Vai trò của công nghệ thông tin ngành Thuế

Công nghệ thông tin (CNTT) là một trong những giải pháp nhằm đạt mục tiêu của cải cách hành chính hiệu quả, chất lượng trong cách thức hoạt động, điều hành của bộ máy hành chính nhà nước; Làm cho bộ máy chuyển từ chức năng “chèo thuyền” sang “lái thuyền”, chuyển từ cơ chế hành chính “xin cho” sang cơ chế hành chính “phục vụ” và làm cho nền hành chính có khả năng kiểm soát được lãng phí, thất thoát và tham nhũng. Do vậy, chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước theo Nghị quyết 30c/NQ-CP ngày 8/11/2011 của Chính phủ tập trung vào các mục tiêu: Cải cách thể chế; Cải cách thủ tục hành chính; Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Cải cách tài chính công và hiện đại hoá hành chính. Trong đó, CNTT tham gia vào tất cả các nhiệm vụ của cải cách hành chính song được thể hiện rõ nhất trên hai phương diện: (i) Trong quy trình xử lý công việc của từng cơ quan hành chính nhà nước, giữa các cơ quan hành chính nhà nước với nhau; (ii) Trong giao dịch với tổ chức, cá nhân, đặc biệt là trong hoạt động dịch vụ hành chính công, dịch vụ công của đơn vị sự nghiệp công.

Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 732/QĐ-TTg ngày 17/5/2011, xác định: Bên cạnh việc xây dựng một thể chế chính sách thuế đồng bộ, thống nhất, công bằng, minh bạch; Quy trình thủ tục hành chính thuế đơn giản, khoa học phù hợp với thông lệ quốc tế; Nguồn nhân lực có chất lượng; Ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động quản lý thuế có tính liên kết, tự động hoá cao, gắn chặt với quá trình cải cách hành chính thuế. Trong đó, Ứng dụng CNTT và áp dụng thuế điện tử để nâng cao hiệu quả của công tác quản lý thuế được xem như là một mục tiêu trọng tâm. Điều này được thể hiện rõ qua từng giai đoạn với những con số cụ thể: Giai đoạn từ 2011-2015, tối thiểu 60% doanh nghiệp (DN) sử dụng các dịch vụ thuế điện tử; 50% DN thực hiện đăng ký thuế, khai thuế qua mạng internet; Số tiền thuế được nộp qua hệ thống ngân hàng đạt tối thiểu 80% số thuế đã kê khai. Đến giai đoạn 2016-2020, tối thiểu 90% DN sử dụng các dịch vụ thuế điện tử; 65% DN thực hiện đăng ký thuế, khai thuế qua mạng internet; Số tiền thuế được nộp qua hệ thống ngân hàng đạt tối thiểu 90% số thuế đã kê khai.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính thuế đã mang lại nhiều lợi ích không chỉ cho người nộp thuế mà còn nâng cao hiệu quả quản lý thuế của cơ quan thuế, cụ thể:

Đơn giản hoá thủ tục hành chính cho người nộp thuế: Với sự phát triển mạnh mẽ của CNTT, thay vì phải đến cơ quan thuế nộp trực tiếp hồ sơ khai (nộp) thuế, chỉ cần một máy tính có kết nối internet người nộp thuế đã có thể gửi hồ sơ khai thuế và nộp thuế ở bất cứ đâu: Ở nhà, cơ quan, công viên, thư viện…

Tiết kiệm chi phí tuân thủ cho người nộp thuế và chi phí hành chính cho cơ quan thuế: Việc gửi hồ sơ khai (nộp) thuế điện tử giúp người nộp thuế tiết kiệm chi phí in ấn, đi lại và chờ đợi khi đến nộp thuế tại cơ quan thuế, đồng thời giảm áp lực cho cơ quan thuế trong những ngày cao điểm và giảm nhân lực nhập dữ liệu, lưu trữ hồ sơ tại cơ quan thuế. Đồng thời, giảm thiểu tương tác giữa cơ quan thuế và người nộp thuế, góp phần giảm tình trạng nhũng nhiễu, cửa quyền, tham nhũng gây phiền hà cho người nộp thuế của một bộ phận cán bộ công chức thực thi quyền lực nhà nước.

