Xây dựng lại ngành lúa gạo, cách nào?

PGS., TS. Vũ Trọng Khải

(Tài chính) Xuất khẩu gạo của Việt Nam tuy đứng thứ nhì thế giới nhưng càng xuất khẩu nhiều hiệu quả kinh tế và thu nhập của người trồng lúa càng giảm. Làm thế nào thay đổi?

Xây dựng lại ngành lúa gạo, cách nào?
Xuất khẩu gạo của Việt Nam tuy đứng thứ nhì thế giới nhưng càng xuất khẩu nhiều hiệu quả kinh tế và thu nhập của người trồng lúa càng giảm. Nguồn: internet

Nghịch lý này có thể thấy rõ nhất là với người trồng lúa ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), vựa lúa chiếm 90-95% sản lượng gạo xuất khẩu hàng năm của cả nước. Theo điều tra của Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp – nông thôn được công bố ngày 17/10/2013, thu nhập của nông dân trồng lúa ở ĐBSCL chỉ có 535.000 đồng/người/tháng.

Nhỏ bé, lạc hậu, manh mún

Về cơ bản, nền nông nghiệp nói chung và ngành sản xuất lúa gạo nói riêng của nước ta vẫn là nền sản xuất hàng hóa nhỏ lẻ, manh mún với những nông dân làm ăn theo kinh nghiệm cha truyền con nối bằng kỹ thuật canh tác lạc hậu. Thương mại lúa gạo gắn liền với thương lái chuyên đi mua gom, nông dân có gì bán nấy, có khách mua thì đi mua gom “tạp pí lù” đủ các loại lúa gạo. Công nghệ chế biến gạo theo quy trình ngược, xay xát lúa ướt rồi mới sấy khô gạo, nên chất lượng gạo xấu, giá thành chế biến lại cao, do tỉ lệ thu hồi thấp. Sự độc quyền xuất khẩu gạo của Hiệp hội lúa gạo (VFA) mà thực chất là độc quyền xuất khẩu của Tổng Công ty Lương thực Việt Nam (Vinafood) đã làm trầm trọng thêm tình trạng buôn bán theo kiểu ăn xổi, chộp giật, “đánh quả”. Đặc biệt, cách buôn bán này luôn luôn đặt nông dân trồng lúa ở thế yếu, chịu thiệt thòi, nhất là khi giá gạo trên thị trường thế giới xuống thấp.

Vấn đề đặt ra là bằng chính sách nhà nước và hệ thống quản lý nào để gia tăng giá trị hạt gạo, bảo vệ và gia tăng lợi ích chính đáng của người trồng lúa? Gần đây, người ta nói nhiều đến “tái cơ cấu nông nghiệp”, trong đó có ngành lúa gạo như một giải pháp căn bản, toàn diện để xử lý vấn đề nêu trên. Tái cơ cấu thực ra chỉ là cách sắp xếp lại các yếu tố cấu thành hiện hữu của một hệ thống nào đó (ở đây là ngành hàng lúa gạo) để hy vọng nâng cao hiệu quả hoạt động của nó. Nhưng trong ngành lúa gạo và cả ngành nông nghiệp nói chung của nước ta hiện nay, các yếu tố cấu thành đã không còn “dư địa” để gia tăng hiệu quả, dù được sắp xếp lại theo bất kỳ kiểu cấu trúc nào. Vì các yếu tố cấu thành hiện hữu vẫn là nông dân sản xuất quy mô nhỏ, manh mún, sản xuất với kỹ thuật canh tác lạc hậu; vẫn là thương lái mua gom, buôn chuyến; vẫn là công nghệ chế biến lạc hậu theo quy trình ngược. Xuất khẩu tuy nhiều, nhưng vẫn không thể có các thương hiệu nông sản lớn, chất lượng gạo thấp và không ổn định, giá bán thấp.

Xây dựng lại ngành lúa gạo, cách nào?

