Vì sao tín dụng tăng nhanh?

PV.

Thống kê cho thấy, tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm 2018 duy trì ở mức khá cao, trên 5%, tương đương với cùng kỳ năm 2017. Với diễn biến này liệu mục tiêu tăng trưởng tín dụng 17% đã đề ra có hoàn thành?

Liệu mục tiêu tăng trưởng tín dụng 17% đã đề ra có hoàn thành?
Liệu mục tiêu tăng trưởng tín dụng 17% đã đề ra có hoàn thành?

Tăng trưởng tín dụng đạt trên 5%

Mới đây tại “Diễn đàn Toàn cảnh ngân hàng với chủ đề “Ngân hàng 2018: Hướng tới phát triển bền vững”, ông Phạm Thanh Hà - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, tính đến cuối tháng 4/2018, tăng trưởng tín dụng đạt trên 5%, tương đương với mức cùng kỳ năm 2017.

Thống kê trên cho thấy, tuy mức tăng trưởng tín dụng 4 tháng đầu năm 2018 chậm hơn so với cùng kỳ năm 2017 là 5,76%, nhưng đây là năm thứ năm liên tiếp tín dụng tăng mạnh ngay từ những tháng đầu năm. Cụ thể: Năm 2016 tăng 3,27%, năm 2015 tăng 3,53%, năm 2014 tăng 0,7%.

Theo ông Phạm Thanh Hà, trước đây tín dụng tăng trưởng rất thấp trong những tháng đầu năm do hoạt động của nền kinh tế thường chậm lại ở thời điểm này. Tuy nhiên, trong 2 năm trở lại đây, tín dụng đều đạt mức tăng trên 5%, là mức tăng khá cao so với các năm trước đây, thường chỉ đạt mức tăng trưởng khoảng từ 3 - 3,5% vào đầu năm.

Với tín dụng tăng nhanh hơn huy động vốn khiến áp lực thanh khoản của các ngân hàng tăng lên là tất yếu thể hiện qua mặt bằng lãi suất cho vay trên thị trường và lợi suất trên thị trường trái phiếu đã tăng đáng kể trong thời gian gần đây. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã phải hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống thông qua việc bơm ròng đến 59.000 tỷ đồng trong tháng 4 vừa qua.

Cụ thể, sau khi Ngân hàng Nhà nước liên tục phát hành tín phiếu trong tháng 3/2018 và hút ròng 66.000 tỷ đồng dư thừa trên hệ thống, thanh khoản hệ thống ngân hàng giảm đáng kể và được phản ánh rõ trong các giao dịch thị trường mở (OMO). Khối lượng tín phiếu phát hành giảm mạnh, từ 130.000 tỷ đồng xuống 68.000 tỷ đồng, trong khi khối lượng đáo hạn tăng từ 64.000 tỷ đồng lên 126.000 tỷ đồng, nhờ đó đã có khoảng 59.000 tỷ đồng được đưa trở lại hệ thống trong tháng 4/2018.

3 nguyên nhân tín dụng tăng nhanh

Để đạt được mức tăng trưởng tín dụng trên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, có 3 nguyên nhân tín dụng tăng nhanh.

Thứ nhất, quý I/2018, tăng trưởng kinh tế khả quan, hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục được mở rộng, cải cách hành chính tích cực hơn, môi trường đầu tư ngày càng cải thiện, số lượng doanh nghiệp mới thành lập hoặc quay trở lại hoạt động tăng lên tác động tới nhu cầu vay vốn sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp tiếp tục tăng nhanh trở lại tạo động lực lên phát triển kinh tế.

Theo số liệu của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, tỷ trọng tín dụng vào lĩnh vực công nghiệp đã có sự chuyển biến đáng kể,  từ mức 19,7% vào cuối năm 2017 lên 22,1% vào cuối tháng 4/2018, tương đương với mức tăng hơn 218.000 tỷ đồng.

Thứ hai, tăng trưởng tín dụng ngoại tệ tiếp tục góp phần đẩy tín dụng tăng nhanh hơn. Số liệu của Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia cho thấy, tăng trưởng tín dụng ngoại tệ 4 tháng đầu năm 2018 đạt 6,3%, cao hơn nhiều mức tăng trưởng tín dụng VND là 4,1%.

Thứ ba, thị trường bất động sản đang có diễn biến sôi động trở lại, nhu cầu vay đầu tư kinh doanh nhà đất tăng mạnh bất chấp những cảnh báo về rủi ro bong bóng.

Các khoản vay đầu tư dự án, kinh doanh nhà đất thường có kỳ hạn dài và không loại trừ khả năng vốn tín dụng chảy vào lĩnh vực này đã làm tăng mạnh tín dụng trung dài hạn của các ngân hàng. Cũng chính vì thị trường bất động sản nóng trở lại đã thúc đẩy một bộ phận khách hàng rút tiền gửi ngân hàng ra để đầu tư, kinh doanh, từ đó ảnh hưởng lên huy động vốn của ngân hàng khiến số dư tiền gửi tăng trưởng chậm trở lại, thấp hơn đáng kể mức tăng trưởng tín dụng như đã phân tích ở trên.

 “Tăng trưởng tiền tệ chỉ là một phần của tăng trưởng kinh tế nói chung. Tuy Ngân hàng Nhà nước đã xác định rõ tốc độ tăng trưởng tín dụng năm nay chỉ ở mức 16-17%, nhưng để bù lại, tốc độ tăng trưởng tiền tệ cần thận trọng hơn và tập trung vào chất lượng tăng trưởng”, TS. Phan Minh Ngọc - Chuyên gia kinh tế nhận định.