Bước vào tương lai, Việt Nam là điểm đến

Theo thoibaonganhang.vn

Có các lợi thế so sánh vượt trội và tính ổn định, an toàn sẽ giúp Việt Nam tiếp tục thu hút mạnh các nhà đầu tư nước ngoài.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Lý do là đây

Tại hội thảo thường niên “Bước vào tương lai” do HSBC Việt Nam tổ chức mới đây, ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright đưa ra dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay sẽ chỉ đạt khoảng 6,3%. Nhưng tăng trưởng các năm tiếp theo như thế nào phụ thuộc vào việc giải quyết các vấn đề cơ cấu kinh tế, nhất là các thách thức trong lĩnh vực ngân hàng và nợ công.

Nếu giải quyết được các vấn đề này, tăng trưởng có thể lên mức 7% thậm chí đạt 8%. Ngược lại, tăng trưởng chỉ ở mức 5% hay 5,5% nếu các vấn đề mang tính cơ cấu vẫn còn đó. Và các nhà đầu tư thì luôn nhìn vào tiềm năng phát triển trung hạn để lựa chọn điểm đến. Tiềm năng này, với Việt Nam - đó là quá trình cải cách tái cơ cấu kinh tế và những cam kết mạnh mẽ về cải cách thể chế, xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển được Chính phủ mới của Việt Nam nhấn mạnh gần đây.

Là một người sống và làm việc ở Việt Nam “đủ lâu”, ông Kyle Kelhofer, Giám đốc quốc gia Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) tại Việt Nam, Lào, Campuchia nhìn nhận: “Việt Nam có những lợi thế so sánh đặc biệt: có lợi thế về vị trí địa lý chiến lược rất gần với các chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu, lực lượng lao động dồi dào với chi phí lao động thấp, nền kinh tế mở và mức độ hội nhập cao, thị trường nội địa lớn và tầng lớp trung lưu ngày càng tăng, đặc biệt là sự ổn định và an ninh tốt”.

“Dù có thể ai đó vẫn chưa hài lòng về cơ sở hạ tầng (CSHT) của Việt Nam nhưng nếu so với nhiều quốc gia khác thì CSHT của Việt Nam là tương đối mạnh”, ông Kyle Kelhofer nói. “Việt Nam là một trong những nước ổn định nhất trên thế giới trong suốt nhiều năm qua. Chúng ta có thể ra phố vào lúc 10 giờ đêm mà cảm thấy hoàn toàn bình thường và rất an toàn. Đây là điều mà ở các nước khác không phải lúc nào cũng có được”, ông nhấn mạnh.

Ông Phạm Hồng Hải, CEO HSBC Việt Nam lại có một niềm tin lạc quan: “Tôi tin các doanh nghiệp FDI muốn đầu tư vào Việt Nam vì đây là đất nước đang trên một quỹ đạo phát triển đầy triển vọng. Đặc biệt ở đây là lực lượng lao động chăm chỉ. So với các nước ASEAN khác, người lao động Việt Nam cần cù, chăm chỉ nhất. Họ luôn muốn thành công, có tinh thần tha thiết làm việc, cống hiến. Đó là sự khác biệt của Việt Nam”.

Cơ hội ở ngay thách thức

Theo các chuyên gia, nhiều cơ hội đang mở ra và trước hết, nó nằm ở chính các thách thức mà kinh tế Việt Nam gặp phải. Ông Kyle Kelhofer chỉ ra, một thách thức hiện nay là mối liên kết trong nội bộ các ngành, lĩnh vực trong nước không cao; liên kết giữa các cộng đồng doanh nghiệp, giữa các doanh nghiệp nội địa với khu vực doanh nghiệp FDI cũng rất yếu, hay số lượng và mức độ tham gia vào thị trường toàn cầu của các doanh nghiệp trong nước còn thấp. Nhưng đây là cơ hội cho chúng ta trong tìm kiếm các giải pháp để tạo dựng các mối liên kết còn yếu và thiếu vắng đó.

Một vấn đề lớn khác mà các nhà đầu tư khi tìm kiếm cơ hội tham gia ở một thị trường luôn xem xét kỹ, đó là vấn đề CSHT. Ông Kyle Kelhofer nêu trường hợp của ngành điện: nhu cầu về điện ngày càng cao ước tính đến năm 2020 sẽ cần thêm 25 nghìn MW từ mức 35 nghìn MW hiện nay và thêm 50 nghìn MW nữa vào năm 2030. Đây là cơ hội cho tư nhân đầu tư vào ngành này nhưng cần có cơ chế tốt đủ sức hấp dẫn khu vực tư nhân.

Sự thay đổi nhân khẩu học (tình trạng già hóa dân số bắt đầu diễn ra nhanh) bên cạnh việc gây ra những thách thức lớn cần giải quyết về lực lượng lao động và nâng cao năng suất lao động trong tương lai nhưng đồng thời cũng ghi nhận sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu.

Các chuyên gia nhìn nhận, đây sẽ là cơ sở để nền kinh tế dựa nhiều hơn vào tiêu dùng nội địa, đồng thời là cơ hội lớn để các doanh nghiệp ngành sản xuất, bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng phát triển. Các chuyên gia cũng cho rằng, cơ hội và tiềm năng để thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển trong ngành sản xuất, chế biến chế tạo (đặc biệt là hàng hóa điện tử, viễn thông) hay ngành nông nghiệp phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng trong nước cũng còn dư địa rất lớn. Lưu ý ở đây là cần thu hút đầu tư mạnh hơn vào các lĩnh vực và công đoạn sản xuất có hàm lượng giá trị gia tăng cao hơn.