhà ở thời gian qua chủ yếu phụ thuộc vào kênh tín dụng thương mại bởi ngân sách nhà nước hạn hẹp. Khi xảy ra khủng hoảng tài chính, các ngân hàng thắt chặt hoặc dừng cho vay khiến doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn về vốn, thị trường lại đóng băng, tác động xấu đến nền kinh tế.

Vì lẽ đó, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho rằng, bên cạnh kênh tín dụng thương mại, Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) cần có quy định để hình thành thêm các định chế tài chính mới như: Quỹ phát triển nhà ở, Quỹ tín thác bất động sản và đặc biệt là mô hình ngân hàng tiết kiệm nhà ở. Ngân hàng tiết kiệm nhà ở là tổ chức tài chính nhận tiền gửi và cho vay trong lĩnh vực nhà ở đang được nhiều nước trên thế giới áp dụng.

Lãnh đạo Bộ Xây dựng hy vọng, ngân hàng tiết kiệm nhà ở sẽ huy động tiền nhàn rỗi của người dân để cho vay phát triển nhà ở, vừa tạo được ý thức tiết kiệm trong các hộ gia đình, cá nhân vừa tăng quỹ nhà ở cho hộ gia đình. Những ngày cận Tết, ông Nam cho biết, Chính phủ đã đồng ý với đề xuất thành lập ngân hàng tiết kiệm nhà ở của Bộ Xây dựng. Tuy nhiên, Chính phủ chỉ đạo lập đề án riêng và thực hiện thí điểm, chưa cần đưa vào luật.

Nhiều khả năng, NHNN sẽ chủ trì đề án thành lập ngân hàng tiết kiệm nhà ở và Bộ Xây dựng sẽ là đơn vị phối hợp với NHNN để xây dựng đề án này.

Được biết, hai cơ quan đã khảo sát mô hình ngân hàng tiết kiệm nhà ở của Đức. Tại quốc gia này, người tham gia tiết kiệm nhà ở ký kết một hợp đồng tiết kiệm nhà ở dựa trên tổng số tiền mà họ cần để đầu tư cho nhà ở. Sau đó, họ bắt đầu thực hiện nghĩa vụ cất giữ một khoản trong thu nhập thường xuyên thông qua tài khoản tiết kiệm. Sau khi thực hiện nghĩa vụ tiết kiệm theo hợp đồng, người tham gia tiết kiệm nhà ở sẽ được tất toán toàn bộ số tiền tiết kiệm và được ngân hàng tiết kiệm nhà ở cấp một khoản tín dụng sau khi thẩm định độ tín nhiệm và khả năng thanh toán. Lãi suất của khoản vay tín dụng sẽ được ấn định tại thời điểm ký kết Hợp đồng tiết kiệm nhà ở và cố định trong toàn bộ thời gian vay.

Do vậy, khách hàng không lo biến động lãi suất trên thị trường vốn. Hơn thế, mức lãi suất này thông thường thấp hơn lãi suất trên thị trường đối với các khoản tín dụng tương đương. Với cơ chế hoạt động này, cá nhân người mua hoặc sửa nhà sẽ tránh được rủi ro lãi suất… Đây là một trong những lý do mà mô hình ngân hàng tiết kiệm nhà ở tại Đức tạo niềm tin lớn đối với người dân. Tính chung 60 năm qua, các ngân hàng tiết kiệm nhà ở của Đức đã giải ngân được hơn 1.000 tỷ euro cho các dự án về nhà ở, giúp khoảng 13 triệu gia đình cải thiện chỗ ở.  Một số nước khác như Trung Quốc, Czech, Hungary, Rumania, Slovakia… cũng khá thành công với mô hình ngân hàng này.

Các chuyên gia kinh tế trong nước có những quan điểm khác nhau về mô hình này. TS. Cấn Văn Lực nhận định đây là một tín hiệu tích cực thúc đẩy thị trường bất động sản, đặc biệt là phân khúc nhà ở. Ông cũng gợi ý, nên để NHNN quản lý ngân hàng tiết kiệm nhà ở nhằm hạn chế những rủi ro tín dụng.

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến nghi ngờ tính khả thi của ngân hàng tiết kiệm nhà ở. Theo Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Phạm Sỹ Liêm, mô hình tiết kiệm nhà ở của Đức chỉ thích hợp cho tầng lớp có thu nhập cao, người thu nhập thấp chưa chạm vào được. Một số chuyên gia quốc tế lẫn trong nước lại lo lắng tính thiếu ổn định của giá cả bất động sản và lạm phát sẽ ảnh hưởng đến người gửi và vay từ ngân hàng tiết kiệm nhà ở.

Hơn nữa, nước ta hiện có khá nhiều các tổ chức tín dụng và đang trong quá trình tái cơ cấu. Bản thân các tổ chức tín dụng đã có những sản phẩm hướng đến đối tượng có nhu cầu vay tiền mua nhà ở. Việc thành lập thêm một ngân hàng tiết kiệm nhà ở, vì vậy, không cần thiết. Thay vào đó, Bộ Xây dựng nên thực hiện tốt các chính sách liên quan đến Quỹ tiết kiệm nhà ở.

Dù sao, nói như TS. Cấn Văn Lực, NHNN và Bộ Xây dựng phải tính kỹ và giải quyết rất nhiều vấn đề xung quanh mới có thể bảo đảm tính khả thi của mô hình ngân hàng nhà ở tiết kiệm.