Góp phần nâng cao thứ hạng của Việt Nam trong Báo cáo môi trường kinh doanh về mức độ thuận lợi về thuế: Trong Báo cáo môi trường kinh doanh, việc áp dụng hình thức kê khai (nộp) thuế điện tử được coi là một biện pháp cải cách rất tốt và có tác động tích cực đến việc đánh giá chỉ số “nộp thuế”. Cải cách này đã được rất nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng nhằm mục đích đơn giản hoá quy trình thực hiện nghĩa vụ thuế; Tiết kiệm chi phí tuân thủ cho người nộp thuế, góp phần nâng cao thứ hạng của quốc gia.

Hỗ trợ và tạo thuận lợi hơn cho người nộp thuế

Trước khi hệ thống khai thuế điện tử được triển khai, người nộp thuế (NNT) thường thực hiện kê khai thuế theo phương pháp truyền thống (bằng giấy). Phương pháp kê khai này đã gây rất nhiều phiền hà và tốn kém cho NNT và cơ quan thuế. Nhằm triển khai mục tiêu về hiện đại hoá trong việc cung cấp các dịch vụ công cho NNT theo Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước và Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020 theo Quyết định số 732/ QĐ-TTg ngày 17/5/2011, ngành Thuế đã tập trung triển khai ứng dụng công nghệ thông tin nhằm hỗ trợ NNT trong kê khai và nộp thuế.

Cụ thể, căn cứ Quyết định 201/2004/QĐ-TTg ngày 06/12/2004 và 222/2005/QĐ-TTg ngày 15/9/2005, năm 2008 Tổng cục Thuế đã xây dựng dự án khai thuế qua mạng. Ngày 29/12/2008, dự án Nộp hồ sơ khai thuế qua mạng được phê duyệt gồm các nội dung về quy trình khai thuế qua mạng, giải pháp công nghệ xây dựng hệ thống và xử lý tờ khai điện tử. Hệ thống khai thuế qua mạng đã bắt đầu được triển khai thí điểm đối với các DN tại 4 địa bàn: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng và Bà Rịa – Vũng Tàu kể từ tháng 8/2009 cho các tờ khai thuế: Giá trị gia tăng, thu nhập DN, tiêu thụ đặc biệt, tài nguyên, thu nhập cá nhân, báo tình hình sử dụng hóa đơn, tờ khai thuế nhà thầu nước ngoài.

Năm 2010, Tổng cục Thuế phối hợp với Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính) nghiên cứu, xây dựng Thông tư số 180/2010/TT-BTC hướng dẫn giao dịch điện trong lĩnh vực thuế, tạo cơ sở pháp lý để các tổ chức cung cấp dịch vụ khai thuế qua mạng ra đời và hoạt động. Hệ thống khai thuế qua mạng theo đó cũng có căn cứ để triển khai sâu rộng trong cả nước. Hiện Tổng cục Thuế đã thực hiện việc tích hợp hệ thống khai thuế qua mạng với hệ thống chứng thực chữ ký số của các đơn vị được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép, tạo thuận lợi nhất cho NNT trong việc khai thuế qua mạng.

