Xây dựng nguồn nhân lực mạnh về cả chất và lượng cho hội nhập

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Theo đánh giá của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), nguồn lao động trẻ và dồi dào đã mở ra cho nước ta nhiều cơ hội; song, chất lượng, trình độ, kỹ năng và chuyên môn của người lao động còn khá thấp. Do vậy, nhiều chuyên gia khuyến nghị, thời gian tới, cần tích cực chuẩn bị, xây dựng nguồn nhân lực mạnh về cả chất và lượng, sẵn sàng cho quá trình hội nhập ngày một sâu rộng hơn.

Xây dựng nguồn nhân lực mạnh về cả chất và lượng cho hội nhập
Cơ cấu việc làm theo nghề cũng đã phản ánh những hạn chế về tương quan giữa cơ cấu đào tạo và cơ cấu việc làm của thị trường lao động trong nước. Nguồn: internet
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, giai đoạn năm 2010-2013, tốc độ tăng dân số đã giảm xuống mức thấp, trung bình tăng 1,05%/năm, tương đương chỉ tăng 928 nghìn người/năm. Trong khi đó, số người trên 60 tuổi lại đang có xu hướng tăng mạnh, với tốc độ tăng trung bình ở mức 4,43%/năm. Nói cách khác, nước ta đã chính thức bước vào thời kỳ già hóa dân số và thị trường lao động sẽ bị thu hẹp trong tương lai. Và trong thời gian qua, tốc độ tăng và mức tăng nguồn nhân lực có dấu hiệu thất thường. Tốc độ biến động tăng giảm rất nhanh, từ 2% năm 2010, xuống còn 0,71% năm 2013, và có dấu hiệu phục hồi, tăng 0.91% vào nửa đầu năm 2014.

Theo đánh giá của ILO, nguồn lao động trẻ và dồi dào đã mở ra cho nước ta nhiều cơ hội. Song, chất lượng, trình độ, kỹ năng và chuyên môn của người lao động khá thấp đang góp phần cản trở nước ta nắm bắt những cơ hội về việc làm chất lượng tốt. Thêm vào đó, kỹ năng mà người lao động được đào tạo và trang bị có sự chênh lệch tương đối lớn với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp. Tính đến hết quý II.2014, số lao động qua đào tạo (chỉ tính số có bằng cấp chuyên môn kỹ thuật) chiếm khiêm tốn, khoảng 18,25% tổng số lao động và tăng rất chậm. Hệ quả là năng suất lao động của nước ta ở vào mức thấp nhất của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thấp hơn Singapore 15 lần, thấp hơn Malaysia 5 lần.

Kinh tế phục hồi đã mang lại nhiều cơ hội việc làm tốt hơn, tuy nhiên chuyển dịch cơ cấu việc làm chậm, tỷ lệ việc làm có thu nhập thấp ở nước ta hiện còn khá cao. Cơ cấu việc làm theo nghề cũng đã phản ánh những hạn chế về tương quan giữa cơ cấu đào tạo và cơ cấu việc làm của thị trường lao động trong nước. Cả nước hiện có trên 22 triệu người không có chuyên môn kỹ thuật hoặc có nhưng không có chứng chỉ chuyên môn nhưng lại đang làm những nghề đòi hỏi có chuyên môn, kỹ thuật. Trong khi có đến 0,75 triệu người có trình độ đại học và trên đại học lại đang làm các nghề yêu cầu chuyên môn thấp hơn. Hơn nữa, thu nhập của người lao động tuy khá ổn định nhưng chỉ ở mức thấp. Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm giảm, đạt mức thấp nhất từ năm 2010 đến nay. Và, nếu tin theo con số của Tổíng cục Thống kê thì tính đến ngày 1.7.2014, tỷ lệ thất nghiệp (trong độ tuổi lao động) chung là 1,84% và có 1.140 người trong độ tuổi lao động thiếu việc làm.

Theo dự báo, kinh tế trong nước sẽ tiếp tục phục hồi, từ đó tác động tích cực đến thị trường lao động. Và nhu cầu lao động sẽ tăng mạnh trong một số ngành như công nghiệp chế biến chế tạo, sản xuất phân phối điện, khí đốt... Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, chất lượng lao động nhằm đáp ứng yêu cầu tái cấu trúc nền kinh tế, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động hiện vẫn là thách thức. Việc giảm tỷ lệ các chủ doanh nghiệp, tăng tỷ lệ lao động trong  hộ gia đình sẽ có thể dẫn đến nguy cơ tăng lượng việc làm dễ bị tổng thương. Do vậy, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cần tiếp tục ban hành các chính sách, tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt qua khó khăn, để tiếp tục tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội. Bên cạnh đó, cần tập trung nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật của nguồn nhân lực và lực lượng lao động, thông qua việc đề xuất những chính sách khuyến khích học nghề cho học sinh; tập  trung tăng tỷ lệ lao động đã qua đào tạo và đổi mới phương pháp đào tạo, bổ sung các kỹ năng, tiêu chuẩn mới phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp.

Để phát triển kỹ năng theo nhu cầu thị trường, cần đẩy mạnh sự tham gia của doanh nghiệp vào hệ thống giáo dục và đào tạo; tích cực triển khai các chương trình ưu đãi thuế cho doanh nghiệp tham gia đào tạo. Từ đó, tích cực chuẩn bị, xây dựng nguồn nhân lực mạnh về cả chất và lượng cho quá trình hội nhập ngày một sâu rộng trong thời gian tới.