6 tháng đầu năm 2018: Thiên tai "thổi bay" trên 868 tỷ đồng

Theo Vân Khánh/baodansinh.vn

Tính khốc liệt của dị hình thời tiết, tác động biến đổi khí hậu ngày càng tăng. 6 tháng đầu năm 2018, thiên tai đã làm 75 người chết và mất tích, tổng thiệt hại về kinh tế ước tính trên 868,5 tỷ đồng.

6 tháng đầu năm 2018, thiên tai đã làm 75 người chết và mất tích, tổng thiệt hại về kinh tế ước tính trên 868,5 tỷ đồng. Nguồn: internet
6 tháng đầu năm 2018, thiên tai đã làm 75 người chết và mất tích, tổng thiệt hại về kinh tế ước tính trên 868,5 tỷ đồng. Nguồn: internet

Đây là thông tin Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Trưởng BCĐ trung ương về phòng chống thiên tai (PCTT) Nguyễn Xuân Cường cho biết tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018 và đánh giá rút kinh nghiệm công tác PCTT trong đợt lũ vừa qua tại các tỉnh miền núi phía Bắc của BCĐ trung ương về PCTT. Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng, thành viên BCĐ tham dự hội nghị.

Từ đầu năm 2018 đến nay, trên cả nước đã xảy ra 14 loại hình thiên tai  bao gồm: 2 cơn bão, 2 ATNĐ, 88 trận dông, lốc sét, 7 trận lũ quét, sạt lở đất, 7 đợt gió mạnh trên biển, 4 đợt rét đậm, rét hại… trong đó đặc biệt là đợt rét từ ngày 28/01- 7/2/2018 có nhiệt độ xuống rất thấp dưới 3 độ C; mưa đá, dông lốc trên diện rộng từ 14-15/4/2018. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, chưa năm nào tháng 6 mưa dồn dập, đặc biệt tập trung tại một số tỉnh miền núi phía Bắc như năm nay. Trận mưa quá lớn kéo dài trong 2 ngày gây sạt trượt diện rộng tại tỉnh Lai Châu, cả vùng chè bao năm bình ổn sau trận mưa sạt lở.

Cũng chưa năm nào có đợt nắng nóng kéo dài liên tiếp 8 ngày với nền nhiệt trên 40 độ C tại các tỉnh phía Bắc và miền Trung. Ghi nhận tại Tĩnh Gia (Thanh Hóa) nhiệt độ cao nhất 41,6 độ C; tại Sơn Tây (Hà Nội) 40 độ C.

BCĐ trung ương PCTT đã chỉ đạo triển khai đồng bộ, đa dạng các phương thức truyền thông tới cộng động trên truyền hình, phát thanh, loa truyền thanh cơ sở, trang tin điện tử (với trên 3,3 triệu lượt truy cập), facebook (với gần 100.000 người theo dõi), tài liệu video, tờ rơi, bản tin…

Chỉ đạo phổ biến kiến thức phòng chống thiên tai trong trường học; xây dựng lực lượng xung kích tại cơ sở; Phát động các cuộc thi phim, phóng sự ngắn về PCTT (với 78 tác phẩm dự thi); thi sáng tác câu truyện truyền thanh về PCTT (với 15 tác phẩm dự thi).

Phát động doanh nghiệp phát triển công nghệ, hỗ trợ nhà nước và nhân dân trong PCTT nhất là hỗ trợ: đê di động cao su, thiết bị cảnh báo mưa lũ tự động, thiết bị định vị tàu cá, nhà tránh bão lũ, thiết bị phòng chống tốc mái, loa cầm tay…

Chỉ đạo triển khai các hoạt động nâng cao nhận thức và quản lý thiên tai dựa vào cộng đồng; gắn việc xây dựng năng lực phòng chống thiên tai ở cơ sở với xây dựng nông thôn mới.      

Mặc dù đã có sự nỗ lực, công tác phòng, chống thiên tai vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, yếu kém. Đó là nhận thức của chính quyền, ý thức của người dân về PCTT ở một số nơi còn hạn chế, chưa chủ động. Công tác dự báo, cảnh báo chưa đáp ứng yêu cầu PCTT ngày càng cao của xã hội nhất là cảnh báo lũ quét, sạt lở đất. Tổ chức bộ máy, lực lượng hiện nay chủ yếu là kiêm nhiệm, chưa chuyên trách, còn lúng túng trong triền khai nhiệm vụ. Quy trình tiếp nhận viện trợ, hàng hóa còn phức tạp, không kịp thời, giảm hiệu quả sử dụng kinh phí. Một số địa phương còn lúng túng kéo dài thời gian khắc phục hậu quả (thậm chí kéo dài thời hạn kinh phí từ năm 2016). Quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, kinh tế - xã hội của các bộ ngành, địa phương chưa lồng ghép nội dung PCTT. Khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng còn thấp; cơ sở vật chất cơ quan tham mưu chỉ đạo, điều hành còn chật hẹp, thiếu công cụ hỗ trợ. Còn hạn chế trong ứng dụng khoa học công nghệ nhất là công nghệ dự báo, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, cảnh báo lũ từ các nước thượng lưu; thiếu các vật tư, trang thiết bị chuyên dùng, đặc thù để ứng phó thiên tai, thiết bị cảnh báo tự động tại cộng đồng. Sự tham gia của các ngành đối với công tác PCTT còn chưa đáp ứng yêu cầu nhất là việc tuyên truyền, vận động thông qua các hoạt động văn hóa – xã hội. Thiếu nguồn lực cho phòng chống thiên tai; chưa có Quỹ phòng chống thiên tai quốc gia, bảo hiểm rủi ro thiên tai và bố trí nguồn lực sẵn sàng ứng phó như các nước trong khu vực.

Theo đánh giá của BCĐ trung ương về PCTT, biến đổi khí hậu, nước biển dâng tác động nhanh và mạnh hơn so với dự báo đến thời tiết, thiên tai Việt Nam. Đồng thời, các hoạt động khai thác tài nguyên (nước, rừng, cát sỏi) phía thượng nguồn hệ thống sông Hồng, sông Mê Kông đã và đang làm gia tăng rủi ro thiên tai, ảnh hưởng đến sự phát ừiển bền vững của đất nước.

Từ nay đến cuối năm là thời kỳ trọng điểm phòng chống thiên tai trên khắp các vùng miền cả nước với xu thế diễn biến thiên tai gần đây rất phức tạp. Trong những tháng đầu năm, thiên tai đã có xuất hiện nhiều biểu hiện bất thường, khó lường, cực đoan cả về mưa lũ, nắng nóng, dông lốc, mưa đá, sạt lở bờ sông, bờ biển… Một số khu vực trên cả nước, công tác khôi phục, tái thiết sau thiên tai năm 2017 và những tháng đầu năm 2018 vẫn đang trong quá trình thực hiện. Một vài nơi, người dân vẫn chưa ổn định chỗ ở. Nhiều khu vực nguy cơ thiên tai gia tăng so với trước đây.

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia, tình hình thiên tai 6 tháng cuối năm 2018 Việt Nam chịu ảnh hưởng từ 12 - 13 cơn bão, trong đó trực tiếp từ 4 - 5 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền; nhiều đợt lũ lớn xuất hiện trong thời gian ngắn, lũ quét, sạt lở đất xảy ra tại nhiều sông suối nhỏ. Bên cạnh đó, tình hình thiên tai đang diễn biến rất phức tạp, bất thường, phạm vi rộng, nghiêm trọng tại nhiều nơi trên thế giới.