Nhận thức hiệu quả tích cực từ việc xã hội hóa công tác kê khai thuế qua mạng, Tổng cục Thuế đã chính thức cấp phép cho các Tổ chức cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng trong lĩnh vực thuế hoạt động từ năm 2011. Tổ chức cung cấp dịch vụ khai thuế qua mạng thực hiện “sứ mệnh” là đơn vị trung gian giữa NNT và cơ quan thuế, giúp đẩy nhanh quá trình triển khai mở rộng hệ thống khai thuế qua mạng trên khắp cả nước. Đặc biệt, với sự chuẩn bị đầy đủ cả về nhân lực lẫn công nghệ, thời gian vừa qua, Tổng cục Thuế còn liên tục triển khai mở rộng cho các địa bàn tỉnh, thành phố cả nước. Đến nay ngành Thuế đã triển khai dự án Kê khai thuế qua mạng cho 63 Cục Thuế địa phương trên cả nước, hỗ trợ và tạo thuận lợi cho NNT trong việc thực hiện nghĩa vụ kê khai thuế, góp phần tích cực vào công cuộc cải cách thủ tục hành chính nói chung và thủ tục thuế nói riêng. Tính đến 31/5/2014 số NNT được cấp dịch vụ đã lên tới 369.448 người, số NNT thực hiện gửi hồ sơ khai thuế qua mạng là 366.915 NNT, đạt 99,3% so với số NNT được cấp dịch vụ.

Tương tự, đề án thí điểm Nộp thuế điện tử cũng đã được triển khai thí điểm tại 3 tỉnh (Hà Nội, Bắc Ninh và Vĩnh Phúc) nhằm thực hiện mục tiêu hiện đại hóa công tác thu nộp ngân sách nhà nước; Cải cách hành chính ngành Thuế; Hỗ trợ cơ quan thuế trong việc quản lý; Xử lý thông tin thu nộp thuế nhanh chóng, chính xác; Tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý thuế. Trên thực tế, nộp thuế điện tử là một bước tiến mới của toàn ngành Thuế sau quá trình triển khai phương thức kê khai thuế qua mạng nhằm giúp các DN tiết giảm chi phí, công sức, tăng hiệu quả và giảm rủi ro khi thực hiện các nghĩa vụ thuế. Tham gia dịch vụ này, người nộp thuế sẽ có 3 tiện ích: Thực hiện thủ tục nộp thuế nội địa hay thuế xuất nhập khẩu tại bất cứ thời điểm nào (kể cả trong ngày nghỉ) và ở mọi địa điểm có kết nối internet; Người nộp thuế sẽ tiết kiệm được chi phí đi lại, thời gian và công sức. Thậm chí, người nộp thuế còn có thể dễ dàng theo dõi, giám sát và quản lý các giao dịch nộp thuế, theo dõi được tình hình thực hiện nộp ngân sách nhà nước thông qua tài khoản và được sử dụng các dịch vụ gia tăng ưu đãi khác của các ngân hàng thương mại. Tính đến ngày 27/5/2014, đã có 272 DN thực hiện nộp thuế điện tử với tổng số chứng từ 344 chứng từ, số tiền nộp tương ứng là trên 114 tỷ đồng.

Trong tháng 6/2014, Tổng cục Thuế tiếp tục ký thỏa thuận nộp thuế điện tử với 04 ngân hàng (Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn; Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam; Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam; Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân Đội) và tiếp tục xây dựng kế hoạch triển khai mở rộng tại 15 Cục Thuế. Trước đó, Tổng cục Thuế đã phối hợp với Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam thực hiện triển khai thí điểm hệ thống thông tin kết nối cung cấp dịch vụ nộp tiền thuế qua mạng tại Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh từ ngày 9/2/2014.

Lộ trình dự kiến hoàn thành vào năm 2015

Thuận lợi: Nhận được sự đồng thuận và ủng hộ của cộng đồng DN đối với việc khai thuế điện tử, trên cương vị là đơn trị trực tiếp triển khai hệ thống khai thuế qua mạng tới DN, các cục thuế, cán bộ thuế địa phương đã tổ chức tốt công tác triển khai, từ khâu tuyên truyền đến việc tập huấn, hướng dẫn và hỗ trợ NNT sử dụng ứng dụng. Trong đó phải kể tới sự tham gia tích cực, hỗ trợ có hiệu quả của các đơn vị cung cấp dịch vụ CNTT như các nhà cung cấp chữ ký số, Tổ chức cung cấp dịch vụ khai thuế qua mạng. Bởi với số lượng hàng trăm nghìn DN sử dụng ứng dụng, hạ tầng kỹ thuật mạng để kê khai thuế, nếu không có sự tham gia hỗ trợ của các nhà cung cấp dịch vụ CNTT thì các cơ quan Thuế khó có đủ nhân lực để triển khai và hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp trong quá trình kê khai thuế điện tử.

