Bừng nhiệt huyết nhưng chưa thỏa mãn

Theo chinhphu.vn

(Tài chính) Ông Hồ Văn Trung, một doanh nhân người Úc gốc Việt, Chủ tịch Tập đoàn Trangs Group, chủ doanh nghiệp phân phối thức ăn đóng gói cho hệ thống siêu thị ở khắp các thị trường Âu, Á chia sẻ sau khi ông đọc Thông điệp đầu năm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

 Bừng nhiệt huyết nhưng chưa thỏa mãn
Việt Nam hiện tại chưa phát huy hết lợi thế thu hút đầu tư nước ngoài. Nguồn: internet
Vui mừng và bừng bừng nhiệt huyết là những gì doanh nhân Hồ Văn Trung, người đã có hơn 35 năm sống ở nước ngoài và hơn 30 năm làm quản lí doanh nghiệp, cảm nhận khi đọc bài viết của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

“Chưa thỏa mãn về mục tiêu tăng trưởng”

Từ góc nhìn của người làm kinh tế, ông Trung mong muốn “đóng góp những lời gan ruột của một người con dân Việt luôn hướng về quê hương”.

Rất tâm đắc với vấn đề mà Thủ tướng nêu ra trong bài viết: “Tập trung nỗ lực xây dựng Nhà nước pháp quyền, phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của Nhân dân, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới”, tuy nhiên, ông Trung thẳng thắn, ông muốn góp thêm một yếu tố căn bản: Xây dựng nền kinh tế với sản phẩm xuất khẩu chủ lực làm rường cột.

“Trước nay, chúng ta chưa quan tâm tới yếu tố then chốt đó, mà nhìn vào sự tăng trưởng không có chủ lực, thiếu nền tảng. Việt Nam với xuất phát điểm nằm trong nhóm các nước nghèo, chúng ta có lợi thế về lao động rẻ, có tay nghề, cần cù, và có lợi thế về nguyên liệu. Nhưng mình chưa tận dụng hết những lợi thế này để có các sản phẩm chủ lực của đất nước, mà đặt nặng những yếu tố phục vụ nhiều hơn. Ví dụ: Ngân hàng là một dịch vụ, chứ không phải là ngành kinh tế chủ lực của đất nước. Nó như đường tuần hoàn máu giúp cơ thể khỏe mạnh, chứ không làm phát triển cơ thể”, ông Trung bày tỏ.

Để phát triển quốc gia trong giai đoạn đất nước còn nghèo, cái căn bản của nền kinh tế theo ông Hồ Văn Trung, phải là sản phẩm. Sản phẩm không chỉ là cái ly, cái áo mà cả những sản phẩm trí tuệ, dịch vụ, ví dụ như du lịch, giáo dục-đào tạo… và phải huy động toàn lực cho các sản phẩm đó để xuất khẩu, mang ngoại tệ về cho đất nước. 

“Chúng ta nên thay đổi mô hình kinh tế, xây dựng một mô hình kinh tế chủ lực cho việc phát triển, tạo ra sản phẩm, lấy xuất khẩu là trọng điểm, xây dựng chiến lược đột phá thị trường thế giới, đó là xương sống và mũi nhọn của nền kinh tế đất nước. Tất cả để thu ngoại tệ và dùng ngoại tệ như là huyết mạch, muốn xuất khẩu thì phải có sản phẩm, chính cái sản phẩm đó là nền tảng vững bền cho nền kinh tế của một quốc gia nghèo đang phát triển”.

Vì những yếu tố then chốt đó, ông Trung cho rằng mục tiêu tăng trưởng của đất nước trong 2014 là 5,8% GDP khiến ông “chưa thỏa mãn lắm, có thể đặt mục tiêu đến 8%, thậm chí cao hơn nữa”.

“Đất nước còn những nguồn lực rất lớn”

Ông Trung cũng cho biết, ông kỳ vọng rất lớn từ những thông điệp của Thủ tướng, liên quan đến vấn đề hoàn thiện cơ chế, thực hiện giá thị trường đối với hàng hóa, dịch vụ thiết yếu và bảo đảm cạnh tranh bình đẳng.

“Thể chế của chúng ta chưa tận dụng hết nguồn lực rất lớn có thể phục vụ đất nước trong quá trình hội nhập quốc tế, đó là 3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài”, ông Trung chia sẻ, “lượng kiều hối của Việt kiều năm 2013 gửi về nước là 11 tỷ USD, gần bằng 1/10 tổng thu nhập quốc nội (GDP), tôi không cho rằng cả 3 triệu người này đem tiền về Việt Nam đầu tư, nhưng họ sẽ là những cánh tay nối dài để đem sản phẩm của Việt Nam, trí tuệ của Việt Nam hội nhập thế giới, phát huy sức mạnh quốc gia trong quá trình toàn cầu hóa”. 

“Trí tuệ, ngôn ngữ, kinh nghiệm thương trường, hiểu biết thị trường, khả năng giao dịch… mới là những tài sản quý giá nhất của 3 triệu người Việt ở nước ngoài, chứ không phải tiền mà họ gửi về, và chúng ta hiện chưa kích thích, khai thác được đúng tầm nguồn lực to lớn này”, ông Trung nói. 

Một nguồn lực khác, theo ông Trung, đến từ khu vực doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài (FDI), mà thể chế kinh tế của Việt Nam hiện tại chưa phát huy hết lợi thế thu hút đầu tư. “Nguyên tắc của nhà đầu tư là cứ ở đâu có lợi nhuận, họ sẽ đầu tư vào đó. Đất nước chúng ta có đầy đủ các yếu tố cần thiết, nguồn tài nguyên dồi dào, lao động rẻ, có tay nghề và cần cù, lương trung bình lao động Việt Nam từ 150-200USD/người, trong khi Trung Quốc đã khoảng 350USD, thế nhưng Việt Nam chưa thực sự thu hút các nhà đầu tư đến với chúng ta một cách đúng tầm. Đó là vì cơ chế”. 

Ông Trung cho rằng, từ những thông điệp của Thủ tướng, đất nước sẽ sớm hoàn thiện thể chế, “mở” và “thoáng” hơn để nâng cao sức hút với các doanh nghiệp FDI trong năm 2014.

“Huy động tất cả nguồn lực mình đang có, để thế giới biết rằng Việt Nam sẵn sàng mở rộng cửa, và chúng ta có rất nhiều cơ hội để các nhà đầu tư có thể đến đây làm ăn, mang về lợi nhuận, tôi kỳ vọng đó sẽ là mục tiêu mà Chính phủ phải dồn hết sức để làm trong năm nay”, ông Trung tin tưởng.