ASEAN tìm cú hích đầu tư tư nhân

Theo Khánh Minh/saigondautu.com.vn

Theo thống kê vào năm 2016, Trung Quốc dẫn đầu châu Á về thu hút vốn đầu tư tư nhân (PC), kế đó là Ấn Độ và Nhật Bản, trong khi PC vào ASEAN còn ở mức khiêm tốn.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Trung Quốc chiếm ưu thế trong thị trường PC, còn được xem là đầu tư mạo hiểm do môi trường đầu tư nội địa rộng lớn và nhiều người sẵn sàng sử dụng các sản phẩm mới, dẫn đến chu kỳ đầu tư nhanh hơn. Trung Quốc đã chiếm hơn một nửa tổng số PC vào năm 2016 và hơn 80% vốn đầu tư. Ấn Độ là điểm đến phổ biến thứ hai, với 26%.

ASEAN mặc dù là nền kinh tế lớn thứ ba ở châu Á và thị trường Internet phát triển nhanh nhất trên thế giới, nhưng chỉ thu hút chưa tới 10% PC trong năm 2016. Con số trong 6 tháng đầu năm 2017 còn thấp hơn khi PC vào các nền kinh tế của khu vực này đã giảm xuống chỉ còn 896 triệu USD so với tổng số 4,2 tỷ USD cùng kỳ năm 2016. Đây là dữ liệu từ Hiệp hội các công ty cổ phần thị trường mới nổi.

Singapore đã thu hút nhiều PC nhất trong nửa đầu năm 2017, tiếp theo là Việt Nam. Mặc dù dữ liệu và số liệu cả năm vẫn chưa được kiểm chứng nhưng sự sụt giảm PC ở ASEAN có thể là một dấu hiệu khác cho thấy các nền kinh tế của khu vực đang gặp khó khăn trong việc cạnh tranh thu hút PC với Trung Quốc và Ấn Độ. Theo các chuyên gia, Trung Quốc và Ấn Độ có thể đáp ứng tốt hơn các hợp đồng xuyên biên giới cho các nhà đầu tư. Hơn thế nữa, so với ASEAN, Trung Quốc và Ấn Độ ít bị tác động tiêu cực từ việc thắt chặt tiền tệ ở nước ngoài, bao gồm cả Cục Dự trữ Liên bang Mỹ. Vậy ASEAN cần làm gì?

Theo các nhà kinh tế, ASEAN cần phải là một điểm đến hấp dẫn đối với PC do dân số trẻ, có trình độ học vấn cao, một số thành viên lại có GDP bình quân đầu người thuộc loại cao của thế giới như Singapore.

Kinh nghiệm tại Trung Quốc cho thấy với tốc độ đô thị hóa cao, số người sử dụng Internet tăng, tốc độ Internet nhanh… là một vài trong số những điều kiện thuận lợi để thúc đẩy thương mại điện tử và các dịch vụ qua mạng và cũng là yếu tố thu hút PC.

ASEAN đã có mức tăng trưởng đều đặn trong cả hai điều kiện này nhưng vẫn cần tốt hơn nữa để có thể đáp ứng.  Ngoài ra, cần có chính sách kịp thời giải quyết nhu cầu cơ sở hạ tầng và nhu cầu của các doanh nghiệp mới thành lập. Thêm vào đó, ASEAN cũng cần đẩy nhanh tiến độ cải cách doanh nghiệp, nỗ lực hội nhập.

Công ty Maybank Kim Eng (MBKE) của Malaysia cho biết nhu cầu gọi vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng tại Đông Nam Á, trong đó vốn từ PC rất cao. Theo MBKE, đây là vấn đề rất cấp bách để phát triển thương mại nội khối và khuyến khích các doanh nghiệp đa quốc gia thâm nhập ASEAN. Các quốc gia ASEAN đã bắt đầu chạy đua rót vốn vào hạ tầng và dự kiến tổng vốn đầu tư cho lĩnh vực này sẽ lên đến 100 tỷ USD trong giai đoạn 2016-2017.

Trong khi đó, số liệu từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho thấy ASEAN sẽ cần đến 110 tỷ USD hàng năm trong giai đoạn từ nay đến 2025 để hoàn thiện hệ thống đường sá, cầu cảng và các nguồn cung năng lượng. Vốn đầu tư công sẽ không đủ để chi trả và các nước ASEAN sẽ cần thu hút hơn nữa vốn đầu tư tư nhân.