TS. Vũ Đình Ánh: “Thuế tài sản đặt trong tổng thể cải cách hệ thống thuế“

PV. (Tổng hợp)

Trước việc Dự án Luật thuế Tài sản mới được Bộ Tài chính công bố đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận, chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh đã có ý kiến đánh giá xác đáng, chuyên sâu về vấn đề này.

Phóng viên: Xin ông cho biết thêm về bản chất của loại thuế này và định hướng của Đảng và Nhà nước đối với sắc thuế này như thế nào?

TS. Vũ Đình Ánh: “Thuế tài sản đặt trong tổng thể cải cách hệ thống thuế“ - Ảnh 1
TS. Vũ Đình Ánh

TS. Vũ Đình Ánh: Để hiểu rõ hơn về những đề xuất mà Bộ Tài chính đưa ra tại Dự án Luật Thuế tài sản, theo tôi, trước hết cần nắm rõ bản chất của loại thuế tài sản.

Thuế tài sản là một sắc thuế nằm trong hệ thống thuế và đối tượng đánh thuế của nó là tài sản. Tài sản ở đây được hiểu nghĩa là những của cải vật chất sử dụng cho sản xuất và tiêu dùng. Tuy nhiên, đánh thuế tài sản ở mức độ nào thì tùy thuộc vào điều kiện kinh tế - xã hội của từng quốc gia và không có sự đồng nhất giữa các nước trên thế giới. Việc đánh thuế và lộ trình đánh thuế tài sản theo hướng nào cũng phụ thuộc vào những điều kiện kinh tế - xã hội của từng quốc gia.

Thuế tài sản là sắc thuế rất phổ biến, phổ thông trên thế giới và nằm trong hệ thống thuế. Tại Việt Nam, thuế tài sản đã được Đảng và Nhà nước định hướng chỉ đạo tại Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị cũng nêu rõ quan điểm, về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững cũng đã đề ra một trong các giải pháp thực hiện là: “Tập trung cơ cấu lại nguồn thu; hoàn thiện chính sách thu gắn với cơ cấu lại thu ngân sách nhà nước… khai thác tốt thuế thu từ tài sản, tài nguyên, bảo vệ môi trường”.

Tại Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã nêu rõ: “...hoàn thiện chính sách tài chính, thuế liên quan đến đất đai nhằm khuyến khích sử dụng có hiệu quả, khuyến khích hạn chế đầu cơ tài nguyên đất đai, nhà ở”.

Như vậy, có thể khẳng định rằng, những đề xuất Bộ Tài chính đưa ra tại Dự án Luật thuế Tài sản này đều nằm trong lộ trình, nằm trong Chương trình cải cách hệ thống thuế đến năm 2020 với từng giai đoạn, kế hoạch cụ thể.

Thưa ông, sự khác biệt giữa tiền thuế sử dụng đất và thuế tài sản như thế nào? Nếu như Luật thuế Tài sản được áp dụng thì các loại thuế liên quan đến đất đai sẽ được xem xét theo hướng nào?

Như tôi khẳng định thuế tài sản lần này được đặt trong tổng thể cải cách hệ thống thuế, do đó, các nội dung về thuế tài sản sẽ được đặt cân đối với các sắc thuế khác trong tổng thể. 

Tại Dự án Luật thuế Tài sản, Bộ Tài chính nêu rõ, việc quy định đối tượng chịu thuế và đối tượng không chịu thuế tài sản đối với đất phi nông nghiệp được kế thừa trên cơ sở quy định về đối tượng chịu thuế của Luật thuế sử dụng phi nông nghiệp và đảm bảo phù hợp với quy định về phân loại đất của Luật Đất đai năm 2013.

Khi có Luật thuế Tài sản thì đất được coi là một loại tài sản, cho nên tiền sử dụng đất chắc chắn có sự điều chỉnh trên nguyên tắc tạo ra tính đồng bộ để khắc phục những bất cập trong thực tế hiện nay, đồng thời, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp sẽ được bãi bỏ.

Tôi hy vọng rằng, qua việc lấy ý kiến rộng rãi của Bộ Tài chính, chúng ta có điều kiện để bàn thảo về Dự án Luật thuế Tài sản lần này, chúng ta có thể đưa ra những phương án khắc phục được hạn chế đang xảy ra trong thực tế liên quan đến đất và các khoản thu về đất như hiện nay.

Điều chỉnh các sắc thuế luôn là vấn đề nhạy cảm, theo ông, đối với Dự án Luật thuế Tài sản cần được thực hiện theo lộ trình như thế nào để phù hợp với bối cảnh kinh tế - xã hội nước ta hiện nay?

Chính sách về thuế luôn là một vấn đề nhạy cảm, tác động nhiều chiều, được dư luận đặc biệt quan tâm, do vậy, vấn đề đặt ra là cần có lộ trình để tiếp cận với dư luận ở nhiều góc độ, phương diện. Bởi, khi người dân thấy được đồng tiền thuế của họ được sử dụng hợp lý, công khai, minh bạch thì việc điều chỉnh các sắc thuế sẽ không nặng nề.

Để làm được điều này, theo tôi, chúng ta cần có cách truyền thông hợp lý, cơ quan soạn thảo cần đứng từ phía đối tượng chịu thuế để giải thích, thuyết phục đưa ra những căn cứ lập luận chắc chắn để hạn chế những vướng mắc, bức xúc trong xã hội. Điều này rất cần thiết khi điều chỉnh các sắc thuế nói chung và Dự án Luật thuế Tài sản nói riêng..

Xin cảm ơn ông!