Xu hướng phát triển nguồn năng lượng tái tạo

Theo vietnamplus.vn

Xu hướng thế giới đang tiến tới đẩy mạnh hơn nữa các dự án điện sử dụng năng lượng tái tạo như gió, Mặt Trời, sinh khối.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Việt Nam cũng sẽ không nằm ngoài xu thế đó. Tuy nhiên, để đảm bảo an ninh năng lượng, nhiệt điện vẫn được xem là phương án khó có thể thay thế. Vấn đề ở chỗ, Việt Nam sẽ lựa chọn loại hình nhiệt điện nào, để phù hợp phát triển kinh tế và vẫn đảm bảo môi trường. Phóng viên đã có buổi trao đổi với ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam xung quanh vấn đề này.

Phóng viên. Thưa ông, ông có thể cho biết xu hướng phát triển năng lượng điện của thế giới và bức tranh ngành điện Việt Nam hiên nay?

Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam: Trong cân đối năng lượng điện trên thế giới, phải khẳng định, xu hướng phát triển họ đi trước Việt Nam từ rất xa. Những năm trước, thế giới khi bước vào giai đoạn đang phát triển họ cũng buộc phải phát triển điện than, điện khí rất mạnh. Những nước có dồi dào nguồn nước cũng phát triển thủy điện và lúc đó năng lượng tái tạo chưa có nhiều. 

Sau này, do biến đổi khí hậu, hiệu ứng nhà kính, lũ lụt..., chủ trương thế giới giảm bớt tiêu thụ năng lượng ảnh hưởng đến môi trường và đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo, như điện gió, điện Mặt Trời... 

Tại Việt Nam, tổng quan năng lượng chung, đến nay vẫn đảm bảo an ninh năng lượng, với tổng công suất khoảng 46.700MW; trong đó ngành điện chiếm 60%, còn lại là ngành dầu khí, than và các dự án BOT (xây dựng-kinh doanh-chuyển giao) của Mỹ, Nhật Bản... nhưng số dự án BOT này không đáng kể.

Mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam sẽ cần khoảng 240.000-300.000MW công suất điện, sản lượng điện quốc gia đạt từ 450-500 tỷ kWh. Hiện Việt Nam mới có chưa đầy 47.000MW công suất và sản lượng điện chưa đầy 200 tỷ kWh.

Đến năm 2030, chỉ còn 12 năm nữa, thời gian rất ngắn, trong khi để xây dựng một trung tâm điện lực sẽ mất từ 8-10 năm. Với thời gian không dài nữa, mục tiêu đề ra như vậy có cách gì thực hiện, đó là câu hỏi rất khó khăn.

Năng lượng tại Việt Nam hiện chủ yếu tập trung ở 3 loại: thủy điện, nhiệt điện và năng lượng tái tạo. Về thủy điện Việt Nam đã gần như khai thác hết, năng lượng tái tạo gần như chưa có. Chỉ có 2 dự án rất nhỏ; trong đó, có dự án điện gió Bạc Liêu công suất 92MW, mới đưa vào vận hành thô 50MW, hiệu suất phát điện cung cấp cho hệ thống nhỏ nên hiệu quả không cao. Còn điện Mặt Trời gần như chưa có. 

Vậy từ nay đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050, để đảm bảo an ninh năng lượng và bảo đảm môi trường, Ông có gợi mở gì cho ngành điện Việt Nam?

Mặc dù mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo Chính phủ đã đề ra cách đây hơn 10 năm nhưng đến nay phát triển rất chậm. 

Theo quan điểm của Hiệp hội, Việt Nam mới có khoảng 20.000MW điện than, trải từ Bắc vào Nam, miền Nam mới thêm Vĩnh Tân, Duyên Hải. Còn với dự án Sông Hậu, Long An... nằm trong giai đoạn chuẩn bị triển khai.

Trong thời gian ngắn tới, nguy cơ thiếu điện rất trầm trọng. Do vậy, cần tăng tỷ trọng các nhà máy nhiệt điện than, lên đến 45.000-50.000MW, thậm chí có thể 100.000MW. Con số này so với các nước cũng chưa là gì. 

Về điện khí, sắp tới giai đoạn 2030-2050 cũng nên tăng thêm, xây dựng thêm các nhà máy khí hóa lỏng, thêm vài chục nghìn MW nữa. Tuy nhiên, cũng cần tính toán tới chi phí, công nghệ, xây dựng thế nào, nguồn cấp khí ra sao..., trong khi các nguồn khí đồng hành đang dần cạn kiệt.

Việt Nam sẽ phải nhập khẩu khí hóa lỏng LNG, mà trong lĩnh vực xây dựng điện khí này chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm. 

Do vậy nhiệt điện sẽ làm nòng cốt, chủ đạo cho hệ thống điện quốc gia. Nhiệt điện mới có thể đảm bảo phát điện liên tục 24/24 giờ. Đặc biệt là nhiệt điện than, với thời gian xây dựng nhanh hơn, giá điện rẻ, vấn đề môi trường cũng đã được xử lý triệt để từ công nghệ những năm gần đây.
Xu hướng thế giới là giảm nhiệt điện than, điện nguyên tử và phát triển năng lượng tái tạo như Trung Quốc, Mỹ, Đức, Pháp, Canada, Áo... năng lượng tái tạo chiếm 25-30%. Tuy nhiên, đặc điểm của năng lượng tái tạo không phát liên tục được 24/24 giờ.

Đặc biệt tại Việt Nam và thế giới hiện nay, biểu đồ phụ tải không như trước. Giờ cao điểm-thấp điểm, ngày-đêm chênh lệch nhau không nhiều. Nên phục vụ cấp điện là 24/24 giờ. Do vậy, năng lượng tái tạo chỉ có thể bù đắp chứ không thể thay thế cho năng lượng truyền thống. 

Để thúc đẩy năng lượng tái tạo, hệ thống điện quốc gia phải được tổ chức thật khoa học, dùng các công nghệ mới để bù đắp phát điện và khi điện từ nguồn năng lượng tái tạo cung cấp tới ngưỡng nào đó, Việt Nam sẽ giảm điện than, giảm điện khí để tiết kiệm. Đây là một quy trình công nghệ rất cao, không phải nước nào cũng làm được. 

Thưa ông, hiện vẫn còn nhiều ý kiến tranh cãi trong việc lựa chọn xây dựng dự án nhiệt điện than hay khí, đặc biệt tại các tỉnh phía Nam, do lo ngại về ô nhiễm môi trường. Vậy quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?
Lo ngại về môi trường đối với các dự án nhiệt điện là đúng. Có 3 vấn đề lo ngại khi xây dựng và vận hành các nhà máy nhiệt điện than. Thứ nhất là lượng tro xỉ thải ra, thứ hai là các chất khí thải và thứ ba là nguồn cung ứng nguyên liệu vận hành. 

Về vấn đề này, phải khẳng định, với công nghệ hiện đại hiện nay, các nhà máy nhiệt điện than nhập các lò siêu tới hạn, trên siêu tới hạn, có thể đốt sạch hoàn toàn lượng than, xử lý gần như tối đa lượng khí thải ra như SO2, CO2, Nox... 

Đối với lượng tro xỉ thải ra, hiện có rất nhiều công ty hoạt động trong lĩnh vực vật liệu không nung như Thanh Tuyền, với công nghệ của Nhật Bản, có thể sử dụng tro xỉ thải, phối trộn làm vật liệu không nung: gạch xây, gạch ngói, lát... với trọng lượng nhẹ, bền, đẹp và dễ thi công, giá rẻ.

Tại Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh, các doanh nghiệp sản xuất vật liệu không nung đã tiêu thụ hết tro xỉ của nhà máy nhiệt điện than Đông Triều. Nếu Việt Nam có được nhiều hơn các doanh nghiệp này hoàn toàn lượng tro xỉ thải là không đáng lo ngại 

Cuối cùng là nguồn than. Lượng than trong nước sẽ không đủ cung cấp và thách thức đến năm 2030, Việt Nam cần nhập từ 150-200 triệu tấn than. Đây là vấn đề mà chúng ta cần tính đến. 

Đối với từng dự án cụ thể, tôi cho rằng để lựa chọn xây dựng nhiệt điện than hay khí, cần phải có những tính toán, đánh giá chi tiết hơn nữa, đặt trong bối cảnh phát triển của Việt Nam....

Xin cảm ơn Ông!