Áp lực lạm phát 2014

Trang Trần

(Tài chính) Nhiều nhận định dự báo lạm phát năm 2014 sẽ ở mức 7%. Tuy nhiên, để giữ được lạm phát ở mức này trong năm tới cũng hề đơn giản.

Nhiều nhận định dự báo lạm phát năm 2014 sẽ ở mức khoảng 7%. Nguồn: internet
Nhiều nhận định dự báo lạm phát năm 2014 sẽ ở mức khoảng 7%. Nguồn: internet

Lạm phát ở mức 7%

Theo Báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á 2013 công bố hôm 9/4 của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) dự báo lạm phát Việt Nam sẽ ở mức  trung bình 7,5% trong năm nay trước khi tăng lên 8,2% trong năm 2014. Mức dự báo này được đưa ra với giả định rằng các điều kiện thời tiết thuận lợi cho sản xuất lương thực, tỷ giá tiền đồng tương đối ổn định và các kích thích chính sách được kiểm soát. 

Trong khi đó, Báo cáo nhận định tình hình kinh tế năm 2013 & dự báo kinh tế 2014 - 2015 của Ủy ban giám sát Tài chính quốc gia cũng dự báo lạm phát năm 2014 là 7%, đến năm 2015 giảm xuống 6,5%. Xu hướng này sẽ tạo điều kiện đẩy mạnh đầu tư nguồn vốn toàn xã hội; đầu tư của khu vực tư nhân được cải thiện nhờ những giải pháp, chính sách hỗ trợ sản xuất, kinh doanh đã triển khai trong thời gian vừa qua phát huy tác dụng.

Mới đây, ngày 11/11, Quốc hội thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 trong đó có bộ 14 chỉ tiêu chủ yếu bao gồm chỉ tiêu lạm phát sẽ giữ nguyên mức7%.

Theo TS. Trần Du lịch, năm 2014, nền kinh tế chưa thể ra khỏi giai đoạn trì trệ, nhưng sẽ sáng hơn năm 2012 và 2013 và CPI tăng khoảng 7%.

Tại Hội thảo Những khuyến nghị chính sách kinh tế và điều hành chính sách tiền tệ 2014 - 2015 do Ngân hàng Nhà nước và báo Lao động tổ chức sáng ngày 18/11, Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC – ông Sumit Dutta cho rằng lạm phát Việt Nam vẫn đạt 1 con số trong giai đoạn 2014 - 2015.

Nhiều áp lực…

Theo Ủy ban giám sát Tài chính quốc gia, lạm phát nước ta năm 2014 có thuận lợi là kinh tế vĩ mô 2013 đã được duy trì ổn định, với tổng cầu trong phạm vi kiểm soát, không gây áp lực lớn lên lạm phát và giúp ổn định kì vọng về lạm phát của dân chúng.

Không những thế, giá giá hàng hóa thế giới được dự báo không có biến động lớn, thậm chí giảm, trong hai năm tới. Theo Ngân hàng Thế giới, trong năm 2014 - 2015, giá năng lượng giảm tương ứng 1% và 0,8%, giá hàng hóa phi năng lượng giảm tương ứng 0,3% và 0,9%.

Tuy nhiên, vẫn còn không ít những trở ngại tác động đến lạm phát, cụ thể:

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, kiểm soát lạm phát năm 2014 sẽ đối mặt với nhiều áp lực hơn khi điều chỉnh chính sách vĩ mô, nhất là tăng đầu tư công, dư nợ tín dụng, giá điện, than và dịch vụ công, đặc biệt là việc điều chỉnh bội chi năm 2014 lên 5,3% GDP và phát hành thêm 170 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, TS. Phan Minh Ngọc - Ngân hàng Sumitomo chi nhánh Singapore, cho rằng lạm phát năm 2014 phần lớn sẽ phụ thuộc vào động thái nới lỏng chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước. Càng nới lỏng, càng chạy theo mục tiêu tăng trưởng, theo yêu cầu cấp vốn của Chính phủ thì áp lực lạm phát càng gia tăng. Chuyên gia này cũng hy vọng, những triệu chứng của lạm phát đến càng sớm càng tốt để Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước kịp siết lại chính sách tài khóa và tiền tệ.

Sẵn sàng các giải pháp

Thứ nhất, tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, chính sách tài khóa chặt chẽ, điều hành lãi suất phù hợp, bảo đảm cung ứng vốn một cách có hiệu quả cho nền kinh tế, góp phần kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

Thứ hai, tăng cường quản lý thị trường, giá cả. Tiếp tục thực hiện cơ chế giá thị trường đối với các mặt hàng, dịch vụ công thiết yếu như điện, than, xăng dầu, nước, dịch vụ y tế... theo lộ trình phù hợp, bảo đảm yêu cầu kiểm soát lạm phát, công khai minh bạch và có hỗ trợ cho các đối tượng chính sách, người nghèo. Tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về giá, thuế, phí, xử lý nghiêm những đơn vị, cá nhân có hành vi vi phạm, lợi dụng thời gian cao điểm để tăng giá...

Thứ ba, các địa phương và doanh nghiệp cần kiên định thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra, nhất quán mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Đồng thời, triển khai quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh theo Nghị quyết 01, 02 và Nghị quyết các phiên họp thường kỳ của Chính phủ và các văn bản chỉ đạo liên quan.

Thứ tư, các địa phương cũng cần chủ động đánh giá hiệu quả của các biện pháp và Chương trình bình ổn giá đã thực hiện để làm cơ sở quyết định các biện pháp bình ổn giá tại địa phương từ nay đến cuối năm và trong dịp Tết Nguyên Đán Giáp Ngọ 2014; Kiểm soát chặt chẽ phương án giá và mức giá đối với hàng hoá, dịch vụ do Nhà nước định giá; hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước đặt hàng giao kế hoạch...