Từ sông Nile nhìn về sông Mekong: Vì một dòng sông thịnh vượng và bền vững

Phạm Tuấn Phan - Giám đốc Điều hành, Ủy hội Sông Mekong Quốc tế

Tại Hội nghị Thượng đỉnh Ủy hội Sông Mekong Quốc tế lần thứ ba diễn ra hồi tháng 4 ở Siem Reap (Campuchia), lãnh đạo các quốc gia Việt Nam, Lào, Campuchia và Thái Lan đã cam kết cùng hành động để phát triển sông Mekong một cách bền vững. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm có nhiều ý kiến quan ngại về tính bền vững của Hiệp định Mekong được ký giữa 4 nước năm 1995 cũng như vai trò của Ủy hội Sông Mekong Quốc tế trong việc quản lý nguồn nước và các quyết định liên quan đến đập thủy điện trên dòng chính. Ông Phạm Tuấn Phan, Giám đốc Điều hành Ủy hội Sông Mekong Quốc tế, đã có bài viết để giải đáp những băn khoăn này.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Đập thủy điện Đại Phục Hưng do Ethiopia đang xây dựng trên sông Nile đang gây tranh cãi cho 11 quốc gia ven dòng sông Nile và có thể gây ra một cuộc chiến tranh về nước. Trải qua hơn 200 năm thương thảo, và gần đây nhất là hơn 10 năm đàm phán Thỏa thuận Khung Hợp tác (Cooperative Framework Agreement - CFA), các quốc gia ven sông Nile vẫn chưa đạt được bất cứ cam kết nào.

Mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm khi đập thủy điện Đại phục hưng của Ethiopia, đập thủy điện lớn nhất châu Phi sắp hoàn thành với hồ chứa 63 tỷ mét khối được cho là sẽ gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến các quốc gia ở lưu vực sông là Sudan và đặc biệt là Ai Cập. Ai Cập thậm chí từng tuyên bố, nếu các nỗ lực ngoại giao thất bại và căng thẳng leo thang, Ai Cập sẵn sàng cho máy bay ném bom con đập này.

Từ ví dụ Ai Cập cũng là quốc gia ở cuối sông như Việt Nam và đã từ chối tham gia hiệp định tương tự như Hiệp định Mekong sau hơn chục năm thương thảo, có thể thấy Chính phủ Việt Nam đã thể hiện tinh thần hợp tác cao cả, lòng yêu chuộng hòa bình, tinh thần láng giềng thân thiện khi chủ động xúc tiến ký kết Hiệp định Mekong 1995 và là nước duy nhất trong sáu nước lưu vực sông Lan Thương - Mekong phê chuẩn Công ước Nước 1997 của Liên Hợp Quốc.

Hiệp định có giá trị pháp lý duy nhất liên quan đến sông Mekong

Hiệp định Mekong ra đời cùng với Ủy hội Sông Mekong Quốc tế năm 1995 được coi là mốc lịch sử quan trọng đối với dòng sông Mekong và các quốc gia ven sông nhằm “quản lý và phát triển bền vững nguồn tài nguyên nước của lưu vực sông Mekong”. Các nguyên tắc hợp tác cũng rất rõ ràng: “Bảo đảm chủ quyền và bình đẳng của các quốc gia và phát triển công bằng, hợp lý”.

Hiệp định Mekong 1995 được giới chuyên môn và lãnh đạo trên thế giới đánh giá rất tiến bộ và Ủy hội Sông Mekong Quốc tế là một tổ chức lưu vực sông hoạt động hiệu quả hàng đầu trên thế giới.

Công ước Nước của Liên Hợp Quốc là một công ước quan trọng, có nhiều điểm chung với Hiệp định 1995. Tuy nhiên chỉ duy nhất Việt Nam phê duyệt Công ước này năm 2014 và do chỉ có Việt Nam là thành viên, Công ước này không có tính hiệu lực ở khu vực Mekong và Lan Thương.

Điều này càng chứng tỏ Hiệp định Mekong 1995 là hiệp định duy nhất về quản lý nguồn nước của khu vực và là thỏa thuận tốt nhất mà bốn quốc gia ở lưu vực sông Mekong cam kết được, thể hiện sự tiến bộ cũng như giá trị pháp lý phù hợp nhất trong khu vực.

