Xuất nhập khẩu vẫn “bỏ trứng vào một giỏ”

Theo Báo Đầu tư

Dù được coi là điểm sáng của nền kinh tế trong 9 tháng đầu năm, song xuất nhập khẩu đang tiềm ẩn nhiều bất ổn do quá phụ thuộc vào số ít thị trường chính.

Xuất nhập khẩu vẫn “bỏ trứng vào một giỏ”
Xuất khẩu tập trung vào Mỹ, EU

Theo ông Nguyễn Tiến Vỵ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công thương), 9 tháng đầu năm nay, xuất khẩu đạt 83,78 tỷ USD, tăng 18,9% so với cùng kỳ năm 2011. Xét về tốc độ tăng trưởng, thị trường châu Á xếp vị trí quán quân, với mức tăng 27,2%, tiếp đó là thị trường châu Mỹ (18,2%), châu Âu (16%).

Tuy nhiên, xét về thị trường, Mỹ và EU vẫn là hai thị trường lớn nhất của Việt Nam. Trong đó, thị trường Mỹ chiếm 17,6% (14,7 tỷ USD) và thị trường EU chiếm khoảng 17% (14,4 tỷ USD), tổng cộng hai thị trường này chiếm 34,6% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Có khả năng, năm 2012, xuất khẩu sang Mỹ và EU sẽ đạt lần lượt 19,5 và 19 tỷ USD, vượt xa kỷ lục đạt được trong năm 2011.

Dĩ nhiên, Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu vào Mỹ, bởi đây là thị trường có quy mô nhập khẩu lớn nhất thế giới, hàng nhập khẩu của Việt Nam tại Mỹ còn chiếm tỷ lệ rất nhỏ, chưa đến 1%. Tương tự, tại EU, nhu cầu các mặt hàng tiêu dùng cũng rất lớn. Dù vậy, việc quá phụ thuộc vào thị trường Mỹ, EU có thể khiến xuất khẩu Việt Nam bị “sốc” khi các thị trường này gặp biến động, như nhu cầu thị trường giảm do người dân thắt chặt chi tiêu, thay đổi xu hướng tiêu dùng hoặc bị dính vào các vụ kiện bán phá giá…

Bà Susan Schwab, nguyên Đại diện thương mại Mỹ cũng khuyến cáo, Việt Nam nên mở rộng thị trường xuất khẩu. Việc phụ thuộc vào thị trường Mỹ sẽ khiến doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam dễ bị “dính đòn” kiện bán phá giá. Thực tế cũng chứng minh, thường sau một thời kỳ Việt Nam xuất siêu sang Mỹ, nước này lại tìm cách cân bằng lại cán cân thương mại bằng cách dựng lên các hàng rào kỹ thuật.

Hơn nữa, theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, cơ cấu mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ rất bất cập, chủ yếu là hàng gia công như dệt may, giày dép với thế mạnh lao động rẻ. Với cơ cấu xuất khẩu này, giá trị gia tăng thu về từ hàng xuất khẩu rất thấp, mà chủ yếu là bán sức lao động. Mặt khác, khi lợi thế này mất đi, thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam cũng không còn.

Để nâng cao giá trị gia tăng từ hàng xuất khẩu, đồng thời đối phó với xu hướng thắt lưng buộc bụng tại thị trường Mỹ, ông Bùi Kiến Thành kiến nghị, Việt Nam nên hướng mạnh vào các mặt hàng nông sản, thực phẩm và các mặt hàng tiêu dùng có lợi thế.

Nhập khẩu phụ thuộc vào Trung Quốc

Nếu Mỹ, EU là thị trường xuất khẩu truyền thống của Việt Nam, thì Trung Quốc được coi là điểm sáng mới của xuất khẩu nước ta. Trong 9 tháng đầu năm, xuất khẩu Việt Nam sang Trung Quốc tăng 20,5%. Tuy nhiên, điều này đáng lo hơn đáng mừng, bởi nhập khẩu nước ta phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc.

Theo Tổng cục Thống kê, các mặt hàng nhập khẩu nhiều nhất từ Trung Quốc chủ yếu là nguyên liệu đầu vào cho sản xuất trong nước, bao gồm máy móc, thiết bị, phụ tùng, điện thoại các loại và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, nguyên phụ liệu dệt may, xăng dầu thành phẩm, phân bón, thức ăn gia súc…

Thừa nhận Việt Nam nhập siêu nhiều từ Trung Quốc, song ông Đào Ngọc Chương, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - Thái Bình Dương (Bộ Công thương) lý giải, nguyên nhân là công nghiệp phụ trợ chưa phát triển, không đủ đáp ứng các ngành sản xuất trong nước và xuất khẩu. Thị trường Trung Quốc lại có ưu thế về giá cả và vị trí địa lý, nên việc nhập siêu từ Trung Quốc là khó tránh.

Tuy nhiên, thực tế, Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc không chỉ nguyên liệu đầu vào (đường chính ngạch), mà còn nhập khẩu hầu hết các mặt hàng tiêu dùng. Những mặt hàng này chủ yếu được nhập khẩu qua đường tiểu ngạch và nhập lậu, nên con số nhập siêu chính thức từ Trung Quốc vẫn là ẩn số. Ngay cả việc nhập khẩu nguyên vật liệu, thiết bị đầu vào, cũng đã có nhiều lo ngại về việc Trung Quốc đang đẩy mạnh xuất khẩu trang thiết bị, công nghệ lạc hậu sang các nước kém phát triển hơn.

Rõ ràng, cơ cấu xuất khẩu lẫn nhập khẩu của Việt Nam đều quá phụ thuộc vào một số ít thị trường, điều này dẫn đến những hệ lụy lớn, nếu các thị trường trên biến động. Vì vậy, theo nhiều chuyên gia kinh tế, Việt Nam phải gấp rút thay đổi cơ cấu thị trường theo hướng “bỏ trứng vào nhiều giỏ” nếu không muốn bị bắt chẹt.