Cách mạng công nghiệp 4.0: Bắt đầu thay đổi từ tư duy

Theo Mai Phương/baodauthau.vn

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra nhiều thách thức, nhưng cũng tạo nhiều cơ hội nếu cộng đồng doanh nghiệp (DN) và cơ quan quản lý dũng cảm từ bỏ thói quen cũ, tư duy cũ để thay đổi, thích ứng và chủ động nắm bắt thời cơ mới. Đó cũng là đòi hỏi tất yếu nếu cơ quan quản lý và DN không muốn bị tụt hậu, thế chân.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra nhiều thách thức, nhưng cũng tạo nhiều cơ hội nếu cộng đồng doanh nghiệp. Nguồn: internet
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra nhiều thách thức, nhưng cũng tạo nhiều cơ hội nếu cộng đồng doanh nghiệp. Nguồn: internet

Thay đổi từ nhận thức

Cuối năm ngoái, sự xuất hiện của dịch vụ Mai Linh bike (xe ôm Mai Linh), sau việc phát triển hệ thống ứng dụng gọi taxi tại TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Hà Nội đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận và người dân. Việc ra đời một loại hình vận tải mới của Mai Linh dù chưa thể nói trước có thành công trong việc giành lại thị trường với các công nghệ gọi xe như Grap hay Uber hay không, nhưng theo nhiều nhà quản lý thì đã cho thấy sự thay đổi nhận thức của các DN Việt trước làn sóng của cuộc CMCN 4.0. Và đây là một sự thay đổi vô cùng quan trọng.

Một sự thay đổi sớm hơn so với Mai Linh có thể kể đến là Công ty CP Công nghiệp và Thiết bị chiếu sáng Duhal. Là đối tác chiến lược của Tập đoàn Samsung, công ty này đã đạt được nhiều thành công trong kinh doanh khi kịp thời nắm bắt xu thế của cuộc CMCN 4.0 từ những ngày đầu. Luôn xem công nghệ là giá trị cốt lõi để tăng trưởng, 5 năm qua, Duhal đã đầu tư chiều sâu về công nghệ, liên tục cập nhật cải tiến và đầu tư nghiên cứu phát triển sâu rộng để tối ưu quy trình sản xuất. Nhờ đầu tư đúng trọng tâm, DN đã tăng trưởng liên tục, doanh thu năm 2017 đạt trên 1.000 tỷ đồng, trong đó riêng xuất khẩu chiếm 30%.

Thay đổi mạnh mẽ nhất phải kể đến là các DN ngành công nghệ. Trong lĩnh vực này, không chỉ các DN nhỏ mà ngay cả các DN công nghệ hàng đầu của Việt Nam như Viettel, FPT, VNPT… cũng đã từ bỏ nhiều quy tắc kinh doanh cũ, không còn phù hợp để hướng đến việc sản xuất các mặt hàng công nghệ mới, có ứng dụng cao hơn, phục vụ tốt hơn cho người tiêu dùng. Đây là những tín hiệu tích cực về sự buông bỏ ánh hào quang cũ của những ông lớn vốn không dễ thay đổi.

Nói về sự thay đổi của các DN trước làn sóng của cuộc CMCN 4.0, ông Phạm Đại Dương, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) nhận định: “Không còn dừng lại ở những phản ứng đơn thuần, các DN trong nước đã nhận ra cần phải thay đổi công nghệ, thay đổi tư duy, thậm chí là đi theo con đường khác với hiện tại thì mới có thể tồn tại, cạnh tranh và phát triển được trong tương lai”. 

Dũng cảm từ bỏ tư duy cũ

Theo Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2018 vừa được công bố, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) chủ trì, phối hợp với Bộ KH&CN và các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, đánh giá tác động và xây dựng Chiến lược quốc gia về cuộc CMCN 4.0. Chiến lược này sẽ định vị Việt Nam đang và sẽ ở đâu trong cuộc CMCN 4.0. Bộ KH&ĐT đã và đang có nhiều hoạt động chuẩn bị cho việc nghiên cứu, xây dựng Chiến lược, với sự vào cuộc, chỉ đạo trực tiếp của người đứng đầu ngành KH&ĐT.

Không thể phủ nhận cuộc CMCN 4.0 đang làm thay đổi căn bản nền sản xuất, tác động đến tất cả phương diện, từ quản trị nhà nước đến thị trường của nhiều quốc gia. Chính vì vậy, theo ông Phạm Đại Dương, để có thể bắt kịp xu thế phát triển, thì Việt Nam không thể nằm ngoài cuộc cách mạng này, mà phải vào cuộc với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị. Điều này là vô cùng quan trọng, nhất là khi nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có những quốc gia tương đồng với Việt Nam như Thái Lan, Trung Quốc..., đã có những chiến lược riêng để tận dụng cơ hội của cuộc CMCN 4.0.

Trong Chiến lược quốc gia về cuộc CMCN 4.0, DN sẽ là một đối tượng quan trọng. Đây cũng là điều dễ hiểu bởi trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 đang lan nhanh khắp thế giới, mang theo vô vàn cơ hội đầu tư - kinh doanh cùng nhiều thách thức, thì những rào cản về môi trường kinh doanh, dù là nhỏ, cũng sẽ tác động trực tiếp đến hoạt động của cộng đồng kinh doanh Việt Nam trong nền kinh tế thế giới.

Trên thực tế, lo lắng này là có cơ sở, bởi theo kết quả nghiên cứu của Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, thì gần 75% DN vẫn còn than phiền về thủ tục hành chính còn rườm rà, gây mất thời gian; 64% DN vẫn kêu ca về thái độ, hành vi ứng xử nhũng nhiễu của cán bộ cơ quan quản lý nhà nước…

Theo ông Phạm Đại Dương, CMCN 4.0 buộc các DN phải tuân thủ những yêu cầu mới như nắm bắt xu hướng công nghệ mới, trang bị đủ năng lực và điều quan trọng là phải dũng cảm từ bỏ, cải cách mô hình cũ để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, của người tiêu dùng. Chính vì vậy, sẽ có những DN bị thải loại do không theo kịp xu thế; sẽ có những người lao động không còn việc làm nếu không cập nhật trình độ và sẽ có những DN mới nổi lên, thế chân vào những thương hiệu lâu năm mà không kịp thích ứng với thời cuộc.

Tuy nhiên, theo ông Dương, để không tạo nên những cú sốc đối với DN, người dân thì sự hậu thuẫn từ hệ thống quản lý nhà nước, đặc biệt là của mỗi công chức nhà nước, là điều vô cùng cần thiết.