30 sản phẩm “không phải là sữa” đang cần xác định lại

Theo ndh.vn

(Tài chính) Đó là thông tin được ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng cục Quản lý giá Bộ Tài chính chia sẻ với phóng viên. Theo ông Tuấn, Bộ Tài chính đã gửi Bộ Y tế 30 sản phẩm chưa xác định là sữa hay sản phẩm khác nhưng mới nhận được câu trả lời với 12 mặt hàng.

Đến ngày 25/7 đã có 488 mặt hàng sữa thực hiện xác định giá tối đa bán buôn và bán lẻ theo đúng chủ trương và giá bán cũng đã giảm so với trước đây. Nguồn: Internet
Đến ngày 25/7 đã có 488 mặt hàng sữa thực hiện xác định giá tối đa bán buôn và bán lẻ theo đúng chủ trương và giá bán cũng đã giảm so với trước đây. Nguồn: Internet
Cũng theo báo cáo của Bộ Tài chính, đến ngày 25/7 đã có 488 mặt hàng sữa thực hiện xác định giá tối đa bán buôn và bán lẻ theo đúng chủ trương và giá bán cũng đã giảm so với trước đây. Tuy nhiên, cũng theo đánh giá của cơ quan quản lý giá , do đây là lần đầu thực hiện việc áp giá trần với mặt hàng sữa trong phạm vi rộng và trong thời gian nhất định nên khối lượng công việc rất lớn. Về phía các DN, trong thời gian đầu vẫn còn lúng túng trong việc xác định giá bán buôn và giá bán lẻ ra thị trường. Ngoài ra, việc bán lẻ thường được thực hiện qua nhiều khâu trung gian nên nhiều cửa hàng vẫn chưa biết cách xác định giá cụ thể ra sao.

Hơn nữa, hiện vẫn tồn tại hai loại sản phẩm là mặt hàng sữa và những sản phẩm khác có tên gọi như bổ sung vi chất. Theo ông Tuấn, đây là điều cần phân định rõ để tránh gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Đặc biệt, chỉ các sản phẩm gọi là sữa thì cơ quan chức năng mới có thể thực hiện bình ổn giá. Do đó, thời gian tới Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp chặt với Bộ Y tế để chuẩn hóa tên gọi với các sản phẩm này.

Đối với lo ngại sau khi chấm dứt thời hạn bình ổn giá, giá sữa sẽ tăng trở lại ông Tuấn cho biết hết thời hạn 1 năm cơ quan quản lý sẽ có báo cáo tổng kết.

“Nếu diễn biến tốt thì sẽ tính việc gỡ trần giá sữa còn nếu diễn biến xấu đi thì cơ quan chức năng sẽ kiến nghị Chính phủ gia hạn” – ông Tuấn nói.