Vài suy nghĩ về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (*)

Ts. Nguyễn Đức Kiên

(Tài chính) Một nghiên cứu khoa học được phương Tây công bố về việc các nhà bán lẻ đã sử dụng những biện pháp hết sức đơn giản để người tiêu dùng trả nhiều tiền hơn trong một lần đi mua hàng. Nghiên cứu đã được tiến hành tại các cửa hàng và siêu thị cùng với việc phỏng vấn hơn 100.000 người. Kết quả nghiên cứu này làm nhiều người ngạc nhiên.

Vài suy nghĩ về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (*)
Các chủ trương chính sách đối với vấn đề cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước liên tục có sự vận động theo hướng tiếp cận dần với các nguyên tắc của nền kinh tế thị trường. Nguồn: internet
Về phía người tiêu dùng, chính phụ nữ mới là người hay đưa ra những quyết định mua bán dựa trên quan sát tại chỗ và là đối tượng dễ tác động hơn cả. Về phía các nhà bán hàng, bên cạnh việc tận dụng đặc tính đã nêu, họ đã có một chiến lược để tác động mạnh hơn nữa đến đối tượng này. Nếu để ý đến việc bố trí các loại mặt hàng bày bán trong siêu thị chúng ta sẽ thấy có một nguyên tắc: các gian hàng cần thiết nhất cho cuộc sống hàng ngày như thịt, sữa hay gạo, bánh mỳ... nói chung là đồ lương thực, thực phẩm thiết yếu nhất sẽ được bố trí xa quầy thanh toán nhất. Điều đó tạo ra 1 quãng đường dài hơn cần thiết, giúp cho người mua hàng có nhiều thời gian để quan sát và tìm hiểu các mặt hàng được bày bán trong cửa hàng. Ngay tại khu vực gần quầy thanh toán sẽ là những giá bày bán tạp chí, sôcôla hay kẹo cao su, vốn là những mặt hàng không thật sự cần thiết. Ngoài ra việc tạo điều kiện để người mua có thể thanh toán bằng hệ thống thẻ VISA hay thẻ ATM cũng giúp tạo ra khả năng chi tiêu vượt kiểm soát của người tiêu dùng. Từng hành động nhỏ được tính toán có chủ đích sẽ làm cho sức mua của người tiêu dùng tăng lên.

Từ kết quả nghiên cứu trên, thử ngồi suy ngẫm về một lĩnh vực nhỏ trong chuỗi hoạt động phức hợp của nền kinh tế, đó là việc tăng sự quan tâm của người mua đối với những mặt hàng thiết yếu của đời sống.

Từ năm 1993 đến nay, các chủ trương chính sách của chúng ta đối với vấn đề cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước liên tục có sự vận động theo hướng tiếp cận dần với các nguyên tắc của nền kinh tế thị trường. Kết quả thu được từ việc thực hiện chủ trương chính sách này, nếu so sánh với thời điểm bắt đầu, về phương diện nhận thức đối với vai trò và số lượng doanh nghiệp nhà nước đã có sự tiến bộ vượt bậc. Nhưng nếu đứng về góc độ hiệu quả kinh tế và xã hội thì thấy, chúng ta đã và đang để lãng phí một nguồn lực to lớn trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nếu xem cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước như là một hoạt động bán hàng của chủ sở hữu với người bán là Chính phủ và người mua là các nhà đầu tư thì còn nhiều vấn đề cần trao đổi.

Trước hết, chúng ta thấy rằng đối với nhà đầu tư thì việc sinh lợi từ đồng vốn họ bỏ ra là cần thiết nhất, cũng như người dân cần lương thực, thực phẩm cho cuộc sống hàng ngày của mình. Người dân nếu không có lương thực, thực phẩm sẽ bị đói và kéo theo nhiều hậu quả nghiêm trọng khác. Nhà đầu tư bỏ tiền ra mà không thu được lợi nhuận thì cũng gặp tình huống tương tự, hoặc là mất vốn, phá sản và cũng dẫn đến biết bao hệ lụy xấu đối với gia đình và bản thân họ. Muốn đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa thì việc bán cổ phần để thu hồi vốn là điều quan trọng nhất. Thị trường luôn cần những cổ phiếu mang lại lợi nhuận. Nhưng vấn đề là bán như thế nào?