Trong tháng 6/2014, Tổng cục Thuế tiếp tục ký thỏa thuận nộp thuế điện tử với 04 ngân hàng và tiếp tục xây dựng kế hoạch triển khai mở rộng tại 15 Cục Thuế. Trước đó, Tổng cục Thuế đã phối hợp với Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam thực hiện triển khai thí điểm hệ thống thông tin kết nối cung cấp dịch vụ nộp tiền thuế qua mạng và bước đầu thu được kết quả khả quan.

Khó khăn: Trình độ về CNTT tại một số DN còn thấp, nên việc thực hiện khai thuế điện tử còn nhiều lúng túng; Điều kiện áp dụng CNTT (máy tính, đường truyền…) cũng ảnh hưởng đến chất lượng khai thuế điện tử; Tâm lý một số DN không muốn thay đổi phương thức kê khai thủ công sang điện tử vì phải chi phí cho việc mua chứng thư số và dịch vụ khai thuế qua mạng…

Định hướng thời gian tới: Để thiết lập một hệ thống trao đổi thông tin thống nhất toàn ngành Thuế có tính bảo mật cao, xử lý, quản lý dữ liệu tốc độ nhanh đáp ứng các yêu cầu trao đổi thông tin nội bộ ngành và với các đơn vị bên ngoài, Tổng cục Thuế đã xây dựng và thiết kế mô hình triển khai hệ thống trao đổi và tích hợp thông tin cho các cấp của ngành Thuế. Từ những kết quả đã đạt được trong quá trình triển khai chương trình khai thuế điện tử, ngành Thuế tiếp tục xây dựng kế hoạch mở rộng các dịch vụ công điện tử cung cấp cho NNT. Cụ thể từ ngày 9/2/2014, chương trình nộp thuế điện tử đã được triển khai thí điểm cho 3 thành phố Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh. Lộ trình đến hết 2014, chương trình này sẽ tiếp tục triển khai mở rộng cho thêm 15 tỉnh, thành phố và đến hết năm 2015 hoàn thành triển khai cho 63 tỉnh, thành phố.

Bên cạnh việc tích hợp thêm chương trình nộp thuế điện tử vào khai thuế điện tử, Tổng cục Thuế còn đang xây dựng một giải pháp tổng thể, tập trung các dịch vụ về thuế điện tử để cung cấp cho NNT. Theo đó NNT có thể thực hiện các nghĩa vụ thuế trên một cổng thông tin điện tử của ngành Thuế: từ đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế đến hỏi đáp tra cứu thông tin về thuế… Giải pháp tập trung này sẽ được triển khai thí điểm trong năm 2014 cho 02 tỉnh/thành phố và sẽ tiếp tục mở rộng cho các tỉnh thành phố trong cả nước trong những năm tiếp theo.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong kê khai, nộp thuế: Giải pháp cải cách hành chính thuế

NGUYỄN QUANG TIẾN - Vụ trưởng Ban Cải cách - Tổng cục Thuế

(Tài chính) Tổng cục Thuế đã thực hiện thành công chương trình cải thiện, hiện đại hóa công tác quản lý thuế theo Chiến lược cải cách hệ thống thuế đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Lộ trình đến hết năm 2014, Tổng cục Thuế sẽ triển khai chương trình nộp thuế qua ngân hàng tại 15 tỉnh/thành phố và tiến tới phủ rộng 63 tỉnh, thành phố vào năm 2015.

Xem thêm

Video nổi bật