Tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế theo cấp độ tuân thủ

TS. Nguyễn Thị Lệ Thúy

Tuyên truyền hỗ trợ là giải pháp quan trọng để đảm bảo sự tuân thủ của người nộp thuế (NNT). Đồng nghĩa, tập trung vào các giải pháp tuyên truyền hỗ trợ, tức là cơ quan quản lý thuế đã chuyển từ cách tiếp cận truyền thống là tập trung vào sự cưỡng chế - yếu tố buộc NNT phải tuân thủ sang quan điểm người nộp thuế hiểu và tuân thủ tự nguyện.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Sự tuân thủ của NNT có thể được phân chia theo 4 cấp độ: (1) Nhóm NNT cam kết tuân thủ, đây là những NNT cảm thấy hài lòng với quy trình quản lý thuế, tuân thủ một cách tích cực, thậm chí có thể thay mặt cơ quan thuế khuyến khích đối tượng khác tuân thủ; (2) Nhóm NNT chấp nhận tuân thủ, gồm những NNT thực hiện theo những yêu cầu quản lý thu thuế và tin tưởng vào cơ quan thuế; (3) Nhóm miễn cường tuân thủ, có sự đối đầu với cơ quan thuế; (4) Nhóm từ chối tuân thủ, gồm những trường hợp hoàn toàn tách ra khỏi sự quản lý của của cơ quan thuế.

Các chỉ số đặc trưng cho các cấp độ tuân thủ thuế

Tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế theo cấp độ tuân thủ - Ảnh 1

Sự tuân thủ thuế ở mỗi cấp độ được thể hiện qua các chỉ số nộp đủ, đúng thời gian và tự nguyện. Theo đó, cấp độ “cam kết” được thể hiện ở ba chỉ số đều tốt là nộp đủ, nộp đúng thời gian, tự nguyện. Cấp độ “chấp nhận” được thể hiện ở hai chỉ số tốt là nộp đủ + nộp đúng thời gian. Cấp độ “miễn cưỡng” chỉ thể hiện ở một chỉ số nộp đủ, cấp độ “từ chối” đuợc thể hiện ở ba chỉ số đều rất kém.

Người nộp thuế ở cấp độ thứ nhất hay thứ hai nói chung là tuân thủ, trong khi ở nhóm thứ ba và thứ tư luôn có tư tưởng từ chối nghĩa vụ thuế. Do đó, mục tiêu tuyên truyền và hỗ trợ thuế theo cấp độ tuân thủ là đảm bảo quyền được cung cấp thông tin về quyền lợi và nghĩa vụ thuế cũng như kiến thức để hoàn thành nghĩa vụ của NNT. Từ đó, thay đổi từng bước cấp độ tuân thủ của NNT, hướng đến cấp độ tích cực hơn và xây dựng hình ảnh cơ quan thuế phục vụ, chuyển tải thông tin và hỗ trợ hơn là một cơ quan cưỡng chế thuế.

Để thực hiện mục tiêu nói trên, các cơ quan quản lý thuế có thể tham khảo thực hiện những chính sách cơ bản trong đổi mới tuyên truyền và hỗ trợ NNT theo các cấp độ tuân thủ thuế khác nhau. Theo đó, với nhóm “sẵn sàng tuân thủ”, chương trình tuyên truyền cần tập trung nâng cao vị thế, danh tiếng và vai trò của NNT có cấp độ tuân thủ tích cực. Cơ quan thuế có thể nghiên cứu cơ chế khuyến khích người nộp thuế nhóm này tham gia thiết kế và thực thi các hoạt động tư vấn hỗ trợ NNT ở cấp độ tuân thủ thấp hơn.

Đối với nhóm NNT ở cấp độ “chấp nhận” sẽ tập trung tuyên truyền quyền lợi và nghĩa vụ của NNT. Các hoạt động hỗ trợ và tư vấn có vai trò chuyển tải thông tin chính sách mới, hỗ trợ NNT lưu giữ sổ sách kế toán nhằm giúp họ tránh những sai lỗi không dự tính. Mặt khác các hoạt động hỗ trợ tư vấn tập trung cung cấp đầy đủ thông tin phản hồi cho người nộp thuế về quá trình và kết quả hoàn thành nghĩa vụ thuế của họ.

Đối với nhóm “miễn cưỡng”, nội dung tuyên truyền trọng tâm là các chính sách thanh kiểm tra, các chính sách cưỡng chế thuế, các quy định xử lý vi phạm luật thuế và rủi ro mà NNT sẽ phải gánh chịu; công bố rộng rãi danh sách NNT chây ỳ, nợ đọng thuế. Các chương trình hỗ trợ cần tập trung vào trang bị kiến thức cần thiết về thuế và thủ tục kê khai, nộp thuế nhằm tối thiểu hoá khả năng vi phạm luật thuế do thiếu hiểu biết.

Đối với nhóm “từ chối”, trọng tâm của tuyên truyền là phổ biến các biện pháp xử lý vi phạm pháp luật thuế, phổ biến quyền lực của cơ quan thuế trong kiểm tra, thanh tra, sự phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan trong thanh tra, điều tra để phát hiện và truy tố hành vi trốn thuế, công bố rộng rãi danh sách NNT bị truy tố và xử lý vi phạm pháp luật thuế. Các chương trình hỗ trợ kết hợp với các chương trình quản lý đăng ký, kê khai thuế sát sao buộc NNT xây dựng hệ thống sổ sách kế toán đầy đủ, hỗ trợ thường xuyên để họ hoàn thành các bản khai thuế, tường trình đầy đủ các giao dịch và hoàn thành nghĩa vụ thuế.

Mục tiêu cao nhất của công tác tuyên truyền, hỗ trợ là làm thay đổi từng bước cấp độ tuân thủ của NNT, hướng đến cấp độ tích cực hơn, nhằm tối thiểu hóa số người nộp thuế ở cấp độ tuân thủ tiêu cực. Với mục tiêu này, các giải pháp của chính sách sẽ là những chương trình tuyên tuyền và hỗ trợ đặc thù cho các nhóm tuân thủ ở các cấp độ khác nhau.

Trong quá trình xây dựng chính sách, cơ quan thuế có thể xây dựng và thực thi cơ chế khuyến khích sự tham gia của NNT và các tổ chức tư vấn thuế, nhằm đảm bảo Chính sách sát với đặc điểm và nhu cầu của NNT.

Đồng thời, cơ quan thuế cần ưu tiên cho các hoạt động phổ biến chính sách rộng rãi đến người nộp thuế; ban hành tiêu chí phân nhóm người nộp thuế và xác định danh sách người nộp thuế thuộc các nhóm tuân thủ khác nhau trên cơ sở thông tin về lịch sử người nộp thuế. Đặc biệt, cần đổi mới quy trình lập kế hoạch tuyên truyền và hỗ trợ ở cơ quan thuế hướng vào nhu cầu khách hàng là người nộp thuế; tập huấn các kỹ năng tuyên truyền và hỗ trợ cho cán bộ thuế đặc biệt là kỹ năng truyền đạt thông tin, diễn thuyết và giao tiếp. Ngoài ra, cần đánh giá kết quả tuyên truyền hỗ trợ dựa trên sự thay đổi cấp độ tuân thủ của người nộp thuế và Tranh thủ sự giúp đỡ của các chuyên gia thuế và các đại diện theo ngành phối hợp tiến hành các chương trình tuyên truyền phù hợp với thực tiễn.