Vốn vẫn chưa thể khơi thông

Theo Người Lao động

Để khơi thông dòng vốn tín dụng, tháo gỡ khó khăn cho cả doanh nghiệp (DN), ngân hàng, cần có chính sách kích cầu mạnh mẽ cho nền kinh tế.

Vốn vẫn chưa thể khơi thông
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Nếu như năm 2012, tháng đầu tiên của năm này tín dụng giảm khá mạnh, kèm theo đó là trở ngại lớn về thanh khoản thì với tháng đầu tiên của năm 2013 lại là sự khởi đầu trái ngược khi vốn của hệ thống ngân hàng khá thuận lợi, tuy nhiên vẫn khó có thể chối bỏ một thực tế là ngân hàng vẫn thừa vốn mà khó cho vay ra.
Thu hồi nợ quan trọng hơn cho vay

Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tháng 1/2013, tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng tiếp tục âm khoảng 1% so với cuối năm 2012. Như vậy, năm 2013 là năm thứ hai liên tiếp dư nợ tín dụng những ngày đầu năm có bước lùi so với năm trước đó. Cụ thể, năm 2012, tính đến ngày 17/2, tín dụng cho nền kinh tế giảm 0,79% so với cuối năm 2011. Tình trạng này tiếp tục kéo dài trong cả quý II năm ngoái, khi tính đến 20/3, theo báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, tổng dư nợ của hệ thống ngân hàng giảm 2,13% so với tháng 12/2011 (nhiều năm trở lại đây, dư nợ tín dụng quý I của nền kinh tế luôn dương, thậm chí năm 2008 còn lên tới 12%).

Một lãnh đạo vụ chức năng của NHNN TP. Hồ Chí Minh cho rằng, ở đây có yếu tố mùa vụ; quý đầu tiên những năm gần đây tín dụng thường tăng thấp hoặc giảm, do yếu tố dòng tiền và hoạt động trả nợ của các DN...

Bản thân một số người trong cuộc cũng nhìn nhận, hoạt động cho vay vẫn rất khó khăn. Tổng Giám đốc NHTM Eximbank Trương Văn Phước cho biết, năm 2013, ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 20% so với năm 2012. Do vậy, ngay từ những ngày đầu tiên của năm, bộ phận tín dụng của ngân hàng đã tích cực làm việc với các DN, tìm hiểu nhu cầu vay vốn, nắm bắt những vướng mắc, khó khăn... để thúc đẩy đầu ra của dòng vốn, song thị trường chuyển động rất chậm.

Trong khi đó, giám đốc một NHTMCP ở TP. Hồ Chí Minh cũng tâm sự, mục tiêu quan trọng nhất vẫn là thu hồi được nợ, còn việc bung mạnh cho vay thì chưa thể nghĩ tới. Thời điểm này những năm trước, nhu cầu vay vốn của nền kinh tế rất cao, để phục vụ sản xuất, kinh doanh phục vụ Tết Nguyên đán. Song năm nay, các DN đều tồn kho chất đống, lo giải quyết tồn kho đã đủ mệt, nhu cầu đâu mà vay vốn sản xuất mới. Khi mà hàng tồn kho của DN còn cao thì ngay nhu cầu vay cũng đã hạn chế. Không chỉ vậy, cũng chính vì nút thắt nợ xấu chưa được giải tỏa nên ngân hàng càng cẩn trọng và hạn chế cho vay ra, vị giám đốc ngân hàng nhận định.

Phải đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu

Trong một số buổi tọa đàm mới đây về kinh tế VN năm 2013, nhiều chuyên gia tài chính quốc tế nhìn nhận thách thức lớn nhất và cũng là nhiệm vụ quan trọng nhất của Việt Nam trong năm 2013, là xử lý nợ xấu và khôi phục lại an toàn của hệ thống NHTM, trên nền tảng đó mới có thể nói đến chuyện phục hồi đà tăng trưởng kinh tế và giải cứu thị trường bất động sản (BĐS). Nợ xấu có thể làm cho cung ứng tín dụng của ngân hàng tắc nghẽn; các NHTM nhỏ rơi vào tình trạng khốn đốn - lây lan sang các ngân hàng khác; và quan trọng nữa, xử lý nợ xấu không cẩn thận sẽ làm sụp đổ luôn thị trường BĐS (vì các ngân hàng bán ồ ạt tài sản thế chấp).

Mặt khác, các chuyên gia cũng muốn nhấn mạnh, kinh tế vĩ mô rồi cũng có thể ổn định được; thị trường BĐS rồi cũng có thể ấm nóng trở lại; nhưng tất cả những điều đó phải dựa trên một nền tảng là hệ thống ngân hàng lành mạnh; vì hầu hết đều liên quan đến tín dụng. Muốn kinh tế phục hồi, phải có tín dụng; muốn BĐS tan băng, cũng phải dựa vào tín dụng; muốn tăng trưởng xuất khẩu, đẩy mạnh nông nghiệp, cứu DN... cũng đều cần đến tín dụng.

Để khơi thông dòng vốn tín dụng, tháo gỡ khó khăn cho cả DN, ngân hàng, cần có chính sách kích cầu mạnh mẽ cho nền kinh tế. Bên cạnh đó, cần thúc đẩy nhanh tiến trình xử lý nợ xấu, trong đó thành lập DN vừa xử lý nợ xấu vừa bảo lãnh cho các DN có khả năng phục hồi, phát triển nhưng không đủ điều kiện tiếp cận vốn ngân hàng được coi là một giải pháp được chờ đợi.