Phải đi từ chủ thể quan trọng nhất của chuỗi giá trị lúa gạo là người nông dân. Nông dân phải là người chủ trang trại gia đình sản xuất lúa gạo hàng hóa có quy mô lớn, nhờ tích tụ ruộng đất, cơ giới hóa sản xuất và áp dụng công nghệ canh tác tiên tiến từ khâu giống đến quá trình canh tác, thu hoạch, sơ chế, bảo quản theo tiêu chuẩn và quy trình Global GAP. Nhờ đó, chất lượng lúa gạo được nâng cao và ổn định, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm với khối lượng hàng hóa lớn, đáp ứng yêu cầu của công nghiệp chế biến và của thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước. Nông dân sản xuất hàng hóa lớn phải là nông dân chuyên nghiệp, được đào tạo để trở thành những chủ trang trại lớn. Khi tham gia mối liên kết này, chỉ những nông dân sản xuất lúa gạo hàng hóa lớn mới cần và có thể giữ chữ tín trong các hợp đồng liên kết với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ ở cả đầu vào và đầu ra của sản xuất.

Các doanh nghiệp chế biến, bảo quản, tiêu thụ lúa gạo phải được trang bị công nghệ tiên tiến, đồng thời phải trở thành “nhạc trưởng” trong chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo, tổ chức lại nền sản xuất của nông dân theo hướng hiện đại.

Các doanh nghiệp chế biến, bảo quản tiêu thụ lúa gạo cũng chỉ có thể và cần liên kết với các nông dân sản xuất hàng hóa lớn, tuân thủ tiêu chuẩn Global GAP. Các doanh nghiệp này không thể ký hợp đồng với hàng chục vạn hộ nông dân sản xuất nhỏ để tạo ra các cánh đồng lớn “liền đồng, cùng trà giống, khác chủ”.

Hình thành và phát triển hệ thống sản xuất – kinh doanh lúa gạo

Trong hệ thống này, chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo được xác lập với vai trò “nhạc trưởng” của doanh nghiệp trong tổ chức lại sản xuất lúa gạo theo hợp đồng (không phải hợp đồng sản xuất), thể hiện qua các hoạt động sau:

• Cung cấp đủ giống xác nhận cho nông dân phù hợp với yêu cầu của thị trường và điều kiện sinh thái của từng tiểu vùng.

• Tiếp theo là hướng dẫn nông dân sản xuất theo Global GAP, nhờ đội ngũ cán bộ khuyến nông “ba cùng” với nông dân: cùng ăn, cùng ở, cùng làm.

• Thứ ba, trực tiếp hay gián tiếp liên kết với các đối tác khác cung cấp vật tư (giống lúa xác nhận, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…) cho nông dân.

• Bao tiêu lúa gạo hàng hóa của nông dân với giá cả đảm bảo phân chia lợi ích hợp lý giữa nhà nông và nhà doanh nghiệp.

• Có thiết bị và công nghệ hiện đại trong bảo quản, sấy, chế biến, tạo ra các loại sản phẩm gạo chế biến đa dạng theo yêu cầu của khách hàng với nhiều phân khúc thị trường khác nhau.

• Liên kết với ngân hàng thương mại để cung ứng tín dụng cho nông dân và hợp tác xã của họ thông qua việc ứng trước giống lúa và vật tư nông nghiệp.

• Xây dựng được thương hiệu lúa gạo của từng doanh nghiệp, từng loại sản phẩm gạo cho các loại thị trường, tổ chức kênh phân phối rộng khắp, để chiếm lĩnh thị trường trong và ngoài nước.

• Liên kết với các nhà khoa học ở các viện, trường để giải quyết các vấn đề khoa học – công nghệ sản xuất và quản lý nảy sinh trong tất các khâu của chuỗi giá trị ngành lúa gạo, từ tạo giống, xác định cơ cấu mùa vụ, máy móc và kỹ thuật canh tác, thiết bị và công nghệ bảo quản, chế biến, đến quản lý chuỗi giá trị, xây dựng thương hiệu, nghiên cứu thị trường, xây dựng chiến lược sản phẩm, tổ chức kênh phân phối, cơ chế phân chia lợi ích giữa các chủ thể tham gia chuỗi, trước hết là giữa nhà nông và nhà doanh nghiệp…

Trên cơ sở đó, các hệ thống quản lý chuỗi giá trị ngành lúa gạo được hình thành và phát triển trên các vùng sinh thái chuyên sản xuất lúa gạo hàng hóa, phát huy được lợi thế so sánh của mỗi tiểu vùng sinh thái, gia tăng hiệu quả kinh tế của tất cả các chủ thể tham gia, tăng thu nhập của nông dân trồng lúa, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và chiếm lĩnh thị trường lúa gạo thế giới.