Vì sao các tổ chức tín dụng đầu tư vào trái phiếu và tín phiếu?

PV.

(Tài chính) Trong quý I/2014, có khoảng 95 nghìn tỷ đồng trái phiếu chính phủ (TPCP) và các giấy tờ có giá trị khác (trái phiếu kho bạc, tín phiếu kho bạc…) đã được đưa ra đấu thầu.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Đối tượng tham gia đấu thầu là các tổ chức tín dụng (TCTD) và các tổ chức kinh tế (công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư). Các tổ chức này mua tới 75 nghìn tỷ đồng, trong đó, riêng các TCTD đã mua khoảng 85% tổng lượng trái phiếu bán ra.

Các TCTD mua nhiều trái phiếu như vậy nhưng theo thống kê, 2 tháng đầu năm 2013, vẫn còn  khoảng 57 nghìn tỷ đồng TPCP đang được gửi tại Kho bạc Nhà nước (KBNN) chưa được đưa vào sử dụng. Về vấn đề này, bà Vũ Thị Hồng – Vụ trưởng vụ Chính sách tiền tệ - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết: các TCTD đẩy mạnh mua TPCP, đặc biệt trong hai tháng đầu năm do lượng tiền tiếp tục quay trở lại các hệ thống TCTD, dù lãi suất huy động đã giảm. Trong khi tiền về nhiều mà mở rộng tín dụng lại rất khó khăn, đến ngày 13-3-2014, lượng giải ngân tín dụng giảm 1,05% so với cuối năm 2013. Với tình hình đó, các TCTD tăng cường đầu tư vào TPCP là một việc làm đúng đắn. Các TCTD có thể sử dụng TPCP để tham gia vào các kênh nghiệp vụ của ngân hàng trung ương hoặc vay vốn trên ngân hàng khi họ gặp khó khăn về thanh khoản.

Khi mua TPCP các TCTD đã phải tính toán kỹ lưỡng, dựa trên các cơ cấu kỳ hạn nguồn vốn của họ, cơ cấu cho vay ra hay đầu tư khác, miễn là hoạt động an toàn. Ngay từ đầu năm (theo Chỉ thị 01) NHNN đã chỉ đạo các TCTD khi mở rộng tín dụng phải tính toán để các tỷ lệ đảm bảo được sự an toàn, đặc biệt, chú trọng đến sự an toàn, hiệu quả của vốn (cả huy động và cho vay)… Do vậy khi đầu tư vào TPCP mà đảm bảo các tỷ lệ an toàn thì hoàn toàn có thể yên tâm.

Trả lời câu  hỏi các TCTD bỏ nhiều tiền mua TPCP có ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng tín dụng của NHNN trong năm 2014 không? Bà Hồng nhận định: Khi tình hình mở rộng tín dụng khó khăn, các TCTD nếu không dùng vốn để đầu tư vào kênh TPCP thì có thể đầu tư vào các lĩnh vực khác hoặc gửi tại NHNN. Tiền gửi tại ngân hàng sẽ không được sử dụng, còn tiền đầu tư qua kênh TPCP sẽ được dùng để tăng nguồn thanh khoản cho cả nền kinh tế. Tuy nhiên, điều quan trọng là, nguồn vốn TPCP này phải được đẩy mạnh giải ngân và sử dụng hiệu quả. Các doanh nghiệp (DN) nếu được sử dụng nguồn tiền từ nguồn của TPCP sẽ được đẩy mạnh đầu tư vào các dự án theo danh mục đầu tư của TPCP, từ đó, có thể tiêu thụ được các sản phẩm đang tồn kho của các DN khác, khiến toàn bộ nền kinh tế vận hành trôi chảy hơn.

Trong năm 2014, bội chi ngân sách dự toán tăng lên 224 nghìn tỷ đồng, tương đương 5,3% GDP. Do đó, Chính phủ dự định nâng tổng lượng TPCP phát hành trong năm 2014 lên thêm 100 nghìn tỷ đồng nữa (nâng tổng phát hành TPCP lên khoảng 280 nghìn tỷ đồng) nhằm tài trợ bội chi ngân sách tăng cũng như bổ sung nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản. Chủ trương này, đến nay có thể thấy là phù hợp và chắc chắn sẽ thành công.

Dù là cho vay trực tiếp DN hay mua hay TPCP thì các dòng tiền đều được đẩy mạnh đầu tư vào nền kinh tế. Hai cơ quan là NHNN và Bộ Tài chính luôn phối hợp với nhau về chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, đảm bảo lượng tiền dư thừa được hút về với liều lượng phù hợp, đồng thời, đảm bảo lượng tiền để các TCTD tham gia được các phiên đấu thầu trái phiếu chính phủ bảo lãnh, trái phiếu kho bạc, tín phiếu kho bạc,… trong điều hành, NHNN luôn điều chỉnh mức lãi suất khi rút tiền về qua tín phiếu NHNN, đảm bảo mặt bằng lãi suất ổn định, đặc biệt, mặt bằng lãi suất ngân hàng luôn ở mức thấp. Dù lãi suất giảm nhiều so với phiên đầu năm, phiên đấu thầu gần đây, lãi suất cũng giảm tương đối so với năm trước (giảm 0,6 - 0,95% /năm) góp phần làm giảm chi phí, tiết kiệm một khoản kinh phí đáng kể cho NSNN, mà phiên đấu thầu vẫn thành công.

Nhìn chung, khi kênh tín dụng của cả hệ thống ngân hàng còn gặp khó khăn, lạm phát đang giữ ở mức thấp do nhu cầu tiêu dùng còn yếu, việc mở ra các phiên đấu thầu TPCP, tín phiếu kho bạc hay trái phiếu kho bạc vẫn là một việc hợp lý và cần thiết, nhằm giảm thiểu khó khăn cho các TCTD, hỗ trợ chi tiêu ngân sách, đồng thời, quản lý nguồn tiền và điều hành ổn định vĩ mô toàn bộ nền kinh tế.