Bộ Tài chính: Trách nhiệm trong việc thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp

PV.

(Tài chính) Sau 3 năm kể từ khi ban hành Quyết định 315/QĐ-TTg, việc thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) đã đạt được những kết quả thiết thực và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân bởi lợi ích to lớn mà nó đem lại. Để đạt được thành tích trên, bên cạnh sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ trong việc thí điểm BHNN, Bộ Tài chính cũng đã có nhiều đóng góp thiết thực giúp cho việc thí điểm BHNN đạt được hiệu quả cao nhất.

Thí điểm BHNN đã tạo cho người sản xuất ý thức và thói quen tuân thủ quy trình sản xuất. Nguồn: internet
Thí điểm BHNN đã tạo cho người sản xuất ý thức và thói quen tuân thủ quy trình sản xuất. Nguồn: internet

Những thành tựu đạt được

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, sau 3 năm triển khai, đến nay đã có 20 tỉnh, thành phố thuộc địa bàn tham gia triển khai thí điểm BHNN. Theo đó, 304.017 hộ nông dân/tổ chức sản xuất nông nghiệp tham gia BHNN, trong đó có 233.361 hộ nghèo (chiếm 76,8% tổng số hộ tham gia bảo hiểm), 45.944 hộ cận nghèo (chiếm 15,1%), 24.711 hộ thường (chiếm 8,1%), 1 tổ chức sản xuất nông nghiệp.

Bên cạnh đó, tổng giá trị được bảo hiểm của cả chương trình thí điểm đạt được 7.747,9 tỷ đồng, trong đó tổng giá trị bảo hiểm cây lúa là 2.151 tỷ đồng, tổng giá trị bảo hiểm vật nuôi là 2.713,2 tỷ đồng, tổng giá trị bảo hiểm thủy sản là 2.883,7 tỷ đồng.

Tổng doanh thu phí BHNN sau 3 năm triển khai thí điểm BHNN là 394.000 triệu đồng, trong đó, doanh thu phí bảo hiểm thủy sản là 218.175 triệu đồng (chiếm 55,4% tổng doanh thu); doanh thu phí bảo hiểm cây lúa là 91.919 triệu đồng (chiếm 23,3% tổng doanh thu); doanh thu phí bảo hiểm vật nuôi là 83.906 triệu đồng (chiếm 21,3% tổng doanh thu).

Ngoài ra, tổng số tiền đã giải quyết bồi thường bảo hiểm đến thời điểm 20/6/2014 là 701,8 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường bảo hiểm là 178,1%; trong đó, chủ yếu bồi thường bảo hiểm thủy sản với tổng số tiền đã bồi thường bảo hiểm là 669,5 tỷ đồng (tỷ lệ bồi thường là 306%); tiếp đó là bồi thường bảo hiểm cây lúa với tổng số tiền thực bồi thường là 19 tỷ đồng (tỷ lệ bồi thường 20,6%); bồi thường bảo hiểm vật nuôi là 13,3 tỷ đồng (tỷ lệ bồi thường là 15,9%).

Qua những số liệu trên, có thể thấy chủ trương của Đảng, Nhà nước trong việc triển khai BHNN là hết sức đúng đắn, đây là chính sách nhằm ổn định sản xuất và đời sống của người dân, góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội. Các địa phương được lựa chọn làm thí điểm, các địa bàn huyện xã làm thí điểm với các sản phẩm cây lúa, chăn nuôi, thuỷ sản là những mặt hàng sản xuất nông nghiệp quan trọng của địa phương phù hợp với điều kiện, đặc thù sản xuất nông nghiệp, phân bố dân cư và yêu cầu phát triển kinh tế của địa phương.

Ngoài ra, thông qua thí điểm BHNN đã tạo cho người sản xuất nông nghiệp ý thức và thói quen tuân thủ quy trình sản xuất, canh tác, nuôi thủy sản. Đây là mục tiêu cơ bản mà ngành nông nghiệp mong muốn đạt được để tiến tới sản xuất hàng hóa toàn diện.

Nỗ lực với mục tiêu đạt hiệu quả cao nhất

Để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, trong thời gian qua, Bộ Tài chính đã có nhiều giải pháp đồng bộ với mục tiêu đạt hiệu quả cao nhất trong việc thí điểm BHNN, giúp đỡ cho người nông dân yên tâm gia tăng sản xuất.

Thống nhất thực hiện thí điểm BHNN

Bộ Tài chính đã xây dựng chương trình, nội dung tuyên truyền về thí điểm BHNN gửi cho các địa phương, doanh nghiệp bảo hiểm, đồng thời tổ chức tập huấn cho các địa phương và doanh nghiệp bảo hiểm tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh về các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện Quyết định số 315/QĐ-TTg và  nội dung Quy tắc, điều khoản BHNN.

Phê chuẩn chương trình đào tạo đại lý bảo hiểm cho các doanh nghiệp bảo hiểm; chỉ đạo các doanh nghiệp bảo hiểm tiến hành đào tạo, tuyển dụng, thiết lập mạng lưới đại lý bảo hiểm; tổ chức thi, cấp chứng chỉ đại lý bảo hiểm.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng chỉ đạo các doanh nghiệp bảo hiểm xây dựng, hoàn thiện quy trình khai thác nghiệp vụ, quy trình giám định, bồi thường bảo hiểm, hoàn chỉnh hệ thống công nghệ thông tin, thống kê báo cáo, đảm bảo việc theo dõi hợp đồng chặt chẽ, chi trả bồi thường bảo hiểm đúng quy trình và chế độ quy định.

