Từ tăng trưởng GDP 2 quý đầu năm: Đi tìm cái nhìn dài hạn

Theo baocongthuong.com.vn

Câu chuyện tăng trưởng GDP luôn trở thành tâm điểm của dư luận trong những tháng vừa qua. Khi tăng trưởng của quý I đột ngột rơi xuống mức thấp 5,15%, một loạt dấu hỏi đặt ra về nguyên nhân dẫn đến tình trạng này trong bối cảnh đà tăng trưởng dường như đã được lấy lại trong năm 2016. Và khi tăng trưởng quí II/2017 tăng tới 6,17% thì dư luận lại tập trung vào việc liệu mức tăng trưởng như vậy có hợp lý hay không, có bền vững hay không.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tăng trưởng quý II là đột biến 

GDP quý II/2017 tăng 6,17% so với cùng kỳ góp phần giúp tăng trưởng 6 tháng đầu năm đạt mức 5,73%. Thông thường GDP của Việt Nam có mức tăng trưởng thấp trong quý I, sau đó tăng tốc dần vào các quý sau. Tuy nhiên tốc độ tăng trưởng quý II năm nay cao hơn tốc độ tăng trưởng quý I tới hơn 1 điểm phần trăm có thể được xem là mức tăng đột biến.

Từ năm 2001 trở lại đây chỉ có một lần duy nhất điều này diễn ra vào quý II. Đó là vào năm 2009, khi tăng trưởng quý I/2009 của Việt Nam chỉ đạt 3,14% do khủng khoảng kinh tế - tài chính toàn cầu, và tăng trưởng quý II đã hồi phục trở lại, đạt mức 4,41%. Nếu chúng ta loại trừ trường hợp đặc biệt năm 2009, trong quá khứ từ 2001 tới 2016, mức tăng quý sau hơn quý trước trên 1 điểm phần trăm chỉ diễn ra 6 lần và đều rơi vào quý III.

Tăng trưởng của GDP 6 tháng đầu năm 2017 có đóng góp quan trọng bởi khu vực dịch vụ. Trong khi khu vực nông nghiệp chỉ đóng góp 0,43 điểm phần trăm, khu vực công nghiệp và xây dựng đóng góp 2 điểm phần trăm thì khu vực dịch vụ đóng góp tới 2,59 điểm phần trăm. Điều này có được là nhờ khu vực dịch vụ tăng trưởng ở mức 6,85% trong 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước. 

Từ "hiện tượng” tăng trưởng như đã thấy ở quý II/2017, một số kịch bản tăng trưởng cho cả năm 2017 đã được các chuyên gia phác họa. Báo cáo của Viên Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng, so với kỳ vọng 6,7% của Chính phủ thì con số 6,3% có lẽ thực tế hơn. Trong khi đó, báo cáo cập nhật quý II/2017 của Công ty Nghiên cứu thị trường MarketIntello đã nâng GDP của năm 2017 sẽ lên mức 6,4%.

Đây cũng là các kịch bản mà Ngân hàng Thế giới đưa ra mới đây trong báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam năm 2017. Duy chỉ có Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) có hạ con số tăng trưởng GDP của Việt Nam xuống. Tuy nhiên, điều mà hầu hết các chuyên gia đều nhất trí là ngay cả khi có được mô tả là đột biến thì tăng trưởng 2 quý đầu của năm 2017 cho thấy đã đến lúc tạo những kỳ vọng mới cho tăng trưởng dài hạn, không chỉ của riêng năm 2017.

Cơ sở để kỳ vọng GDP tiếp tục tăng trưởng cao
Với việc GDP của nền kinh tế tăng trưởng phụ thuộc vào khu vực dịch vụ như trong 6 tháng đầu năm 2017, triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế 6 tháng cuối năm là tương đối sáng sủa. Số liệu thống kê từ năm 2000 đến nay cho thấy, khu vực dịch vụ là khu vực có mức tăng trưởng tương đối ổn định nếu so sánh với khu vực công nghiệp xây dựng và khu vực dịch vụ.
Từ quý III/2015 trở lại đây, khu vực này thể hiện xu hướng tăng khá bền vững, tức là ở mức dưới 6% lên mức 6,85% vào quí II/2017. Vì vậy, nếu như trong 6 tháng cuối năm khu vực dịch vụ tiếp tục xu hướng tăng trưởng như thời gian vừa qua thì triển vọng nền kinh tế duy trì được tốc độ tăng trưởng cao là hoàn toàn có thể. 

Trước việc tăng trưởng kinh tế trong quý I chỉ đạt mức tăng 5,1%, Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp để duy trì mức tăng trưởng 6,7% của cả năm theo kế hoạch. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành Chỉ thị số 24/CT-TTg yêu cầu các bộ, ngành thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy tăng trưởng các ngành, lĩnh vực nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2017.

Đáng chú ý nhất trong các giải pháp là nâng tỷ trọng tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên GDP lên mức kỷ lục 34 - 35%. Nếu như kế hoạch này được thực hiện thì đây sẽ là tỷ trọng cao nhất kể từ năm 2010. Để đạt được mức đầu tư toàn xã hội cao như vậy, Chính phủ tập trung vào các giải pháp đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn đầu tư công, hạ lãi suất và xử lý nợ xấu để thúc đẩy tín dụng, tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài, v.v…

Trong thời gian vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã có một loạt động thái kích thích tăng trưởng tín dụng như thuyết phục được Chính phủ và Quốc hội thông qua Nghị quyết xử lý nợ xấu; hạ các mức lãi suất cơ bản thêm 0,25 điểm %, hạ mức trần cho vay ngắn hạn trong một số ngành ưu tiên thêm 0,5 điểm %. Nhóm giải pháp đáng chú ý tiếp theo là tăng cường khai thác khoáng sản, đặc biệt là dầu thô.

Trong bối cảnh sức cầu trong nước vẫn yếu, mở rộng thị trường xuất khẩu có lẽ vẫn sẽ là “lối ra” để cho nền kinh tế Việt Nam duy trì được đà tăng trưởng cao trong năm nay. Đặt trong bố cảnh nền kinh tế toàn cầu có dấu hiệu hồi phục, từ Mỹ cho tới châu Âu và Trung Quốc, thì đây là cơ hội tốt để Việt Nam gia tăng xuất khẩu.