Xử lý nợ xấu và những giải pháp đặt ra

Chí Hoàng

Bên cạnh những chuyển biến tích cực trong công tác xử lý nợ xấu tại các ngân hàng thời gian qua cũng còn có những hạn chế, tồn tại cần có sự phối hợp, vào cuôc đồng bộ của các cơ quan hữu quan triển khai nhiều giải pháp thiết thực. Là những yêu cầu đặt ra trong bối cảnh triển khai xử lý nợ xấu hiện nay cần giải quyết.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Nợ xấu còn tiềm ẩn  

Theo Báo cáo tổng quan thị trường tài chính năm 2016 của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, dù tỷ lệ nợ xấu ghi nhận mức giảm, song nợ chờ xử lý (bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng - VAMC) và nợ xấu tiềm ẩn vẫn lớn.

Tổng số nợ bán cho VAMC chưa xử lý là 224.000 tỷ đồng (chiếm 85% nợ xấu bán cho VAMC, và chiếm khoảng 4,3% tổng tín dụng). Trong năm 2016, số dự phòng rủi ro tín dụng của hệ thống ngân hàng ước tăng khoảng 11,9% so với cuối năm 2015 (năm 2015 tăng 5,4%); dự phòng rủi ro cụ thể tăng 24,9%, cao hơn so với cùng kỳ năm 2015 (11,9%); tỷ lệ dự phòng rủi ro cụ thể/nợ xấu báo cáo là 57,2%.

Trong số 10 ngân hàng trên sàn chứng khoán đã công khai số liệu, thì Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) đang là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay thấp nhất với 0,87%. Đây cũng là ngân hàng duy nhất có tỷ lệ nợ xấu dưới 1%. Tổng số nợ xấu của ngân hàng tại thời điểm cuối năm 2016 là 1.419 tỷ đồng, giảm 20% so với đầu năm. Xét về quy mô tổng nợ xấu lớn nhất hiện nay, thì BIDV vẫn đứng “vị trí thứ nhất”, với  mức 14.175 tỷ đồng, tăng 41% so với đầu năm, đó là tính cả gánh nặng nợ xấu của MHB kể từ khi nhận sáp nhập cuối năm 2015.

Còn báo cáo của VAMC cho biết, tính đến đầu năm 2017, sau hơn 3 năm hoạt động, VAMC đã mua tổng cộng được 25.689 khoản nợ xấu tại 42 tổ chức tín dụng (TCTD) tại Việt Nam với tổng dư nợ gốc 284.206 tỷ đồng, giá mua nợ thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt là 247.423 tỷ đồng.

Hầu hết khoản nợ xấu VAMC đã nhận từ các TCTD đều có tài sản bảo đảm là bất động sản hoặc tài sản hình thành từ vốn vay, kể cả bất động sản, nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp, dự án, trái phiếu doanh nghiệp... Lũy kế từ năm 2013 đến nay, VAMC đã phối hợp với các TCTD thu hồi nợ được 50.165 tỷ đồng bằng nhiều hình thức bán nợ, bán tài sản bảo đảm đạt tỷ lệ 17,6% so với tổng dư nợ gốc.

Song hành cùng những chuyển biến tích cực, thực tế công tác xử lý nợ xấu còn có những hạn chế, đó là một số ngân hàng chưa xử lý dứt điểm các khoản nợ xấu kéo dài, việc đo lường và đánh giá rủi ro danh mục tín dụng, áp dụng chính sách khách hành chưa linh hoạt, năng lực quản trị rủi ro của một số TCTD còn hạn chế, kiểm tra kiểm soát nội bộ chưa tốt, tính tuân thủ chưa cao...

Giải pháp xử lý nợ xấu

Trong tháng 03/2017, Thủ tướng vừa ký Nghị quyết số 27/NQ-CP ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TW, ngày 01/11/2016 của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII và Nghị quyết số 24/2016/QH14, ngày 08/11/2016 của Quốc hội về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020.

Về vấn đề nợ xấu, chương trình hành động của Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các TCTD, nợ xấu đã bán cho VAMC và nợ xấu đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ xuống dưới 3%.

Đáng chú ý, mức mục tiêu dưới 3% nói trên được chú giải là không bao gồm nợ xấu của các ngân hàng thương mại yếu kém, được Chính phủ phê duyệt xử lý theo phương án riêng.

Mới đây, Nghị quyết xử lý nợ xấu được Quốc hội thông qua sẽ là cơ sở pháp lý rất quan trọng để Chính phủ có khuôn khổ tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu.

Điểm mới trong Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu là các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán xử lý nợ xấu được bán nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu công khai, minh bạch theo giá thị trường có thể cao hơn hoặc thấp hơn dư nợ gốc của khoản nợ, đồng thời tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được bán nợ xấu cho pháp nhân, cá nhân bao gồm cả pháp nhân, cá nhân không có chức năng kinh doanh mua bán nợ.

 Việc xử lý nợ xấu trong thời gian đã có chiều hướng tích cực từ những giải pháp điều hành, cơ chế chính sách đến kết quả thực hiện. Để đạt mục tiêu đặt ra, , cần quan tâm đến các giải pháp sau:

Một là,  Điểm mấu chốt để xử lý nợ xấu chính là phải xử lý được tài sản bảo đảm (TSBĐ). Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu sẽ giúp xử lý TSBĐ được nhanh, thuận lợi hơn. Muốn vậy phải để bên cho vay (TCTD) có quyền thu giữ TSBĐ khi bên vay vi phạm cam kết không trả được nợ; sau khi thu giữ TSBĐ, TCTD được bán TSBĐ theo giá thị trường, có thể thấp hơn giá trị sổ sách; TCTD chuyển nhượng, sang tên tài sản cho người mua; được ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ nợ; khi có tranh chấp khởi kiện ra tòa thì được giải quyết theo thủ tục rút gọn để rút ngắn quy trình, thủ tục tố tụng tại tòa án, giúp TCTD xử lý nhanh TSBĐ.

Hai là, cần có biện pháp quyết liệt để xác định số thực về quy mô và cơ cấu của nợ xấu hiện nay, từ số liệu này mới có thể áp dụng các giải pháp cụ thể cho từng TCTD. Đối với từng ngân hàng, cần nâng cao năng lực tài chính như: chủ sở hữu, chất lượng tài sản. Các NHTM đặc biệt là những ngân hàng nhỏ hiện nay cần gấp rút thực hiện lộ trình tăng vốn chủ sở hữu.

Bên cạnh việc xử lý dứt điểm nợ xấu bằng quỹ dự phòng rủi ro, phát mại tài sản, các ngân hàng có thể chuyển khoản nợ sang công ty chuyên xử lý nợ xấu. Để nâng cao chất lượng khoản nợ, ngân hàng cần tuân thủ nghiêm túc quy trình cho vay, thực hiện tốt việc kiểm tra, giám sát khoản vay đúng quy định.

Ba là, xử lý nghiêm hành vi che giấu nợ xấu. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung về cách phân loại nợ, trích lập sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trong các trường hợp cấp tín dụng, phân loại nợ, trích lập và sử dụng quỹ dự phòng sai chế độ.

Bốn là, các TCTD tính thanh khoản chưa đe dọa sự an toàn của cả hệ thống, phải tự xử lý thông qua các biện pháp đã và đang làm, như: bán nợ, đòi trực tiếp, thanh lý tài sản thế chấp, sử dụng quỹ dự phòng bù đắp các khoản nợ không thu hồi được…