Kịp thời ban hành những chính sách phù hợp

Trên cơ sở ý kiến tham gia của Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn (NN&PTNN), Ủy ban nhân dân 20 tỉnh, thành phố thuộc địa bàn triển khai thí điểm BHNN và doanh nghiệp bảo hiểm, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 358/QĐ-TTg ngày 27/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 315/QĐ-TTg. Theo đó, Bộ Tài chính kiến nghị nâng mức hỗ trợ phí BHNN đối với hộ cận nghèo từ 80% lên mức 90%; cho phép áp dụng đồng thời chính sách BHNN và chính sách hỗ trợ trực tiếp đối với người sản xuất nông nghiệp tham gia bảo hiểm vật nuôi để nâng cao hiệu quả hỗ trợ người nông dân.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng ban hành các văn bản pháp luật hướng dẫn cơ chế tài chính, chính sách hỗ trợ đối với các doanh nghiệp bảo hiểm triển khai thí điểm BHNN; quy định hồ sơ, thủ tục và quy trình hỗ trợ thực hiện thí điểm BHNN, đảm bảo đúng phạm vi, đối tượng, địa bàn được hỗ trợ. Cụ thể như: Thông tư số 121/2011/TT-BTC ngày 17/8/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số điều của Quyết định số 315/QĐ-TTg; Thông tư số 101/2012/TT-BTC ngày 20/6/2012 của Bộ Tài chính quy định một số vấn đề về tài chính đối với các doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm thực hiện thí điểm BHNN theo Quyết định số 315/QĐ-TTg; Thông tư số 96/2013/TT-BTC ngày 23/7/2013 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 121/2011/TT-BTC và Thông tư số 101/2012/TT-BTC...   

Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan

Trong quá trình triển khai thực hiện, để tạo thuận lợi cho công tác chỉ đạo và phối hợp thực hiện, Bộ Tài chính và Bộ NN&PTNN đã thành lập Ban chỉ đạo và ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn thực hiện như: xác định phạm vi bảo hiểm, xây dựng quy tắc bảo hiểm, quy trình nuôi trồng, quy trình xác nhận thiên tai, dịch bệnh làm căn cứ để bồi thường cũng như các hướng dẫn về tài chính, ngân sách. Hai Bộ đã phối hợp chặt chẽ trong quá trình chỉ đạo thực hiện, giải quyết những khó khăn, vướng mắc tại từng địa phương và bổ sung, sửa đổi kịp thời cơ chế chính sách nhằm thực hiện mục tiêu của chương trình.

Để triển khai chính sách chế độ và nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát rủi ro, trong quá trình triển khai, Bộ Tài chính đã phối hợp thường xuyên với Bộ NN&PTNT và Ban chỉ đạo các tỉnh, thành phố giải thích chính sách chế độ, nắm sát tình hình thực tiễn ở cơ sở, các khó khăn, vướng mắc, kịp thời sửa đổi cơ chế chính sách và đưa ra các biện pháp giải quyết, đảm bảo quyền lợi của người tham gia bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm.

Tăng cường tuyên truyền lợi ích của BHNN

Đánh giá được tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, Bộ Tài chính đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và cơ quan thông tấn, báo chí tuyên truyền về các chính sách BHNN, nghiệp vụ bảo hiểm nhằm nâng cao nhận thức của các cơ quan cũng như người dân trong quá trình thực hiện để chính sách đi vào cuộc sống một cách thiết thực. Đồng thời, trong quá trình triển khai thí điểm bảo hiểm, Bộ Tài chính cũng nhận được những phản ánh khó khăn, vướng mắc trong thực tế để có biện pháp giải quyết phù hợp.

Có thể nói, chính những thông tin của các cơ quan thông tấn báo chí đã góp phần làm cho người dân, cơ quan hữu quan hiểu rõ hơn về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, chế độ BHNN, tham gia tích cực vào thí điểm BHNN, từ đó nâng cao hiệu quả công tác thí điểm bảo hiểm.

Trong thời gian tới, để thu hút sự quan tâm mạnh mẽ và tham gia của người dân, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về những lợi ích mà BHNN đem lại tới từng cá nhân và hộ gia đình trên khắp cả nước; đồng thời tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn xây dựng dự thảo Báo cáo tổng kết thí điểm BHNN để Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến chỉ đạo.

Ngoài ra, Bộ Tài chính sẽ thường xuyên giám sát, chỉ đạo các doanh nghiệp bảo hiểm trong việc phổ biến, hướng dẫn chính sách chế độ cho người dân, tổ chức khai thác, theo dõi thực hiện hợp đồng bảo hiểm; tăng cường công tác quản lý rủi ro; xác nhận dịch bệnh, xác định mức độ thiệt hại thực tế đảm bảo giải quyết bồi thường bảo hiểm chặt chẽ, đúng chế độ quy định, phòng ngừa trục lợi bảo hiểm.