6 tháng đầu năm 2018, cả nước có 60/63 tỉnh chi vượt quỹ BHYT

PV.

Báo cáo về tình hình quản lý và sử dụng quỹ Khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) của Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam vừa công bố cho thấy, 6 tháng đầu năm 2018, số tiền đề nghị thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT lên tới 47.309 tỷ đồng, với tỷ lệ sử dụng quỹ khám chữa bệnh BHYT là 122,57%. Trong đó, 60/63 tỉnh chi vượt quỹ, trong số này có 13 tỉnh bội chi quỹ trên 200 tỷ đồng.

Qua hệ thống thông tin giám định y tế của BHXH, bước đầu cũng đã phát hiện những trường hợp bất thường như kéo dài ngày nằm viện... Nguồn: Internet
Qua hệ thống thông tin giám định y tế của BHXH, bước đầu cũng đã phát hiện những trường hợp bất thường như kéo dài ngày nằm viện... Nguồn: Internet
Báo cáo của BHXH Việt Nam cho thấy, tổng số lượt khám chữa bệnh BHYT là 84,9 triệu lượt, trong đó có 77,3 triệu lượt khám ngoại trú và 7,6 triệu lượt điều trị nội trú, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2017 (khám chữa bệnh ngoại trú tăng 9,4%, khám chữa bệnh nội trú tăng 7,2%).

Tần suất khám chữa bệnh BHYT là 1,04 lượt/thẻ (nội trú là 0,09 lượt/thẻ, ngoại trú là 0,95 lượt/thẻ), tăng 5% so với cùng kỳ năm 2017.

Số chi khám chữa bệnh BHYT là 47.309 tỷ đồng, chiếm 51,91% dự toán Chính phủ giao (chưa bao gồm số chi của nhóm đối tượng do BHXH thuộc Bộ Quốc phòng, BHXH thuộc công an nhân dân quản lý), tăng 17,4% so với cùng kỳ năm 2017.

Chi phí bình quân/lượt khám chữa bệnh BHYT là 557.300 đồng/lượt (ngoại trú là 235.000 đồng/lượt, nội trú là 3.853.000 đồng/lượt), tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước.

Về sử dụng, cân đối quỹ BHYT, theo BHXH Việt Nam ước tính 6 tháng đầu năm 2018, số tiền đề nghị thanh toán chi phí khám chữa BHYT là 47.309 tỷ đồng, với tỷ lệ sử dụng quỹ ước tính là 122,57%.

Có 60/63 tỉnh thành chi vượt quỹ khám chữa bệnh được sử dụng trong kỳ, trong số này có 13 tỉnh ước bội chi quỹ trên 200 tỷ đồng, gồm: Nghệ An bội chi 751 tỷ đồng; Thanh Hóa: 749 tỷ đồng; Quảng Nam: 486 tỷ đồng; Thái Bình: 350 tỷ đồng; Quảng Ninh: 341 tỷ đồng; Nam Định: 338 tỷ đồng, TP. Hà Nội: 319 tỷ đồng,  Đồng Tháp: 273 tỷ đồng, Hà Tĩnh: 265 tỷ đồng... Chỉ có ba tỉnh, thành phố cân đối được quỹ BHYT, bao gồm TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bình Dương.

Nhằm hướng tới việc giảm bội chi quỹ BHYT trên cả nước, hiện nay, BHXH Việt Nam đang xây dựng và sở hữu Hệ thống thông tin giám định BHYT; Hệ thống cấp số định danh và quản lý BHYT hộ gia đình; Hệ thống một cửa điện tử tập trung; Cổng Thông tin điện tử BHXH Việt Nam để tiếp nhận các yêu cầu giao dịch điện tử, khai thác thông tin, dữ liệu về BHXH, BHYT của tổ chức, cá nhân.

Đồng thời, BHXH Việt Nam cung cấp được 14 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; Hệ thống thông tin giám định kết nối gần 100% với cơ sở khám chữa bệnh trên phạm vi toàn quốc; Đưa vào vận hành Trung tâm Điều hành hệ thống công nghệ thông tin, Trung tâm Dịch vụ khách hàng, phục vụ tư vấn, giải đáp cho người dân, người lao động.

Thông tin chi tiết về việc thanh toán BHYT tại các cơ sở y tế sẽ được cập nhật liên tục về hệ thống thông tin giám định y tế của BHXH Việt Nam. Những hồ sơ có vấn đề sẽ được hệ thống đánh dấu để giám định viên có thể xác định được ngay những chỉ định đó có hợp lý hay không, có được thanh toán bảo hiểm hay không.

Qua phân tích dữ liệu, bước đầu cũng đã phát hiện những trường hợp bất thường như kéo dài ngày nằm viện, chỉ định xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh quá mức cần thiết. Hệ thống cũng phát hiện nhiều trường hợp chênh lệch giá và thuốc giá cao hơn luôn được cơ sở y tế ưu tiên sử dụng với tần suất và số lượng cao.

Dự kiến từ năm 2018, BHXH Việt Nam sẽ tích hợp thẻ BHYT và BHXH với một mã an sinh. Thông qua ứng dụng công nghệ thông tin, người dân có thể tự tra cứu thông tin của mình và cơ quan quản lý cũng giám sát dễ dàng hơn.

Đặc biệt, hệ thống dữ liệu thông tin bảo hiểm sẽ kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội, hướng tới mục tiêu vào năm 2020 có thể triển khai cấp số và thẻ an sinh xã hội điện tử.