Xác định ưu tiên đầu tư để phân bổ nguồn lực chính xác

Theo Minh Quốc/daibieunhandan.vn

Theo dõi phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề giao thông vận tải được truyền hình trực tiếp, cử tri cho rằng, tới đây, Bộ trưởng cùng ngành Giao thông Vận tải (GTVT) cần xác định rõ ưu tiên đầu tư để phân bổ nguồn lực một cách chính xác, công bằng giữa các loại hình giao thông, công trình giao thông theo tầm quan trọng, tính cấp bách...

Từ vị trí tiên tiến nhất châu Á, hạ tầng đường sắt Việt Nam hiện thuộc nhóm lạc hậu nhất thế giới. Nguồn: Internet
Từ vị trí tiên tiến nhất châu Á, hạ tầng đường sắt Việt Nam hiện thuộc nhóm lạc hậu nhất thế giới. Nguồn: Internet

Nhiều bất cập, tồn tại được chất vấn

Cử tri Phạm Đức Cửu (xã Yên Bắc, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) cho rằng, các chất vấn của đại biểu đã đi thẳng vào nhiều tồn tại của ngành giao thông, từ bất cập trong đầu tư các dự án BOT đường bộ, đặt trạm thu phí sai vị trí; quá trình đầu tư còn nặng về loại hình giao thông đường bộ mà bỏ quên đường sắt; còn nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra thời gian qua.

Đặc biệt, nhiều dự án, công trình đường giao thông ở các địa phương dù rất cấp bách, cấp thiết nhưng lại chậm được triển khai, triển khai dở dang hoặc mới đưa vào đã xuống cấp, qua đó đòi hỏi “tư lệnh” ngành GTVT cần có các giải pháp bảo đảm sự hợp lý, công bằng trong quyết định đầu tư các dự án, công trình.

Cử tri Nguyễn Thanh Long (xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) bày tỏ ấn tượng với chất vấn của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Tô Thị Bích Châu (TP. Hồ Chí Minh) và ĐBQH Dương Trung Quốc (Đồng Nai) xung quanh câu chuyện chất lượng hạ tầng đường sắt và tai nạn giao thông đường sắt.

Anh Nguyễn Thanh Long cho rằng, đại biểu Dương Trung Quốc đã rất đúng khi nhận xét “đường sắt Việt Nam gần như bị bỏ rơi”; sâu xa hơn, đại biểu còn đưa ra quan điểm rằng dường như nguyên nhân bỏ rơi là bởi đầu tư đường dắt không mang lại lợi nhuận cho những nhóm lợi ích, khi mà đầu tư đường bộ có thể chia nhỏ các hợp đồng. Cử tri Long cho rằng, đây là một ý kiến rất đáng chú ý mà ngành giao thông và Chính phủ cần phải xem xét kỹ.

Theo cử tri Nguyễn Thanh Long, ngành giao thông cần phải đặc biệt chú ý đến vấn đề quy hoạch tổng thể ngành giao thông. Trong đó, vai trò của giao thông đường sắt phải được đầu tư đúng, hiệu quả sẽ giảm áp lực lên đường bộ, mang lại hiệu quả lâu dài, thúc đẩy giao thông thông suốt và logistics giữa hai đầu đất nước.

Điều cần kíp là ngành phải “nhìn lại” tầm nhìn của loại hình giao thông, từ đó có những ưu tiên đầu tư hợp lý, tạo động lực tốt nhất cho sự phát triển.

Mặt khác, Bộ trưởng Bộ GTVT cần quan tâm đầu tư làm đường kết nối các địa phương vùng Tây Bắc, Việt Bắc như ý kiến của đại biểu Nguyễn Anh Trí (TP. Hà Nội). Cùng với đó là các giải pháp để bảo đảm chất lượng, tuổi thọ của những con đường, từ đó góp phần phát triển kinh tế vùng biên, bớt sửa đường, làm đường, bớt những tai nạn đáng tiếc do ổ gà, ổ voi, sạt lở gây ra.

Hơn cả nhận trách nhiệm, phải tạo chuyển biến

Cử tri Hoàng Nghĩa (xã Diễn Hùng, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) hoan nghênh việc Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể thẳng thắn nhận trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm của Bộ với những tồn tại, hạn chế mà đại biểu nêu ra tại phiên chất vấn.

Theo cử tri Hoàng Nghĩa, điều mà cử tri quan tâm là trách nhiệm ấy sẽ được khắc phục, chuyển hóa thành các hành động, giải pháp cụ thể tạo sự chuyển biến, khắc phục bất cập, hạn chế.

Đặc biệt, Bộ trưởng cũng đã đưa ra rất nhiều lời hứa, cam kết như tới 2020 là đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ thông tuyến; tổ chức cuộc họp xử lý dứt điểm khoản nợ của Ban quản lý đường Hồ Chí Minh nợ UBND huyện Chư Sê (Gia Lai) kéo dài 10 năm qua; công khai thu - chi của các trạm BOT gắn với triển khai thu phí tự động không dừng vào năm 2019... Mong rằng, Bộ trưởng sẽ thực hiện những lời hứa, và các giải pháp đưa ra tại phiên chất vấn.

Liên quan đến những bất cập xung quanh các công trình BOT về vị trí đặt trạm, mức thu phí, thời gian thu phí, người dân không đi cũng phải trả tiền, tên “trạm thu giá”... cử tri Phạm Văn Khoa (phường 13, quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, phần trả lời nội dung này của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chưa làm các đại biểu hài lòng. Nhiều ĐBQH tranh luận lại phần trả lời của Bộ trưởng.

Theo cử tri Phạm Văn Khoa, có yếu tố từ việc thiếu các quy định pháp luật, song nếu các cơ quan, cán bộ liên quan hoạt động vì lợi ích quốc gia, nhân dân thì sẽ không để xảy ra nhiều bất cập như thế. Cảm nhận của cử tri giống như các đại biểu, là có sự tranh thủ trục lợi từ sự chưa hoàn thiện chính sách.

Do đó, rất mong bằng “cái tâm của mình”, Bộ trưởng sẽ sớm triển khai các giải pháp khắc phục triệt để bất cập của những dự án BOT cụ thể, để không phải “mong nhân dân thông cảm” và “xin lỗi” nhân dân. Ngoài ra, khắc phục bất cập còn giúp huy động được các nhà đầu tư trong và ngoài nước đủ tiềm lực đầu tư vào hạ tầng giao thông, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước.