Cải cách thể chế để hội nhập thành công

Theo saigondautu.com.vn

(Tài chính) Thực tiễn Đổi mới gần 30 năm qua ở nước ta đã chứng minh cải cách thể chế kinh tế gắn với đẩy mạnh hội nhập quốc tế là lựa chọn đúng đắn. Để tạo sức bật thời kỳ mới, Việt Nam cần có thêm các động lực mới và như Thông điệp đầu năm 2014 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, là “nguồn động lực đó phải đến từ đổi mới thể chế”. Vì vậy, cải cách và hoàn thiện thể chế kinh tế là yêu cầu cấp thiết hơn bao giờ hết.

Cải cách thể chế để hội nhập thành công
Cải cách và hoàn thiện thể chế kinh tế là yêu cầu cấp thiết hơn bao giờ hết. Nguồn: internet

Đòi hỏi khách quan của thời đại

Đổi mới và cải cách thể chế kinh tế là yêu cầu khách quan, xuất phát từ yêu cầu phát triển của đất nước. Theo đó, Việt Nam đang đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng để bứt phá vươn lên khỏi bẫy thu nhập trung bình.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), chỉ có 13/101 nước thu nhập trung bình trong 50 năm qua thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và một trong những yếu tố quyết định chính là thể chế. Đây là các quốc gia nhạy bén và quyết liệt đổi mới thể chế kinh tế phù hợp với thực tiễn phát triển và xu thế thời đại.

Để có được trình độ phát triển như hiện nay, các nước công nghiệp mới (NIC) Đông Á đã trải qua nhiều đợt cải cách thể chế kinh tế. Và chính nhờ đổi mới thể chế kinh tế, các nước này đã gượng dậy sau khủng hoảng tài chính châu Á để viết tiếp câu chuyện thành công như Hàn Quốc, Singapore…

Cải cách thể chế kinh tế trong điều kiện chủ động, tích cực hội nhập quốc tế không đơn giản là điều chỉnh quy định, pháp luật theo cam kết hội nhập. Quan trọng hơn đó là tiến trình cải cách đồng bộ các thể chế kinh tế nhằm khai thác tốt nhất các lợi ích do hội nhập quốc tế mang lại. Có thể nói sự chuẩn bị trong nước về thể chế kinh tế có vai trò quyết định đối với thành công của quốc gia trong hội nhập kinh tế quốc tế.

Cải cách và đổi mới thể chế kinh tế thực chất là cụ thể hóa quy luật phát triển quan hệ sản xuất phù hợp với tính chất, trình độ của lực lượng sản xuất, xây dựng kiến trúc thượng tầng phù hợp với cơ sở hạ tầng xã hội.

Hội nhập quốc tế sâu rộng đã làm thay đổi tính chất, trình độ lực lượng sản xuất, các mối quan hệ sản xuất và hạ tầng xã hội (thí dụ, ngày càng nhiều chủ thể mới như nhà đầu tư, doanh nghiệp (DN) nước ngoài, lao động nước ngoài, vốn và công nghệ nước ngoài…), làm ranh giới giữa quan hệ sản xuất, lực lượng sản xuất trong nước và quốc tế dần bị xóa nhòa.

Do đó, cải cách thể chế kinh tế là đòi hỏi khách quan khi hội nhập quốc tế. Không thể hội nhập quốc tế hiệu quả, nếu không có thể chế kinh tế phù hợp với các luật chơi chung của thời đại.

Để làm điều này, thể chế kinh tế nước ta cần đổi mới với 3 cấu thành, gồm các thể chế kinh tế tương thích và tuân thủ các cam kết hội nhập quốc tế (điều chỉnh, hoàn thiện pháp luật kinh tế phù hợp với các cam kết hội nhập); các thể chế phòng vệ nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng, giảm thiểu các tác động không thuận lợi khi thực hiện các cam kết hội nhập (chống độc quyền, bảo vệ cạnh tranh lành mạnh, tiêu chuẩn công nghệ - môi trường, hỗ trợ các đối tượng dễ tổn thương…); các thể chế hỗ trợ để tranh thủ cơ hội, lợi ích của hội nhập quốc tế (khuyến khích cạnh tranh, sáng tạo, đổi mới công nghệ…).

Sau hơn 6 năm tham gia WTO, dường như sức ép về đổi mới thể chế kinh tế chưa thực sự thúc đẩy mạnh Việt Nam tiến hành cải cách quyết liệt để có thể thực hiện tốt hơn cam kết WTO, cũng như khai thác hiệu quả hơn lợi ích khi gia nhập WTO. Thời hạn chuyển đổi trong thực hiện các cam kết hội nhập mà ta sắp hoàn tất đàm phán như TPP, RCEP, FTA với EU… chỉ khoảng 5-10 năm tới.

Một khi đã tham gia, nhất là TPP, các đối tác sẽ giám sát và quyết liệt đòi hỏi chúng ta thực hiện triệt để vì lợi ích của họ. Nếu vẫn giữ tư duy, cách nghĩ và thói quen như thời gian qua, cam kết không đi đôi chuẩn bị và cải cách trong nước cũng như nâng cao năng lực hội nhập, ta khó tránh bất lợi và thua thiệt. Vì vậy, 5-10 năm tới là giai đoạn then chốt cho sự hội nhập quốc tế có thành công hay không, phụ thuộc nhiều vào cải cách thể chế kinh tế đất nước.

Định vị vai trò thị trường và Nhà nước

Nhìn vào kinh nghiệm cải cách thể chế kinh tế các nước, xét cho cùng là đi tìm và xác lập một quan hệ hài hòa giữa thị trường và Nhà nước. Không thể phủ nhận kinh tế thị trường là phương thức quan trọng nhất giúp các nước phát triển thịnh vượng.