Cùng với thời gian và những biến đổi của tình hình kinh tế, chính trị, việc xem xét để cập nhật và bổ sung Hiệp định rất cần thiết. Ủy hội đã và đang tiếp tục đề nghị củng cố Hiệp định 1995 mà không bỏ đi những gì Hiệp định 1995 đã đạt được. Tuy nhiên, quyết định cuối cùng tùy thuộc vào bốn quốc gia thành viên.

Hiệu quả của Quy trình Thông báo, tham vấn trước và thỏa thuận (PNPCA)

Cần phải nhìn nhận một cách khách quan rằng trên thế giới, chưa từng có công trình thủy điện trên dòng chính nào được xây dựng mà chấp nhận lấy ý kiến các bên như thủy điện trên dòng chính của sông Mekong.

Cũng chưa từng có tiền lệ trên thế giới cho việc một quốc gia có chủ quyền trình dự án trên lãnh thổ của mình để các quốc gia khác xem xét. Chính vì vậy, quá trình tham vấn cần được nhìn nhận là nỗ lực lớn lao của cả Ủy hội Sông Mekong Quốc tế và các quốc gia thành viên. Xung đột trong việc xây đập thủy điện Đại Phục Hưng của Ethiopia là minh chứng hùng hồn cho Ủy hội và Hiệp định Mekong.

Ba tham vấn cho thủy điện Xayaburi, Dong Sahong và Pak Beng có thể coi là thành công của Hiệp định Mekong 1995, của Ủy hội Sông Mekong. Do yêu cầu của quy trình Thông báo, tham vấn trước và thỏa thuận (PNPCA), quốc gia tiến hành xây dựng đập mới phải chia sẻ thông tin và kế hoạch, nhờ đó cộng đồng mới có thông tin cũng như cơ hội để đối thoại với chính phủ, nhà đầu tư và các quốc gia liên quan.

Đối với thủy điện Xayaburi, Chính phủ Lào và nhà đầu tư đã bổ sung 400 triệu USD để cải tiến xả phù sa, thêm âu thuyền, làm đường đi cho cá. Đây là một bước tiến đáng kể vì nếu không có quy trình tham vấn trước, nhà đầu tư sẽ không có các biện pháp bổ sung để bảo đảm giảm thiểu tác động của thủy điện đến môi trường.

Giá trị của Nghiên cứu Hội đồng

Từ năm 2012 - 2017, Ủy hội Sông Mekong Quốc tế tiến hành Nghiên cứu về Quản lý và Phát triển bền vững lưu vực sông Mekong, bao gồm đánh giá tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính, được gọi ngắn gọn là “Nghiên cứu Hội đồng”. Nghiên cứu nhằm xây dựng thêm bằng chứng khoa học đáng tin cậy về tác động tích cực cũng như tiêu cực của quá trình sử dụng tài nguyên nước lên môi trường, kinh tế và xã hội.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh của Ủy hội Sông Mekong tháng 4 vừa qua, lãnh đạo 4 nước đã thông qua Tuyên bố chung Siem Reap, trong đó Điểm 9 của Tuyên bố chung nêu rõ: “Nghiên cứu Hội đồng được hoàn thiện và các kết quả, kho tri thức và công cụ được sử dụng của Nghiên cứu rất có giá trị đối với các nước thành viên, Ủy hội Sông Mekong Quốc tế và các bên liên quan”.

Điểm 21 nằm trong phần Ưu tiên hành động của Tuyên bố chung có yêu cầu các chính phủ và Ủy hội “xem xét kết quả của Nghiên cứu Hội đồng làm định hướng cho việc lập kế hoạch và triển khai các kế hoạch và dự án ở cấp quốc gia, cũng như trong công việc của Ủy hội, bao gồm cả ở góc độ chính sách và chuyên môn kỹ thuật để nắm bắt các cơ hội phát triển và xác định các đánh đổi, chia sẻ lợi ích, rủi ro”.

Với nỗ lực của mình, Ủy hội Sông Mekong Quốc tế và bốn quốc gia thành viên đã và đang nỗ lực để hợp tác quản lý dòng sông Mekong một cách hiệu quả và bền vững nhất. Chúng tôi hy vọng các hoạt động của Ủy hội cùng nỗ lực của các chính phủ và mọi người dân trên dòng Mekong được ghi nhận để chung tay quản lý tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan của lưu vực sông Mekong.