Nhìn lại quá trình cổ phần hóa chúng ta thấy, người bán hàng chưa thật sự muốn bán những mặt hàng mà người mua muốn mua, mà chỉ bán những cái mà mình muốn bán cũng giống như trong siêu thị, chỉ thấy bán sôcôla, tạp chí giải trí và chương trình truyền hình... Đúng, đây là những mặt hàng bán được, nhưng liệu chủ siêu thị có đủ thu nhập để trả lương cho người lao động và có lãi đối với nguồn vốn đầu tư xây dựng siêu thị hay không thì chắc rằng, không ai dám cam kết điều đó. Như vậy, sớm muộn gì cũng sẽ phải đóng cửa, tiền đầu tư chưa chắc đã thu hồi lại được. Trong cổ phần hóa cũng vậy, những cổ phiếu của các doanh nghiệp có lợi nhuận cao bao giờ cũng là những mặt hàng cần thiết cho nhà đầu tư, họ có nguồn vốn nhàn rỗi và họ muốn sinh lợi từ nguồn vốn này. Khi lợi nhuận đạt như mong muốn, họ có thể đi vay hay huy động từ những nguồn dự trữ khác để đưa vào thị trường. Và như thế dòng tiền của nền kinh tế sẽ có áp lực mạnh mẽ để khai thông mà chưa cần đến sự tác động và dòng tiền mồi của cơ quan quản lý hành chính.

Nhìn lại quá trình cổ phần hóa trong những năm gần đây có thể thấy, chủ sở hữu dường như chưa thực sự có cái nhìn toàn diện về kinh tế mà mới chỉ nhìn ở góc độ của người quản lý hành chính. Nghị quyết nói xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhưng tư duy và tổ chức thực hiện dường như vẫn theo phương thức của nền kinh tế kế hoạch hóa, ngành nào cũng thấy quan trọng và cần sự can thiệp hành chính để có kết quả nhanh.

Thử nhìn ra nước ngoài, ngay như lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, các nước G7 cũng thực hiện đấu thầu giữa các công ty trong nước mà không sợ lộ bí mật quốc gia, nhà nước chỉ là người mua sản phẩm cuối cùng khi sản phẩm đó phù hợp với mục tiêu đã đề ra của việc chi tiêu công. Các doanh nghiệp mới là người chủ yếu chia sẻ kinh phí nghiên cứu khoa học và ứng dụng vào sản xuất để có những sản phẩm đạt yêu cầu của người sử dụng, ở đây là Chính phủ, là Quân đội. Chúng ta có thể mua máy bay, tàu chiến, tàu ngầm... của các nước nhưng có vẻ lại không muốn xuất khẩu cái máy bóc hạt điều với lý giải là sợ nước nhập khẩu cạnh tranh với chúng ta trên thị trường điều thế giới...

Có thể còn nhìn thấy quanh ta những ví dụ về sự khác biệt giữa mục tiêu và phương thức hành động như vậy. Không phải chúng ta không có những kinh nghiệm về vấn đề này. Còn nhớ tại miền Bắc, trong những năm bao cấp, khi bia hơi đang còn là mặt hàng khan hiếm thì rất nhiều cửa hàng mậu dịch quốc doanh trong lĩnh vực ăn uống đã bán bia hơi kèm... phở để kết hợp tăng doanh số bán hàng.

Ở đây chưa nói đến khía cạnh bất hợp lý của hai loại hàng ăn uống đều có rất nhiều nước này, mà chỉ nói đến khía cạnh kinh doanh, mặc dù trong sách giáo khoa của các trường thương nghiệp không có dòng nào nói về việc này nhưng yếu tố thị trường đã tác động đến những người làm công tác quản lý trực tiếp cửa hàng, những người mà lương và danh hiệu bình bầu cuối năm được tính theo doanh số bán hàng. Và họ đã có những hành động, mà bây giờ nhìn lại, thế hệ đi sau không thể giải thích được, có chăng chỉ có thể giải thích rằng quy luật của thị trường là tất yếu, nó tự nảy sinh trong quá trình thị trường vận hành mà không cần nhờ một chỉ thị hay nghiên cứu nào.

Nên chăng trong thời gian còn lại của kế hoạch 5 năm này, cần phải có những động tác hết sức quyết liệt đối với cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, ví dụ như phải bán những cổ phần mà thị trường có nhu cầu mà không sợ làm yếu đi vai trò nòng cốt hay chủ đạo. Chúng ta bàn nhiều quá mà dường như chưa thực sự hành động một cách quyết liệt như lẽ ra phải thế.

Còn nhớ, những ngày tháng 8 của năm 1965, khi quân Mỹ vừa đổ vào miền Nam, nhiều bạn bè quốc tế và cũng có cả những người trong đội ngũ chúng ta băn khoăn tự hỏi đánh Mỹ như thế nào vì Mỹ quá mạnh. Chính những người lính, với vũ khí chỉ là khẩu súng AK47, với vài quả lựu đạn, bình tông nước và nắm cơm đã có câu trả lời hết sức cụ thể bằng chính máu thịt mình: bám thắt lưng địch mà đánh, đánh Mỹ để tìm câu trả lời thắng Mỹ và chúng ta đã có chiến thắng Núi Thành, chiến thắng ở thung lũng Ia Drang... để chiến công nối tiếp chiến công đến ngày toàn thắng 30.4.1975.

Hãy hành động theo tinh thần người lính năm xưa: quên mình vì Tổ quốc. Đừng băn khoăn ai cử tôi làm, trách nhiệm tôi chỉ có thế...

(*) Tít bài do FinancePlus.vn đặt.