Nhưng thực tế, các nước có nền kinh tế phát triển không chỉ nhờ tuân thủ quy luật của kinh tế thị trường mà còn hạn chế được những mặt trái của nó, sửa chữa và khắc phục được những thất bại của thị trường. Trong khi đó, nhiều nước phát triển chậm và bất ổn do không xử lý được những thất bại hay khuyết tật của thị trường.

Thể chế kinh tế nước ta đang xây dựng là “thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Cần xác định rõ đâu là yếu tố “thị trường”, đâu là “định hướng xã hội chủ nghĩa”. Thể chế kinh tế của Việt Nam có đặc thù, nhưng trước hết cần theo dòng chảy chung của nhân loại. Kinh tế thị trường là phương thức phát triển kinh tế chung của thế giới hiện nay, phải chăng định hướng xã hội chủ nghĩa là nói đến bản chất và vai trò của Nhà nước ta.

Kỷ cương và hệ thống đãi ngộ - khuyến khích chỉ phát huy hiệu quả cao nhất khi chúng gắn liền với nhau, bổ sung và tương hỗ lẫn nhau. Bởi kỷ cương nếu không có đãi ngộ dễ rơi vào kìm kẹp, triệt tiêu sáng tạo và động lực cải cách. Ngược lại đãi ngộ không đi đôi với kỷ cương dễ dẫn đến lãng phí, thiếu hiệu quả và trì trệ. Vì vậy, chỉ có đột phá trong chế độ đãi ngộ - khuyến khích đi đôi với kỷ cương, đánh giá công chức mới tạo được chuyển biến thực chất trong cải cách thể chế kinh tế quốc gia.

Với cách tiếp cận như vậy và trên cơ sở kinh nghiệm của các nước, có thể phân định rõ vai trò của thị trường và Nhà nước trong kết cấu thể chế kinh tế ở nước ta như sau: Thể chế thị trường là tôn trọng quy luật của thị trường, để thị trường giữ vai trò quyết định phân bổ hiệu quả các nguồn lực.

Trong hội nhập quốc tế, Nhà nước có vai trò quan trọng, nhưng DN và xã hội giữ vai trò quyết định thành công và hiệu quả của hội nhập. Vì vậy, cần tạo dựng được các thể chế thị trường hiện đại để khơi dậy và giải phóng tối đa tiềm năng, sáng tạo và sức sản xuất của toàn xã hội.

Vì thế, cần có các thể chế bảo đảm tôn trọng và củng cố các nền tảng cơ bản của kinh tế thị trường như quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh, cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh. Việc đẩy mạnh cải tổ DN nhà nước (DNNN) đi đôi với phát triển dân doanh là một trong những trọng tâm.

Với DNNN, thực tiễn phát triển của các nước cho thấy không nhất thiết cứ DNNN là kém hiệu quả. Hiệu quả hay không do DN đó được tổ chức như thế nào và hoạt động trong môi trường nào. Do đó, bên cạnh cổ phần hóa (thay đổi cơ cấu sở hữu), cần chú trọng hơn đến công ty hóa DNNN, tức tái tổ chức DNNN hoạt động như công ty độc lập trong môi trường cạnh tranh bình đẳng. Lãnh đạo DNNN chịu trách nhiệm giải trình rõ ràng trước Nhà nước với tư cách cổ đông.

Năng lực thực thi và chế độ đãi ngộ

Thể chế kinh tế của Việt Nam thực chất vẫn là thể chế kinh tế đang chuyển đổi, đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện, do đó không tránh khỏi yếu kém và bất cập. Không phải ta không nhận thức được những bất cập đó, mà cái yếu lớn nhất là khâu thực thi. Không thể nói một thể chế kinh tế là hiệu quả nếu thể chế đó không đi vào cuộc sống.

Nhiều nước, nhất là các nước ở Đông Á và Đông Nam Á, cũng từng trải qua giai đoạn phát triển với những thách thức tương đồng Việt Nam như hiện nay và họ đã vượt qua để tạo dựng được thể chế kinh tế hiệu quả. Trong nhiều yếu tố, có yếu tố then chốt đưa đến thành công là bộ máy nhà nước vững mạnh và hiệu quả, xây dựng dựa trên nền tảng kỷ cương pháp luật và thực thi cải cách.

Kinh nghiệm thành công của các nước NIC Đông Á cũng như ở thời kỳ cùng trình độ phát triển như Việt Nam hiện nay, cho thấy tinh thần thượng tôn pháp luật, thậm chí có lúc mang tính kỷ luật thép (như Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan…), đã quy định chặt chẽ tiêu chuẩn và trách nhiệm của công chức, đánh giá đúng năng lực công chức.

Singapore có được nền kinh tế mạnh với môi trường đầu tư hấp dẫn và nền hành chính trong sạch do có chế độ đãi ngộ công chức khôn ngoan và sáng suốt khi chọn vấn đề lương công chức là chìa khóa cho mọi cải cách. Nhìn vào mô hình phát triển của Singapore, có thể thấy động lực làm việc và sự tuân thủ luật pháp của công chức là yếu tố mấu chốt cho một nền hành chính công để mọi chính sách và luật pháp đi vào cuộc sống. Rõ ràng, hệ thống đãi ngộ - khuyến khích là động lực quan trọng nhất của cải cách, bởi nó trực tiếp giải quyết vấn đề lợi ích, phát huy đúng mặt tích cực của thể chế kinh tế thị trường.

Ở Việt Nam trong giai đoạn đầu Đổi mới, việc giải quyết đúng vấn đề lợi ích (như khoán 10 trong nông nghiệp) đã tạo nên động lực mạnh mẽ cho cải cách thể chế kinh tế.