Bộ Tài chính đề xuất doanh nghiệp siêu nhỏ được áp dụng thuế suất 15%

PV.

Để đảm bảo đúng mục đích tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp siêu nhỏ, khuyến khích chuyển đổi hộ kinh doanh lên doanh nghiệp, phù hợp với thực tế quản lý, Bộ Tài chính đề nghị quy định: Doanh nghiệp siêu nhỏ được áp dụng thuế suất 15%.

Bộ Tài chính đề xuất doanh nghiệp siêu nhỏ được áp dụng thuế suất 15%.
Bộ Tài chính đề xuất doanh nghiệp siêu nhỏ được áp dụng thuế suất 15%.

Những nội dung được sửa đổi, bổ sung Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp đã thể hiện các mục tiêu quan trọng như: Xây dựng hệ thống chính sách thuế đồng bộ, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; Đảm bảo mục tiêu tiếp tục thúc đẩy DNNVV phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh và đảm bảo phù hợp với nguyên tắc tại Luật hỗ trợ DNNVV...

Bộ Tài chính đánh giá, cũng như nhiều quốc gia khác, tại Việt Nam, DNNVV đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội và tỷ lệ DNNVV tại Việt Nam cũng chiếm tỷ lệ cao trong tổng số doanh nghiệp (97%-98%) và được xác định là “động lực tăng trưởng”, là “xương sống” của nền kinh tế. Do đó, để đảm bảo mục tiêu tiếp tục thúc đẩy DNNVV phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh và đảm bảo phù hợp với nguyên tắc tại Luật hỗ trợ DNNVV, đảm bảo phù hợp với khả năng hỗ trợ của Nhà nước trong từng thời kỳ thì việc nghiên cứu đề xuất mức thuế TNDN phù hợp với DNNVV là cần thiết.

Căn cứ quy định tại Điều 10 Luật Hỗ trợ DNNVV số 04/2017/QH14 quy định: DNVV được áp dụng có thời hạn mức thuế suất thuế TNDN thấp hơn mức thuế suất thông thường áp dụng cho doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế TNDN.

Theo đó, để được áp dụng chính sách giảm thuế suất thuế TNDN thì doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp vừa đều phải đáp ứng tiêu chí chung là có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 200 người; đồng thời đáp ứng một trong hai tiêu chí nguồn vốn (không quá 100 tỷ đồng hoặc tổng doanh thu năm trước liền kề không quá 300 tỷ đồng).

Bộ Tài chính kiến nghị, về việc sử dụng tiêu chí lao động, vốn phân biệt theo ngành, lĩnh vực làm cơ sở xác định DNNVV có bất cập khi đặt trong xu thế doanh nghiệp kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực như hiện nay; việc sử dụng tiêu chí này cũng đã được quy định tại Nghị định số 56/2009/NĐ-CP ngày 30/6/2009 của Chính phủ (tiêu chí vốn là tổng vốn ghi trên Bảng tổng kết tài sản nên không phản ánh đúng quy mô và hoạt động của doanh nghiệp vì vốn đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp có sự sai khác rất lớn so với số vốn doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh và trên thực tế không có ý nghĩa trong công tác quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp.

Trong khi sử dụng tiêu chí doanh thu lại có ưu điểm là phản ánh thực chất kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, khắc phục được những hạn chế trong thực tiễn khi sử dụng tiêu chí DNNVV tại Nghị định số 56/2009/NĐ-CP, đồng thời phù hợp với kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới.

Mặt khác về quản lý thuế cho thấy, nếu lấy theo tiêu chí doanh thu thì cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế có sẵn (doanh thu thể hiện trên tờ khai thuế TNDN của doanh nghiệp) nên sẽ thuận lợi trong quản lý hơn khi lấy theo tiêu chí vốn. Tại cuộc họp Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách (UBTCNS) mở rộng ngày 10/4/2017 về dự án Nghị quyết tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đa số các ý kiến trong Ủy ban đều cho rằng việc xác định DNNVV làm cơ sở áp dụng mức thuế suất thấp hơn theo tiêu chí doanh thu là phù hợp, đúng bản chất kinh tế.

Do đó, để đảm bảo đúng mục đích tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp siêu nhỏ, khuyến khích chuyển đổi hộ kinh doanh lên doanh nghiệp, phù hợp với thực tế quản lý, đề nghị quy định: Doanh nghiệp siêu nhỏ (là doanh nghiệp có tổng doanh thu năm dưới ba tỷ đồng) được áp dụng thuế suất 15%; doanh nghiệp nhỏ và vừa (là doanh nghiệp có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 200 người; đồng thời đáp ứng điều kiện có tổng doanh thu năm từ ba tỷ đồng đến 50 tỷ đồng) được áp dụng thuế suất 17%.

Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đề xuất, doanh thu làm căn cứ xác định doanh nghiệp thuộc đối tượng được áp dụng thuế suất 17% và 15% tại khoản này là tổng doanh thu của doanh nghiệp trong năm.

Ngoài ra, để tránh các trường hợp doanh nghiệp thành lập các công ty con để được hưởng chính sách nêu trên, dự thảo Luật quy định mức thuế suất 15%, 17% không áp dụng đối với doanh nghiệp là các công ty tổ chức theo mô hình công ty mẹ - công ty con mà công ty mẹ nắm giữ từ 25% vốn chủ sở hữu của công ty con trở lên (là tỷ lệ xác định doanh nghiệp có giao dịch liên kết tại Nghị định số 20/2017/NĐ-CP ngày 24/02/2017 của Chính phủ).